Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, thời gian qua, bên cạnh
những mặt đã đạt được của hệ thống y tế ngoài công lập thì vẫn còn một
số cơ sở hoạt động quá phạm vi cho phép, quá mức quảng cáo, cố tình làm
sai các quy định chuyên môn cũng như hành lang pháp lý.
Để kịp thời chấn chỉnh và thúc đẩy hoàn thiện các văn bản về hành
nghề y dược tư nhân, ngày 4/11/2013, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực
tuyến công tác quản lý Nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân. Chủ trì
hội nghị là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Thiện Nhân.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, bên cạnh những mặt đã
đạt được của hệ thống y tế ngoài công lập như việc ứng dụng kỹ thuật
cao trong điều trị, cung cấp chăm sóc sức khỏe chất lượng tốt cho người
dân, góp phần giảm tải bệnh viện, thì vẫn còn một số hạn chế mà lực
lượng thanh tra cả nước đã phát hiện như vi phạm pháp luật về y tế, vi
phạm hành nghề quá chuyên môn cho phép, quảng cáo quá mức cho phép.
Người đứng đầu ngành y tế dẫn chứng: “Điển hình là phòng khám Maria và
một số phòng khám thẩm mỹ, hoạt động quá phạm vi cho phép, quá mức quảng
cáo, cố tình làm sai các quy định chuyên môn cũng như hành lang pháp
lý. Đã gây một số hậu quả nghiêm trọng với sức khỏe, tính mạng của người
bệnh.
Một số cơ sở khám bệnh ngoài công lập coi thường pháp luật, lợi dụng
lòng tin của người bệnh đã quảng cáo “vống” để thu hút lợi nhuận bất
chính, gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng người dân, mà điển hình là
vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường thời gian qua.
Bàn về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định,
Chính phủ sắp ban hành nghị định xử phạt hành chính đối với y tế, trong
đó có vấn đề dịch vụ khám chữa bệnh và bộ y tế sẽ có hướng dẫn để xử lý
nghiêm.
Theo bà Tiến, hiện nay quy định xử phạt các cơ sở chỉ 30-50 triệu/lần vi phạm thì không có tính chất răn đe.
Vì vậy Bộ Y tế sắp triển khai thông tư mới ban hành là đình chỉ hoạt
động, rút giấy phép hoạt động, rút chứng chỉ hành nghề của các phòng
khám và bệnh viện ngoài công lập cũng như công lập nếu không đạt yêu
cầu, vi phạm các điều kiện chuyên môn.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về y tế
tại địa phương, chú trọng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khám
chữa bệnh cho người hành nghề và cơ sở khám chữa bệnh tư nhân...
Kết luận buổi hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề
nghị Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động khám
bệnh, chữa bệnh; Khẩn trương rà soát các quy định có liên quan, kịp thời
sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền
sửa đổi, bổ sung, đáp ứng yêu cầu quản lý; Sớm ban hành đánh giá, xếp
hạng về cơ sở y tế ngoài công lập.
Đặc biệt, Bộ Y tế phải rà soát lại việc phân cấp quản lý với các cơ sở
ngoài công lập, tăng cường bộ máy của hoạt động thanh tra, tăng cường
tập huấn về quy tắc ứng xử nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ y tế
trên toàn quốc.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế phải thực hiện 4 tiêu chí công khai
với các cơ sở y tế ngoài công lập về: mục tiêu hoạt động y tế, nhân lực
(người đứng đầu là ai), công khai bảng giá dịch vụ và địa chỉ cơ quan
quản lý trực tiếp.../.
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, cả nước hiện có 157 bệnh
viện tư nhân (trong đó có 151 bệnh viện vốn đầu tư trong nước và 6 bệnh
viện có vốn đầu tư nước ngoài), hơn 30.000 phòng khám tư nhân và cơ sở
dịch vụ y tế (trong đó trong đó 30 phòng khám đa khoa, 87 nhà hộ sinh,
số còn lại là phòng khám chuyên khoa, dịch vụ y tế, 30 phòng khám có vốn
đầu tư nước ngoài, 29 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có người nước ngoài
tham gia khám bệnh, chữa bệnh. |
( Vietnam+)