Thứ Ba, 24/9/2024
Sức khỏe
Thứ Ba, 27/12/2011 10:38'(GMT+7)

Y tế học đường - cần sự chung sức của xã hội

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Những chuyển biến đáng ghi nhận

Từ khi Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác y tế trong các trường học được ban hành đến nay, công tác y tế học đường trong các nhà trường đều có những chuyển biến đáng ghi nhận

Trong những năm qua, thực hiện Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, ngành Y tế và ngành Giáo dục đã cùng với Ủy ban nhân dân các cấp nỗ lực phối hợp chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác y tế trường học và thu được một số kết quả nhất định. Một số văn bản quy phạm pháp luật về công tác y tế trong các trường học được ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện. Mạng lưới y tế trường học từng bước được củng cố, tỉ lệ cán bộ y tế trường học ngày càng cao, nhiều trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã có cán bộ theo dõi công tác y tế trường học. Số trường phổ thông có phòng y tế năm 2006 là 47,49% đến năm 2011 đã tăng lên là 51,54%. Kinh phí dành cho y tế học đường tăng từ 10.374,9 triệu đồng (năm 2006) lên 16.225,1 triệu đồng (năm 2011).

Một số chương trình phòng, chống bệnh tật đã và đang được đưa vào một số trường học như: phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sốt rét, suy dinh dưỡng, phòng chống tai nạn thương tích, an toàn vệ sinh thực phẩm, chăm sóc răng miệng... nhằm bảo vệ và nâng cao sức khoẻ cho học sinh. Hệ thống y tế trường học giúp cho nhà trường cũng như ngành y tế thực hiện triệt để chủ trương “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Trong nhiều năm qua, chưa có dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm lớn xảy ra trong trường học. Công tác khám phân loại quản lý hồ sơ sức khoẻ học sinh ngày càng sát sao, một số bệnh do được phát hiện sớm nên đã điều trị kịp thời. Mặt khác, y tế học đường không chỉ là thực hiện sơ cấp cứu ban đầu, mà còn nâng cao ý thức cho các em về việc sinh cá nhân, phòng chống các dịch bệnh. Nhiều chương trình phòng chống dịch bệnh đã được triển khai ngày càng hiêụ quả. Nhờ vậy, số học sinh tham gia bảo hiểm y tế ngày càng đông, nhất là vùng nông thôn.

Những tồn tại

Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác y tế trong các trường học vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Mạng lưới cán bộ y tế trong các trường học thiếu về số lượng, chưa bảo đảm chất lượng, nhiều trường học chưa có cán bộ y tế chuyên trách. Có nơi có cán bộ y tế học đường thì lại bị xem nhẹ, phân công kiêm nhiệm thêm các việc khác như: giữ thư viện, trông xe, chạy giấy tờ… Đội ngũ này ít được trau dồi tập huấn nâng cao về chuyên môn dẫn đến nghiệp vụ non kém. Mặt khác, chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế học đường còn quá thấp, nguồn kinh phí dành cho y tế học đường vẫn còn khiêm tốn, điều kiện giáo dục và chăm sóc sức khoẻ cho học sinh chưa bảo đảm do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí hoạt động.

Nhiều trường học chưa có phòng y tế riêng hoặc có thì cũng chưa đủ quy cách. Tủ thuốc chỉ có ít thuốc thông dụng, các trang thiết bị thiếu thốn nhiều, chỉ những trang bị sơ cứu rất thông thường như bông băng, thuốc cầm máu, không có băng cáng cứu thương. Sự phối hợp giữa các ngành liên quan trong công tác chăm sóc sức khoẻ học sinh chưa chặt chẽ. Việc khám chữa bệnh mỗi năm vẫn thực hiện 2 lần, nhưng đội ngũ y bác sĩ còn mỏng nên có nơi đã để cán bộ y tế học đường tự khám trước những khâu (được coi là “ít quan trọng”) như khám mắt, cân nặng và đo chiều cao, trong khi trang thiết bị chưa có đủ như cân sức khoẻ, máy đo thị lực….

Trong khi đó, bàn ghế cấp cho học sinh không đủ, nhiều nơi vẫn còn loại bàn học 4 chỗ đóng từ thời bao cấp, dẫn đến các em bị cong vẹo cột sống. Hệ thống chiếu sáng chưa đồng bộ giữa các phòng học, có nơi còn để đèn trên quạt làm che mất ánh sáng của đèn gây bệnh về mắt. Vì vậy, đã dẫn đến sự gia tăng một số bệnh, tật ở lứa tuổi học đường như cận thị, cong vẹo cột sống, các bệnh về răng miệng, nhiễm giun sán, đặc biệt có những bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời đã gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về thể chất và tinh thần của học sinh.

Đặc biệt, hiện nay thực trạng nhiều bệnh dịch xuất hiện và ngày càng phức tạp, nhiều bệnh mới có thể lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là trẻ em (như bệnh chân tay miệng, sốt xuất huyết…), mà chỉ với trang thiết bị sơ sài như đã nêu trên, thì chưa thể “chữa bệnh được” chứ không nói là “ngăn chặn được”. Hơn nữa, sự phối kết hợp của phụ huynh và học sinh về ý thức phòng bệnh ở cộng đồng chưa cao, nhất là các bệnh dễ lây như đau mắt đỏ, sốt xuất huyết, bệnh chân tay miệng…

Và hướng giải quyết

Để góp phần thực hiện thành công Chỉ thị số 23 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác y tế trong các trường học, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt những vấn đề sau:.

Củng cố, phát triển cơ sở y tế trường học trong cả nước; bố trí đầy đủ và nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế trường học; cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường học tập, đồng thời bảo đảm cơ bản nguồn lực cho các hoạt động y tế trong các trường học. Đầu tư cho y tế học đường các trang thiết bị cần thiết cho sơ cứu thông thường, cũng như trang bị thêm kiến thức chuyên môn nghiệp vụ để đội ngũ y tế trường học cập nhật trong tình hình dịch bệnh mới.

Chú ý chế độ đãi ngộ cho người làm công tác y tế học đường, theo đó các trường học không để đội ngũ nhân viên y tế kiêm nhiệm công việc khác, mà phải dành thời gian cho việc trau dồi chuyên môn, làm tốt công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh.

Chăm lo và tạo điều kiện để cán bộ y tế học đường không chỉ làm nhiệm vụ sơ cứu thông thường cho học sinh, mà còn phải tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các bệnh dịch hay bùng phát ở trẻ em như sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, tay chân miệng, đồng thời chịu trách nhiệm đảm bảo môi trường trường học được vệ sinh sạch sẽ và vấn đề an toàn VSTP trong bếp ăn tập thể và nước uống của trường.

Có thể nói rằng: những thành tích trong chuyên môn đào tạo của nhà trường là nhờ công lao của các thầy cô giáo và các em học sinh, nhưng để làm tốt công tác y tế học đường lại có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ nhân viên y tế trường học. Mỗi học sinh đến trường được chăm sóc sức khoẻ ban đầu và chăm lo hàng ngày, cũng như phòng chống mọi dịch bệnh có thể lây lan trong cộng đồng, đều có phàn góp sức rất lớn của đội ngũ y tế trường học. Vì vậy, để đội ngũ nhân viên y tế trường học huy đúng chuyên môn và làm việc thật sự hiệu quả, rất cần sự hợp tác và chung tay góp sức của tất cả mọi người./.

Nguyễn Thị Diệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất