Thứ Năm, 5/12/2024
Lý Luận
Thứ Năm, 24/9/2020 10:56'(GMT+7)

Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị

Đại hội VI của Đảng (họp tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18/12/1986) đã xác định phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác). (Ảnh minh họa).

Đại hội VI của Đảng (họp tại Hà Nội từ ngày 15 đến 18/12/1986) đã xác định phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác). (Ảnh minh họa).

Để làm sáng rõ hơn các mối quan hệ lớn đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu trong bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" , PGS.TS. Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương có bài viết "Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị". Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc TCTG.

*

1. Mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là một trong tám mối quan hệ lớn được nêu trong Cương lĩnh (Bổ sung, phát triển năm 2011). Tuy nhiên, vấn đề này được đặt ra ngay từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, trong đó trực tiếp và trước hết là đổi mới kinh tế. Đây cũng được coi là một bước ngoặt lịch sử, một sự thay đổi căn bản, sâu sắc và toàn diện, cả về nhận thức và hành động, để chuyển đất nước từ mô hình phát triển cũ sang mô hình mới, là tiền đề quan trọng để đem lại thành quả to lớn và có ý nghĩa lịch sử ngày hôm nay.

Thực tiễn lịch sử cho thấy, mọi cuộc đổi mới đều bắt đầu trước hết từ đổi mới tư duy, tiếp đó là đổi mới thể chế và cuối cùng là đổi mới tổ chức, bộ máy, con người cho phù hợp với yêu cầu mới. Do vậy, đó cũng chính là nội dung cốt lõi của mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, là cơ sở cho việc hình thành chủ trương, đường lối phát triển đất nước trong suốt 35 năm qua.

Ở Việt Nam, đổi mới không có nghĩa là phủ định mọi thành quả của đất nước đã đạt được, mà là sự kế thừa, “ sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm”, tôn trong quy luật khách quan, đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh và bền vững theo mục tiêu đã lựa chọn. Văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định “Đổi mới tư duy không có nghĩa là phủ nhận những thành tựu lý luận đã đạt được, phủ nhận những quy luật phổ biến của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phủ nhận đường lối đúng đắn đã được xác định, trái lại, chính là bổ sung và phát triển những thành tựu ấy” (1).

Về kinh tế, đó cũng là quá trình đổi mới tư duy kinh tế, từ tư duy của kinh tế hiện vật, bao cấp khép kín với tư tưởng nóng vội, chủ quan, duy ý chí, “càng  công hữu nhiều, càng nhiều chủ nghĩa xã hội”, sang hệ thống quan điểm phát triển mới, xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là quá trình khắc phục những sai lầm, khuyết điểm của tư duy giáo điều, coi kinh tế thị trường đồng nhất với chủ nghĩa tư bản, kinh tế kế hoạch đồng nhất với chủ nghĩa xã hội. Chuyển từ nền kinh tế bị chia cắt, khép kín trong nước sang hội nhập quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, tham gia sâu vào phân công lao động và hợp tác quốc tế với tư cách là thành viên có trách nhiệm, đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế…

Đổi mới tư duy kinh tế ở Việt Nam còn là quá trình bổ sung, phát triển vừa tuần tự kế thừa, vừa đi tắt đón đầu, tôn trọng quy luật khách quan, tiếp tục hoàn thiện tư duy kinh tế, hình thành hệ thống các quan điểm kinh tế mới phù hợp với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đổi mới kinh tế đòi hỏi phải thế chế hoá các chủ trương, quan điểm đổi mới trong kinh tế thành luật pháp, cơ chế chính sách, đảm bảo cho nền kinh tế vận hành trên nền tảng của thể chế phát triển mới.

Từ những tư tưởng đổi mới kinh tế của Đại hội VI của Đảng, nhiều cơ chế, chính sách mới được ban hành, đảm bảo tính pháp lý cho quan hệ hàng hoá- tiền tệ, các thành phần kinh tế được tồn tại và phát triển, bình đẳng trước pháp luật với nhiều hình thức sở hữu, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức. Chuyển chức  năng quản lý kinh tế của Nhà nước, từ trực tiếp kinh doanh sang xây dựng thể chế, tạo môi trường, xây dựng chiến lược, quy hoạch và kiểm tra giám sát, hạn chế tối đa can thiệp vào thị trường.

Trải qua các thời kỳ, các quan điểm, thể chế phát triển kinh tế thị trường tiếp tục được hoàn thiện, đến Đại hội IX, Đảng ta khẳng định, mô hình kinh tế tổng quát trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khẳng định: “Mục đích của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là phát triển lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất- kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân” (2).

Đổi mới kinh tế tiếp tục đi vào chiều sâu trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội ở Việt Nam, những vấn đề đã rõ tiếp tục được khẳng định, vấn đề chưa rõ được nghiên cứu, bổ sung cả về lý luận và thực tiễn qua các nhiệm kỳ sau này, nhất là các khoá XI, XII. Khẳng định, đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vừa tuân thủ các quy luật khách quan của thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đó là nền kinh tế nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu, trong đó vị trí của kinh tế tư nhân được xác định là một trong những động lực quan trọng. Đó là nền kinh tế hội nhập sâu rộng với thế giới, nhưng vẫn đảm bảo là nền kinh tế độc lập, tự chủ, phù hợp với các thông lệ quốc tế:” bảo đảm tính công khai, minh bạch, tính dự báo được thể hiện trong xây dựng và thực thi thể chế kinh tế, tạo điều kiện ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội”(3). Như vậy, quá trình đổi mới tư duy kinh tế, hoàn thiện hệ thống các quan điểm lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được phát triển lên tầm cao mới. Đặc biệt, dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII tiếp tục khẳng định:” Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước nhằm mục tiêu” dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(4).

Về đổi mới chính trị, trước hết được xác định là đổi mới tư duy về nền tảng tư tưởng trên cơ sở kế thừa những giá trị cốt lõi về chủ nghĩa Mác-Lênin, những vấn đề có tính nguyên tắc về mô hình chủ nghĩa xã hội; về cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành hệ thống chính trị; về phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; về Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; đổi mới việc xây dựng, vận hành nền dân chủ, pháp quyền xã hội chủ nghĩa…Đây là vấn đề lớn, hệ trọng của đất nước trong quá trình phát triển.

Từ khi Đảng ta ra đời cho đến nay, thể chế chính trị nước ta đã được tổ chức chặt chẽ, thể hiện tính ưu việt của nền dân chủ mới, sự đoàn kết thống nhất trong toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đất nước ta, dân tộc ta đã đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, thống nhất non sông. Tuy nhiên, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện mới, đòi hỏi phải đồng bộ, trong đó đổi mới chính trị cho phù hợp là hết sức quan trọng. Trong nhiệm kỳ Đại hội VI của Đảng, tại Hội nghị Trung ương 6, lần đầu tiên Đảng ta đề cập rõ nội hàm về hệ thống chính trị trong mối quan hệ thống nhất của các thành tố: Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị. Theo đó, Hội nghị TW 7, khoá VI, xác định: “Chế độ chính trị của chúng ta là chế độ làm chủ của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng; chúng ta không chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên chính trị, không để cho các tổ chức chống đối chủ nghĩa xã hội ra đời và hoạt động, không coi việc thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần là thực hiện chủ trương đa nguyên về kinh tế” (5). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã xác định mục tiêu tổng quát của hệ thống chính trị nước ta là nhằm từng bước xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân; xác định trách nhiệm của Đảng phải liên hệ mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; xác định rõ lần đầu tiên về phương thức lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn mới, Đảng không làm thay Nhà nước.

Trong các nhiệm kỳ từ khoá VII, đến khoá X, tư duy mới về chính trị tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện, thể chế chính trị nước ta từng bước đổi mới cả phương diện lý luận và thực tiễn hoạt động. Trong điều kiện mới, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông âu và Liên xô sụp đổ, trong nước công cuộc đổi mới mới bắt đầu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tiến hành nhiều cách thức nhằm chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; chống suy thoái về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đổi mới từng bước phương thức lãnh đạo của Đảng với đất nước…Đồng thời, coi trọng đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân; quyền lực nhà nước là thống nhất trên cơ sở có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước, giữa các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Xác định rõ mọi quyền lực của Nhà nước đều thuộc về nhân dân, trên nền tảng liên minh giai cấp..

Từ thực tiễn Việt Nam và thế giới, nhất là các nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đổi mới chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trước hết phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền, theo hướng khoa học, dân chủ và theo pháp luật, là điều kiện đảm bảo hiệu quả lãnh đạo. Tiếp đó, phải tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, tăng cường kỷ luật, kỷ cương gắn với mở rộng dân chủ trong Đảng và toàn xã hội.

Đổi mới chính trị là để hoạt động của hệ thống chính trị hoạt động hiệu quả hơn, hướng tới người dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, làm cho mọi chủ trương, đường lối của Đảng đi vào cuộc sống, đất nước phát triển, nhân dân có đời sống ấm no, hạnh phúc.

 

Trong quá trình đó, đầu tiên và trước hết, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng có vị trí hết sức quan trọng trong đổi mới chính trị. Các nhiệm kỳ khoá XI, XII của Đảng tiếp tục làm rõ hơn phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ Tiếp tục cụ thể hoá phương thức lãnh đạo của Đảng đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) ở tất cả các cấp bằng những quy chế, quy định, quy trình cụ thể. Quy định cụ thể Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”(6).

2. Ở Việt Nam, từ khi ra đời Nhà nước công nông đầu tiên (năm 1945) đến nay, mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị được phân kỳ thành hai giai đoạn rõ rệt, đó là từ 1945-1986 và giai đoạn từ 1986 đến nay.

Trong giai đoạn đầu, nhiệm vụ trọng tâm là đánh đuổi đế quốc, thực dân giành độc lập và có 10 năm đất nước thống nhất, nhưng bị bao vây cô lập, kinh tế hết sức khó khăn. Do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, rõ ràng rằng, trong mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị giai đoạn này, chính trị được đặt lên hàng đầu với mục tiêu thống nhất đất nước, chính trị can thiệp sâu vào kinh tế, kinh tế phục vụ mục tiêu chính trị. Sự phát triển kinh tế trong điều kiện đặc thù này có nhiều thời điểm đạt được thành tựu quan trọng, đáp ứng yêu cầu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng cần khẳng định, đó là giai đoạn đặc biệt, việc giải quyết mối quan hệ kinh tế và chính trị kéo dài trong 10 năm tiếp theo, trước khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới là vi phạm nhiều quy luật khách quan trong phát triển kinh tế.

Từ năm 1986 đến nay, là thời kỳ đổi mới kinh tế gắn với đổi mới chính trị - một quá trình phát triển từ thấp đến cao, nhưng đó là quá trình thay đổi căn bản, có lộ trình, từ thực tiễn tổng kết thành lý luận để hoàn thiện hệ thống quan điểm đổi mới. Hội nghị Trung ương lần thứ sáu khoá VI xác định: “ Tập trung làm tốt đổi mới kinh tế, đồng thời từng bước đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị. Không thể tiến hành cải cách hệ thống chính trị  một cách vội vã khi chưa đủ căn cứ, mở rộng dân chủ không có giới hạn, không có mục tiêu cụ thể và không đi đối với tập trung thì dẫn đến sự mất ổn định chính trị, gây thiệt hại cho sự nghiệp đổi mới” (7).

Giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị luôn luôn phải bám sát và giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển, vừa phải tránh giáo điều cũ, chủ quan nóng vội, đồng thời phải tránh mất phương hướng, rơi vào giáo điều mới, vi phạm quy luật khách quan.


Đại hội VIII của Đảng xác định:” Kết hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế là trọng tâm, đồng thời từng bước đổi mới chính trị” (8) và yêu cầu đặt ra phải thống nhất từ nhận thức, tư duy và tổ chức thực hiện; phải có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp; phải toàn diện, đồng bộ và có tính kế thừa, tiến hành trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, chính trị, văn hoá, đối ngoại…

Trong các nhiệm kỳ từ đại hội IX, X, XI và XII của Đảng, vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị tiếp tục được Đảng ta quan tâm sâu sắc, là tiền đề quan trọng để đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn, chuyển từ nước nghèo và kém phát triển sang nước có mức thu nhập trung bình và đang hướng tới quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình cao vao năm 2025.

Đại hội XI khẳng định “ Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương”(9).

Giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị là vấn đề cơ bản để đảm bảo cho đất nước ổn định và phát triển nếu như có bước đi và cách làm phù hợp. Trong quá trình đó, ở Việt Nam bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, vẫn còn nhiều điểm nghẽn, bất cập, trên một số vấn đề, đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế, năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm với nhiệm vụ, bộ máy còn cồng kềnh, năng xuất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn hạn chế.

Đại hội XII chỉ rõ Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, có bước đi phù hợp trên các lĩnh vực, nhất là giữa kinh tế và chính trị” (10), do đó để thúc đẩy mạnh hơn quá trình này, trước hết cần tập trung đổi mới thể chế phát triểncả kinh tế và chính trị. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, nhiều chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước ban hành và tổ chức thực hiện, về kinh tế là 3 đột phát chiến lược; cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đâỷ phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới. Về chính trị, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; tạo bước tiến và thành quả rõ rệt trong chống quan liêu, tham nhũng. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng về đạo đức được coi trọng hơn, coi trọng sự nêu gương của người đứng đầu; tiếp tục thực hiện Nghị quyết TW 4, khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng thời, đẩy mạnh việc tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội. Ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng và đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “ tự chuyển hoá” trong nội bộ, tạo tiền đề để đất nước bước vào giai đoạn mới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước.

  PGS.TS Phạm Văn Linh

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận TW

__________________________________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2004, t.47, tr.460

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Sđd, t.60, tr.181

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2016, tr.104

(4) (6) Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng (Tài liệu sử dụng tại đại hội chi bộ, đảng bộ cơ sở), H, 2/2020, tr 19,40

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Sđd, t.49, tr.745

(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Sđd, t.49, tr.745

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Sđd, t.55, tr.312

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, tr.99-100

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần th XII, Sđd, tr.75

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất