Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 27/12/2010 7:41'(GMT+7)

Khôi phục tính dân tộc trong mỹ thuật ứng dụng

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cuối năm, một nhà thiết kế đồ họa rảo quanh một số cửa hàng và siêu thị đã có dịp so sánh những mẫu mã, nhãn mác, bao bì sản phẩm Việt Nam với sản phẩm nước ngoài. Ông cho rằng đa phần các mẫu mã hao hao giống nhau. Đi tìm nét độc đáo riêng, mang hồn dân tộc Việt rất hiếm trong số la liệt những mặt hàng trưng bày. Những thập niên trước đây, tính dân tộc trong mỹ thuật ứng dụng đã được các nghệ nhân, nghệ sĩ ngành thủ công mỹ nghệ quan tâm theo quan niệm truyền nghề của cha ông. Họ vận dụng từ trong tinh hoa văn hóa dân tộc để đưa vào sản phẩm. Chẳng hạn tìm chất liệu của gốm Phù Lãng, gốm Bát Tràng, điêu khắc gỗ Đồng Kỵ, men Pháp Lam, tranh sơn mài Tương Bình Hiệp, gốm Biên Hòa… Trong quá trình hội nhập, phát triển đất nước, tính dân tộc - hiện đại thể hiện qua tác phẩm, sản phẩm văn hóa mỹ thuật ứng dụng được nhấn mạnh, như một cách khẳng định bản sắc văn hóa Việt.

Thế nhưng, trước tốc độ phát triển kinh tế, khoa học công nghệ, sự bùng nổ thông tin trong thế giới phẳng thời đại @, tính dân tộc thể hiện qua nhiều sản phẩm mỹ thuật ứng dụng gần như “bị xâm thực” hay bị lãng quên. Thay thế vào đó là tính thương mại. Không ít trường hợp xuất phát từ động cơ lợi nhuận, nhà thiết kế được một số nhà sản xuất đặt hàng, yêu cầu thực hiện nhái na ná những kiểu dáng, mẫu mã hàng hiệu, dễ gây ngộ nhận cho những người sính hàng ngoại. Tất nhiên, với kiểu sao chép này, sớm hay muộn cơ sở sản xuất sẽ bị cảnh báo về luật bản quyền; về phía nhà thiết kế cũng sẽ mất dần nguồn cảm hứng sáng tạo. Thiệt thòi hơn: thương hiệu mang tính dân tộc - “hương sắc” Việt sẽ khó có cơ hội phát triển tạo dấu ấn và chinh phục được người tiêu dùng.

Đối với các nhà thiết kế trẻ, tính dân tộc trong mỹ thuật ứng dụng thời @ có được họ quan tâm? Nhìn sang một khía cạnh của lĩnh vực đồ họa: trước làn sóng truyện tranh Nhật Bản, Mỹ… cuốn hút thiếu nhi Việt Nam, Công ty Phan Thị chọn hướng đi riêng thực hiện truyện tranh lịch sử Việt Nam Thần Đồng đất Việt; Công ty Kiến Vàng chủ trương làm truyện tranh dành cho trẻ em Việt Nam, dựa vào tác phẩm Cuộc du hành của Kiến Tí Nị của nhà văn Mạc Can…

Gần đây, trong buổi tọa đàm với những bạn trẻ Câu lạc bộ Ý tưởng sáng tạo, tại Cà phê Thứ Bảy, họa sĩ trẻ Phan Vũ Linh đã trình bày mối quan hệ giữa họa sĩ và nhà văn trong việc minh họa sách văn học. Từ say mê phong cách vẽ tranh manga của Nhật Bản, Phan Vũ Linh thi vào Đại học Mỹ thuật; và tại đây, anh đã khám phá thêm phong cách vẽ tranh kỳ ảo (fantasy).

Chia sẻ thông tin với bạn bè, Phan Vũ Linh cho biết quá trình được đào tạo tiếp chương trình Nghệ thuật Hàn lâm ở Mỹ về ngành vẽ minh họa. Thời gian này giúp anh suy nghĩ nhiều và trở về với đề tài lịch sử dân tộc. Việt Nam có pho tàng truyền thuyết lịch sử rất hay; trí tưởng tượng của người xưa đã sáng tạo các nhân vật của dân tộc thật kỳ vĩ. Đó là chất liệu cho dự án vẽ bộ tranh về những nhân vật lịch sử Việt Nam. Say mê với thế giới nhân vật lịch sử, Phan Vũ Linh đã bắt tay vẽ một số nhân vật đầu tiên: Sơn Tinh, Thủy Tinh, Thánh Gióng…

Đây là việc đưa đề tài lịch sử vào truyện tranh hay ngược lại là việc vận dụng tính dân tộc qua thể loại vẽ tranh theo phong cách lãng mạn, kỳ ảo? Các nhà thiết kế trẻ cho rằng cốt lõi của vấn đề là họ phải tìm nhiều cách vận dụng, thể nghiệm để nội dung lẫn hình thức có thể gần gũi với tâm tư người Việt, phù hợp với đời sống văn hóa Việt. Vì sao phải vay mượn mãi những thương hiệu truyện tranh nước ngoài cho các thế hệ trẻ Việt Nam?

Tính dân tộc trong tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được hiểu là hồn của tác phẩm, vừa mang tính trừu tượng vừa được thể hiện cụ thể. Kinh nghiệm từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc đã cho chúng ta tìm thấy sự quan tâm của họ về việc giữ gìn bản sắc dân tộc mang tính chiến lược và được thực hiện liên tục, đầy ý thức trong suy nghĩ của mỗi công dân. Giáo sư Erwinn Andrea, một chuyên gia nổi tiếng của Đức về bộ môn Design (thiết kế) khi sang thăm và giảng dạy tại Khoa Mỹ thuật công nghiệp tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng ở TPHCM vào năm 2009, đã nhấn mạnh đến việc chú trọng bản sắc dân tộc trong mỹ thuật ứng dụng. Đó cũng chính là “căn cước” của nền mỹ thuật công nghiệp dài lâu của một đất nước./.

Theo SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất