Thứ Tư, 4/12/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 7/11/2023 9:0'(GMT+7)

Gia Lai nỗ lực xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở thôn, làng

Phát huy vai trò cán bộ dân tộc thiểu số trong công tác tuyên truyền miệng - Nguồn: baogialai.com.vn

Phát huy vai trò cán bộ dân tộc thiểu số trong công tác tuyên truyền miệng - Nguồn: baogialai.com.vn

“CÙNG TIẾNG NÓI, CÙNG ĂN, CÙNG Ở, CÙNG SINH HOẠT” VỚI NHÂN DÂN

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Cùng với đó, Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm, chăm lo và làm tốt công tác tuyên truyền; không ngừng chú trọng đổi mới cả về nội dung và hình thức, kết hợp hài hòa giữa xây dựng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, kịp thời đưa thông tin về cơ sở, nhằm tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tạo sự thống nhất thống nhất trong Đảng và đồng thuận trong xã hội trước các vấn đề thời sự trong nước, trong tỉnh và quốc tế.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền miệng vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số cấp ủy đảng có lúc, có nơi chưa thực sự quan tâm đến công tác tuyên truyền miệng, chưa chú ý xây dựng và tổ chức hoạt động của lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên, chưa thực hiện tốt phương châm “toàn Đảng làm công tác tư tưởng”. Đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, lực lượng nòng cốt, cốt cán làm công tác tuyên truyền miệng còn trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng trong triển khai công tác tuyên truyền. Phương thức tuyên truyền vẫn nặng một chiều từ trên xuống, chưa nắm kịp thời diễn biến tư tưởng của các tầng lớp nhân dân. Trước một số diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, trong nước, trên địa bàn tỉnh, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị “xoáy sâu” vào “khoảng trống thông tin” liên quan đến các vụ việc nhạy cảm, phức tạp, bất ngờ phát sinh, được dư luận quan tâm, còn có nhiều ý kiến trái chiều để lồng ghép xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.

Trước những khó khăn, hạn chế của công tác tuyên truyền nói chung, tuyên truyền miệng nói riêng và yêu cầu của công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền, đưa thông tin chính thống, kịp thời đến với nhân dân ở thôn, làng, các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn xã hội; năm 2016, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nghiên cứu triển khai Đề án xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng và tiến hành khảo sát, lựa chọn 4 xã trên địa bàn tỉnh được đánh giá là có vấn đề phức tạp, nhạy cảm về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, dân tộc, tôn giáo để thực hiện thí điểm (xã Hà Bầu, huyện Đăk Đoa; xã Ia Le, huyện Chư Pưh; xã Hra, huyện Mang Yang và xã An Thành, huyên Đăk Pơ).

Tuyên truyền viên xã Đak Rong (huyện Kbang) tuyên truyền, vận động người dân làng Hà Đừng 1 tham gia xây dựng nông thôn mới.

Tuyên truyền viên xã Đak Rong (huyện Kbang) tuyên truyền, vận động người dân làng Hà Đừng 1 tham gia xây dựng nông thôn mới.

Sau hơn một năm thực hiện thí điểm, trên cơ sở đánh giá đúng kết quả đạt được cũng nhưng những hạn chế, tồn tại cần rút kinh nghiệp, được sự thống nhất của Thường trực Tỉnh ủy, ngày 10/1/2018, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Hướng dẫn “về triển khai xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh”, trong đó, đề nghị các địa phương trong tỉnh thành lập lực lượng và tổ chức hoạt động của lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng; xây dựng, ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể, đồng thời từng bước vận dụng các chế độ chính sách hỗ trợ cho lực lượng nòng cốt theo quy định. Lực lượng tham gia đội ngũ tuyên truyền miệng được lựa chọn là những cá nhân đảm bảo các yếu tố về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trong đó ưu tiên bố trí những người có uy tín trong cộng đồng, các già làng, trưởng thôn, cán bộ, giáo viên đã về hưu, cựu chiến binh, những người có năng lực, kinh nghiệm và tích cực, nhiệt tình tham gia hoạt động ở địa phương, đồng thời có khả năng tuyên truyền miệng; nhạy bén với thực tiễn; có uy tín trong cộng đồng; am hiểu phong tục tập quán, tâm lý, ngôn ngữ của đồng bào dân tộc trên địa bàn đang sinh sống...

Trên cơ sở hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các huyện, thị, thành ủy đã chỉ đạo cho Ban Tuyên giáo phối hợp với các xã, phường, thị trấn xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở. 

Tính đến ngày 31/5/2022, đã có 17/17 huyện, thị xã, thành phố, 190/220 xã, phường, thị trấn thành lập lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở với số lượng 6.077 người tại 1.358/1.576 thôn, làng, tổ dân phố, trung bình mỗi thôn, làng, tổ dân phố có 4,47 nòng cốt tuyên truyền miệng.

Nhìn chung, trong thời gian qua lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở với phương châm “cùng tiếng nói, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt” đã góp phần quan trọng trong việc phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và Nhân dân; tuyên truyền sâu rộng các thành tựu kinh tế - xã hội, các hoạt động chính trị, thông tin thời sự, thời cuộc, các nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Bên cạnh đó, thông tin phản ánh của lực lượng này đã giúp cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nắm bắt kịp thời tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng, có giải pháp tháo gỡ kịp thời, tránh phát sinh “điểm nóng” ở cơ sở. Niềm tin của người dân đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của đảng, chính quyền ở cơ sở nâng lên; các điểm nóng chính trị, trật tự an toàn xã hội từng bước giảm, Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã dần thay đổi nhận thức, phấn đấu lao động sản xuất, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. góp phần tăng cường sự gắn bó giữa Đảng với Nhân dân, thống nhất tư tưởng trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định, đó là: một số cấp ủy đảng chưa quan tâm đúng mức đối với việc xây dựng lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt; chưa tạo điều kiện về kinh phí, đầu tư các trang thiết bị, tổ chức tốt tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; công tác lựa chọn nhân sự chưa thật sự hợp lý; chưa có quy định cụ thể về chế độ chính sách đối với lực lượng này...; về phía mình, một số thành viên lực lượng nòng cốt thiếu tinh thần trách nhiệm; chưa thực hiện nghiêm quy chế làm việc; yếu về kỹ năng, phương pháp tuyên truyền … Từ đó, làm cho hiệu quả công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở từng lúc, từng nơi còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

ĐỂ LỰC LƯỢNG NÒNG CỐT TUYÊN TRUYỀN MIỆNG Ở THÔN, LÀNG “NÓI HAY, LÀM GIỎI”

Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở thôn, làng, qua đó giải quyết thấu đáo bài toán đưa thông tin về cơ sở sâu, sát, kịp thời; các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, nhất là ngành tuyên giáo tỉnh Gia Lai cần triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương (khóa X) về “về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” và Thông tri số 13-TT/TU, ngày 03/3/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”; đồng thời, tiếp tục củng cố, kiện toàn lực lượng và Quy chế hoạt động tuyên truyền viên nòng cốt theo hướng: Ban Tuyên giáo cấp huyện đảm nhận vai trò hướng dẫn hoạt động, cung cấp thông tin, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; cấp ủy cơ sở đảng ra quyết định thành lập, ban hành Quy chế hoạt động và trực tiếp quản lý. Trong đó, việc lựa chọn số lượng, nhân sự tham gia vào lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở phải xuất phát từ yêu cầu thực tế (số dân, địa bàn, trình độ dân trí, yêu cầu nhiệm vụ…) gắn tiêu chuẩn chính trị, lòng nhiệt tình, tâm huyết và vị thế cá nhân trong cộng đồng dân cư.

Thứ hai, nghiên cứu triển khai thống nhất trong toàn tỉnh về mức chi trả chế độ thù lao, bồi dưỡng khi tham gia làm nhiệm vụ tuyên truyền miệng, trước mắt có thể áp dụng tương đương với mức thù lao báo cáo viên cấp huyện, tuyên truyền viên, cộng tác viên thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn và tham gia các đợt phổ biến pháp luật lưu động, hướng dẫn sinh hoạt chuyên đề Câu lạc bộ pháp luật, nhóm nòng cốt theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh với nguyên tắc kinh phí chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó đảm bảo, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách từng cấp; gắn với đầu tư phương tiện để thực hiện tốt công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở.

Thứ ba, tổ chức tốt các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp, nghiệp vụ cho lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở. Xây dựng bộ tài liệu chung trong toàn tỉnh. Tăng cường cung cấp thông tin thông qua việc tổ chức các hội nghị thông tin chuyên đề; cung cấp tài liệu, sách, báo, tạp chí và tiến đến thông tin qua mạng nội bộ, trên các nhóm zalo do cấp ủy lập và quản lý… tạo điều kiện tốt nhất cho lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở các thôn, làng, tổ dân phố nắm bắt nhanh, kịp thời các thông tin để triển khai công tác tuyên truyền có hiệu quả theo nguyên tắc: ngắn gọn, xúc tích, kịp thời… Khi xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho lực lượng nòng cốt tuyên truyền miệng ở cơ sở, ban tuyên giáo và cấp ủy cơ sở cần bố trí hài hòa giữa bồi dưỡng kiến thức cơ bản; thông kết quả phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng; cung cấp thông tin định hướng công tác tuyên truyền … với tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp tuyên truyền.

Thứ tư, Ban Tuyên giáo các cấp, đảng ủy cơ sở và người đứng đầu các địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, sơ, tổng kết việc thực hiện quy chế hoạt động của lực lượng làm công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở để kịp thời uốn nắn, định hướng công tác tuyên truyền miệng; gắn với hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện; biểu dương, khen thưởng hoặc nhắc nhở, phê bình, xử lý theo quy định đối với các đơn vị, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả quy chế và nhiệm vụ được giao./.

 

Trần Đức Hùng

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất