Ngày 8/10, sau 3 ngày xét xử, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phạt 2 bị cáo Trần Đức Thạch và Vũ Văn Hùng cùng lĩnh án 3 năm tù giam; bị cáo Phạm Văn Trội lĩnh án 4 năm tù giam vì tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo quy định tại Điều 88, Khoản 1, điểm c - Bộ luật Hình sự.
Các bị cáo sẽ bị quản chế 3 đến 4 năm tại địa phương sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Theo cáo trạng, bị cáo Trần Đức Thạch, 57 tuổi, thường trú tại xã Tam Hợp, huyện Quỳnh Hợp, tỉnh Nghệ An, đã viết nhiều bài có nội dung xuyên tạc sự thật, vu cáo, nói xấu Đảng và Nhà nước.
Thạch đã cất giữ những bài viết này và lưu hành, cho đăng tải trên tờ bán nguyệt san "Tổ quốc" (là tờ báo xuất bản không giấy phép do một số đối tượng trong nước thành lập nhằm mục đích tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước).
Ngày 28/7/2008, tại cầu vượt Mai Dịch (quận Cầu Giấy, Hà Nội), bị cáo Vũ Văn Hùng, 43 tuổi, thường trú tại khu tập thể Chi cục thú y phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội, nguyên là một giáo viên đã bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc đã viết và treo khẩu hiệu có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, nhằm mục đích tạo dư luận để các nhà lãnh đạo đất nước thay đổi quan điểm, dân chủ hóa, đa nguyên đa đảng.
Trước đó, ngày 29/4/2008, Hùng còn tham gia và vận động một số phần tử quá khích đến biểu tình trước cửa chợ Đồng Xuân.
Bị cáo Phạm Văn Trội, 37 tuổi, trú tại thôn Kỳ Dương, xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội, đã viết bài "Đơn tố cáo về chính sách an ninh của Nhà nước và Đảng Cộng sản Việt Nam" vào tháng 11/2006 với nội dung xuyên tạc sự thật, vu cáo Nhà nước.
Khám xét nhà Trội, cơ quan công an đã phát hiện hiện trong máy vi tính của Trội có nhiều tài liệu với nội dung chống Đảng, Nhà nước.
Bị cáo Vũ Văn Hùng mời 2 luật sư Trần Vũ Hải và Lưu Vũ Anh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), bị cáo Phạm Văn Trội mời luật sư Huỳnh Văn Đông (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) tham gia bào chữa cho bị cáo tại tòa. Riêng bị cáo Trần Đức Thạch không mời luật sư, mà tự mình bào chữa trước tòa.
Tại phiên tòa, bị cáo Thạch và Trội khai đã thực hiện những hành vi nêu trên, nhưng không thừa nhận đó là hành vi vi phạm pháp luật. Riêng bị cáo Hùng đã thừa nhận hành vi của bị cáo là vi phạm pháp luật hình sự, vi phạm Điều 88 - Bộ luật hình sự.
Các luật sư biện hộ cho rằng hành vi của các bị cáo chỉ đơn thuần là bày tỏ quan điểm cá nhân, không cố tình chống đối, nói xấu Nhà nước.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã xét những quan điểm này phản ánh không đúng thực trạng của xã hội, có nội dung bịa đặt, kích động, nói xấu Nhà nước, mang tính chủ quan, phiến diện, đi ngược lại nguyện vọng và lợi ích của nhân dân.
Vì vậy, Hội đồng xét xử cho rằng lời bào chữa của các bị cáo và biện hộ của luật sư là không có cơ sở thuyết phục, cáo buộc của Viện kiểm sát là có căn cứ pháp luật.
Hội đồng xét xử nhận định, các bị cáo đã lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, viết bài, phát tán trên mạng Internet, tàng trữ nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc sự thật, nói xấu Đảng và Nhà nước.
Hành vi phạm tội của 3 bị cáo là nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng và Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước Việt Nam, ảnh hưởng đến vị trí vai trò vủa Việt Nam trên trường quốc tế, đi ngược lại lợi ích của dân tộc.
Xét nhân thân các bị cáo đã nhiều lần được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giáo dục, xử lý hành chính nhưng không tu dưỡng rèn luyện để trở thành công dân có ích cho xã hội mà ngày càng đi sâu vào con đường phạm tội nghiêm trọng hơn. Do vậy, cần phải áp dụng hình phạt tù nghiêm đối với các bị cáo nhằm giáo dục, cải tạo bị cáo và phòng ngừa chung./.
(TTXVN)