Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 27/12/2010 14:51'(GMT+7)

Phải bám rễ vào đời

Một cảnh trong phim "Bí thư tỉnh uỷ".

Một cảnh trong phim "Bí thư tỉnh uỷ".

Đã có nhiều giải pháp tưởng chừng khôn ngoan được đưa ra; dài hạn cũng có mà ngắn hạn cũng có, trong đó khó hiểu nhất phải kể đến chuyện mua kịch bản nổi tiếng của nước ngoài rồi dàn dựng lại. Quá trình Việt hóa phim ngoại trên thực tế đã chứng minh không mang lại được một tác phẩm nào đủ sức rung động người xem. Sự ngây ngô và lúng túng của các bộ phim "Cô gái xấu xí", "Những người độc thân vui vẻ" hoặc "Anh em nhà bác sĩ" chẳng phải là những dẫn chứng đau đớn hay sao? Hãy nghiêm túc đánh giá lại, chỉ chuyển ngữ kịch bản thì không thể Việt hóa trọn vẹn một bộ phim được. Bối cảnh ra sao, tính cách ra sao, diễn viên ra sao, kỹ thuật ra sao? Mỗi sản phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh không bao giờ dễ dàng như việc "mượn đầu heo nấu cháo"! Những tiếng than thở ỉ ôi về khủng hoảng thiếu kịch bản phim truyền hình sẽ vẫn còn não ruột não gan, nếu những biện pháp cứu nguy vẫn theo phương châm "bóc ngắn cắn dài"!

Cũng may, từ tiểu thuyết của nhà văn Vân Thảo, Hãng phim Truyền hình Việt Nam đã thực hiện bộ phim "Bí thư tỉnh ủy". Dài 50 tập, "Bí thư tỉnh ủy" đề cập trực diện cuộc đời của ông Bí thư Hoàng Kim và nông dân tỉnh Phước Vĩnh trong thập niên 60 của thế kỷ trước. Đó là bức tranh nông thôn miền Bắc những năm khó khăn, vừa kiên cường chiến đấu vừa vất vả sản xuất. Và tư duy khoán hộ đã ra đời, khẳng định một tầm nhìn phát triển và khẳng định một cốt cách lãnh đạo. Không khó khăn gì để công chúng nhận diện được, bộ phim "Bí thư tỉnh ủy" lấy nguyên mẫu ông Kim Ngọc một thời nức danh ở tỉnh Vĩnh Phú. Dù chưa phải là một bộ phim xuất sắc, nhưng "Bí thư tỉnh ủy" thu hút được giới hâm mộ vì mỗi tập phim giúp chúng ta được ngẫm nghĩ lại một giai đoạn đã trải qua và được suy tư cho hôm nay và ngày mai. Giá trị đời thường luôn gần gũi và gợi mở sâu xa như vậy!

Trước bộ phim "Bí thư tỉnh ủy" không lâu, Hãng phim Truyền hình TP.HCM cũng thực hiện bộ phim "Vó ngựa trời Nam" dựa theo  tiểu thuyết "Thi tướng rừng xanh" của nhà văn Nguyên Hùng. Nhân vật chính trong "Vó ngựa trời nam" được lấy từ nguyên mẫu Huỳnh Văn Nghệ, một nhà cầm quân lừng lẫy ở chiến khu Đ với mấy câu thơ nổi tiếng "Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long". Diễn viên trẻ Huỳnh Đông vào vai Huỳnh Văn Nghệ không ấn tượng bằng diễn viên Dũng Nhi hóa thân vào vai Kim Ngọc, nhưng người xem không lấy làm băn khoăn, bởi họ đã ít nhiều nhận được sự đồng cảm từ nội dung bộ phim.

Công nghệ sản xuất phim truyền hình Việt Nam vẫn đang chập chững. Sự thật ấy không có gì phải muộn phiền. Chúng ta sẽ trưởng thành dần lên theo sự vận động chung của xã hội. Tuy nhiên, chỉ có cách bám rễ vào đời thường, phim truyền hình mới củng cố được sức chinh phục khán giả ngay trên chính xứ sở mình!./.

(Lê Thiếu Nhơn/CAND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất