Đại hội XIII cũng chỉ rõ: “Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(2). Trong đó, Đảng ta đặc biệt chú ý nhận thức và xử lý mối quan hệ giữa xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức.
Đại hội XIII đề ra nhiệm vụ “Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị” với tinh thần “Kiên định và không ngừng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng”(3). Bốn kiên định trong xây dựng Đảng về chính trị này được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng coi “Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(4).
Trong đó, kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng là kiên định các nguyên tắc: 1) Tập trung dân chủ; 2) Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; 3) Tự phê bình và phê bình; 4) Kỷ luật nghiêm minh, tự giác; 5) Đoàn kết thống nhất trong Đảng. Bởi lẽ, thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng tỏ “sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa”(5). Do vậy, chúng ta phải đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt phải kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ.
Đại hội XIII cũng đề ra nhiệm vụ “coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng” với tinh thần “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả; nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, tính thuyết phục trong tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(6). Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Đại hội XIII đề ra 7 biện pháp cụ thể. Thực hiện tốt 7 biện pháp cụ thể này sẽ thực hiện tốt nội dung xây dựng Đảng về tư tưởng.
Đại hội XIII đồng thời cũng đề ra nhiệm vụ “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức” với phương châm “Nêu cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, thực hiện thường xuyên, sâu rộng, có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị”(7). Để thực hiện tốt nội dung này, Đại hội XIII đề ra 3 biện pháp cụ thể cần thực hiện
Rõ ràng, Đảng ta rất quan tâm nhận thức và xử lý đúng đắn quan hệ giữa xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức. Điều này thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau:
Một là, xây dựng Đảng về chính trị là cơ sở, nền tảng để xây dựng Đảng về tư tưởng và đạo đức.
Điều này thể hiện ngay từ thứ tự nội dung xây dựng Đảng. Theo thứ tự nội dung xây dựng Đảng, trước hết xây dựng Đảng về chính trị, rồi đến xây dựng Đảng về tư tưởng và xây dựng Đảng về đạo đức. Xây dựng Đảng về chính trị là cơ sở, nền tảng cho xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức thể hiện ở chỗ: Trước hết xây dựng Đảng về chính trị có nhiều nội dung nhưng nội dung cơ bản, quan trọng là xây dựng cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng. Không có cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối đúng đắn thì Đảng không thể thực hiện sứ mệnh lãnh đạo cách mạng để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, đúng như Đại hội XIII xác định còn phải nâng cao bản lĩnh, năng lực dự báo, chất lượng hoạch định đường lối, chính sách phù hợp thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của thời đại. Nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, tính chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng cũng như mỗi đảng viên. Thực hành dân chủ trong Đảng gắn liền với tăng cường, kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Nếu chính trị không vững vàng, Đảng sẽ không có bản lĩnh chính trị, trí tuệ xây dựng cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối đúng đắn. Do vậy, xây dựng Đảng về chính trị là xuất phát điểm quan trọng nhất, cơ bản nhất, đóng vai trò quyết định xây dựng Đảng về tư tưởng và đạo đức, trên cơ sở đó nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng.
Có cương lĩnh chính trị, đường lối đúng đắn rồi, Đảng phải đoàn kết, thống nhất như một tổ chức cách mạng có kỷ luật nghiêm minh, thống nhất về tư tưởng, ý chí, hành động. Để có được thống nhất về tư tưởng, ý chí, hành động thì phải xây dựng Đảng về tư tưởng. Xây dựng Đảng về tư tưởng là nhằm giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, niềm tin của cán bộ, đảng viên đối với sự lãnh đạo của Đảng, đối với chế độ xã hội chủ nghĩa; tạo sự đoàn kết thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động trong toàn Đảng và toàn xã hội. Nếu tư tưởng không thống nhất sẽ không thành sức mạnh đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng và toàn xã hội, như vậy thì không thể thực hiện được cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng. Để đoàn kết thống nhất về tư tưởng còn phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp thực tiễn đất nước và thời đại. Nếu Đảng là một tổ chức đoàn kết thống nhất rồi thì phải lôi cuốn toàn thể nhân dân, cả dân tộc đồng lòng, nhất trí đi theo Đảng để thực hiện cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng.
Muốn Đảng là tấm gương sáng ngời về trí tuệ và đạo đức để lôi cuốn toàn dân nhất trí, đồng lòng theo Đảng thực hiện cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng thì phải quan tâm xây dựng Đảng về đạo đức. Xây dựng Đảng về đạo đức là xây dựng, củng cố uy tín của Đảng trong xã hội về mặt phẩm chất đạo đức. Trên cơ sở ấy, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Có tin vào Đảng thì nhân dân mới một lòng, một dạ theo Đảng, nỗ lực cố gắng phấn đấu thực hiện cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chủ tịch lại nói “Đạo đức là gốc của người cách mạng”; “Không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(8). Nhân dân tin vào Đảng trước hết là vì Đảng có những đảng viên kiên trung, sáng ngời về phẩm chất đạo đức, suốt đời phấn đấu hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân. Tuy nhiên, những phẩm chất đạo đức này không tự nhiên có, mà phải rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng suốt đời. Do vậy, phải tập trung xây dựng Đảng về đạo đức.
Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức có mối liên hệ nội tại với tư cách là ba nội dung xây dựng Đảng không tách rời nhau. Trong đó, xây dựng Đảng về chính trị là cơ sở, nền tảng cho xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức. Ngược lại, xây dựng Đảng về tư tưởng, về đạo đức góp phần củng cố xây dựng Đảng về chính trị. Hơn nữa, những cung bậc nhấn mạnh “tăng cường”, “coi trọng” hay “tập trung” là sự phản ánh yêu cầu thực tiễn xây dựng Đảng của Đảng ta.
|
Hai là, xây dựng Đảng về tư tưởng, đạo đức góp phần tăng cường, củng cố xây dựng Đảng về chính trị.
Chúng ta đều rõ, nếu trong Đảng và từng đảng viên tư tưởng thống nhất, phẩm chất đạo đức trong sáng thì việc xây dựng cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối sẽ khách quan, khoa học. Mục tiêu của cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối vì dân tộc, vì nhân dân, chứ không vì Đảng và càng không vì một cá nhân nào. Xây dựng Đảng về tư tưởng còn tăng cường nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ tư duy lý luận trong toàn Đảng. Có như vậy thì cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối mới được bổ sung, hoàn thiện phù hợp thực tiễn đất nước và thời đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Như vậy góp phần tăng cường xây dựng Đảng về chính trị.
Như đã trình bày ở trên, xây dựng Đảng về đạo đức là nhằm củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, một lòng, một dạ đi theo đường lối của Đảng, tổ chức, thực hiện đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống. Cho nên xây dựng Đảng về đạo đức tác động đến xây dựng Đảng về chính trị ở ba khía cạnh. Trước hết, góp phần đưa cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, thông qua phong trào của đông đảo quần chúng nhân dân. Thứ hai, thông qua tổ chức thực hiện đưa cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống mới phát hiện ra ưu điểm, hạn chế, những vấn đề đặt ra để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối cho phù hợp thực tiễn. Góp phần hoàn thiện cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối của Đảng. Thứ ba, xây dựng Đảng về đạo đức cũng đồng thời và cũng là xây dựng Đảng về tư tưởng, bởi vì đạo đức góp phần tăng cường nền tảng tư tưởng của Đảng cũng như củng cố sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Ba là, vị trí, vai trò của từng yếu tố xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức thể hiện yêu cầu thực tiễn xây dựng Đảng đặt ra.
Đại hội XIII khi nói về xây dựng Đảng về chính trị đã nhấn mạnh thuật ngữ “tăng cường”; khi nói về xây dựng Đảng về tư tưởng đã nhấn mạnh thuật ngữ “coi trọng” và khi nói về xây dựng Đảng về đạo đức đã nhấn mạnh thuật ngữ “tập trung”. Những thuật ngữ “tăng cường”, “coi trọng”, “tập trung” không phải là sự vận dụng một cách ngẫu nhiên mà nó phản ánh yêu cầu thực tiễn xây dựng Đảng về từng nội dung của Đảng ta.
Chúng ta đều rõ, “tăng cường” là làm cho mạnh thêm, nhiều thêm. Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị là làm cho việc xây dựng Đảng về chính trị thêm mạnh, thêm nhiều. Nghĩa là việc xây dựng cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối phải thêm khoa học, thêm thực tiễn, thêm gắn bó với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, thêm phản ánh đúng quy luật vận động của thực tiễn, của lịch sử. Đồng thời, bản lĩnh chính trị của từng đảng viên và toàn Đảng thêm vững vàng, thêm sự kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đường lối đổi mới; các nguyên tắc xây dựng Đảng ngày càng được củng cố.
Chúng ta cũng rõ, thông thường “coi trọng” có nghĩa là rất quan tâm, rất chú ý, rất chú trọng, không coi nhẹ. Vì vậy, coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng nghĩa là phải rất quan tâm tới công tác này, làm cho Đảng đoàn kết, thống nhất về tư tưởng, một tổ chức thống nhất về mục tiêu, lý tưởng, cương lĩnh, chủ trương, đường lối, kỷ luật nghiêm minh, tự giác. Đúng như Hồ Chủ tịch đã căn dặn trước lúc đi xa: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(9).
Thông thường “tập trung” theo nghĩa thường là dồn tâm trí, nghị lực, quyết tâm vào một việc nào đó. Cho nên khi nói, tập trung xây dựng Đảng về đạo đức là toàn Đảng, toàn quân, toàn dân dồn tâm trí, nghị lực, quyết tâm vào xây dựng Đảng về đạo đức, để mỗi đảng viên và toàn Đảng thực sự là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng. Phải thực hành lời căn dặn của Hồ Chủ tịch: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”(10). Trên cơ sở đó, chúng ta sẽ lấy lại niềm tin của nhân dân vào Đảng.
GS.TS. TRẦN VĂN PHÒNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
--
(1) (2) (3) (6) (7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.57, 180, 180, 181, 183.
(4) (5) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2022, tr.51, 29.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.5, tr.292.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.611.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.547.