Thứ Năm, 14/11/2024
Nói đúng - Viết đúng
Thứ Hai, 24/6/2024 6:0'(GMT+7)

Y và I – Một tình thế nước đôi trong tiếng Việt hiện đại

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trước tiên, có thể khẳng định, có những trường hợp dùng I và Y không cần phải tranh cãi, đó là khi I và Y nằm trong những tên riêng chỉ người, chỉ vật, chỉ địa danh. Chẳng hạn nhà thơ Nguyễn Vỹ, nhà văn Thy Ngọc, nhà giáo Nguyễn Hùng Vĩ, nhà thơ Vi Thùy Linh, thành phố Quy Nhơn.

Cho đến trước khi có Quyết định 240/QĐ năm 1984 về chính tả tiếng Việt và về thuật ngữ tiếng Việt quy định về việc viết chữ I hay Y, cách viết I và Y trong chính tả tiếng Việt chủ yếu tuân theo một số cơ sở như sau:

- I thường được dùng trong những từ thuần Việt, chẳng hạn: gọi nhau í a í ới, đi ị, li ti, bé tí, lui cui, cúi, xui, chui, ôi, ai, tai; còn Y thường được dùng trong những từ có gốc Hán, chẳng hạn: lý luận, hy sinh, công ty, thủy, quý, thùy, huy.

- Khi dùng I và Y trong kết hợp với phần vần của mỗi âm tiết, nếu nguyên âm u đi với i thì sẽ đọc là [ui], còn nguyên âm u đi với y sẽ đọc là [uy]. Nếu nguyên âm a đi với I thì sẽ đọc là [ai] còn nguyên âm a đi với y sẽ đọc là [ay]. Đây là cơ sở quan trọng để phân biệt các cặp đơn vị từ như thủythủi (lùi thủi, đen thủi đen thui), chùychùi, túytúi, caicay, dàidày.

- Khi I và Y đứng giữa âm tiết, nếu như phía trước có âm đệm /u/ thì chữ cái liền kề sẽ chọn Y chữ không chọn I, chẳng hạn: khuyết, quyết, tuyết, uyên, luyến, tuyến, xuyến, chuyến…Nếu phía trước không có âm đệm /u/ thì chữ cái liền sau phụ âm đầu sẽ chọn I chứ không chọn Y, chẳng hạn: biết, tiết, tiền, biển

- Nếu nguyên âm đôi iê đứng đầu âm tiết thì sẽ chọn cách viết với Y như trong các từ: yên ả, yêu thương.

- Nếu âm /i/ đứng ở đầu âm tiết mà trước đó không có âm đệm thì sẽ chọn cách viết với I, chẳng hạn: im lặng, in ấn.

Kể từ sau khi có Quyết định số 240, cách sử dụng I và Y trong tiếng Việt có thiên hướng dùng I nhiều hơn với quy định âm /i/ đứng ngay sau 6 phụ âm đầu (h, k, l, m, s, t) thì tất cả các từ sẽ viết với I, trừ trường hợp Y đứng một mình, Y đứng đầu từ và Y trong vần uy. Thế nhưng trên thực tế, nhiều người Việt vẫn dùng và chấp nhận cả hai cách viết Y và I trong hàng loạt các từ như: hy vọng/ hi vọng, kỷ niệm/ kỉ niệm, lý luận/lí luận, mỹ thuật/mĩ thuật, tỷ lệ/ tỉ lệ…

Về mặt thẩm mỹ, nhiều người cho rằng chữ Y có độ mềm mại hơn, đẹp hơn, nên mặc dù Quy định 240 khuyến khích sử dụng I nhưng nhiều người vẫn dùng Y theo thói quen thẩm mỹ thị giác của họ, chẳng hạn người ta viết mỹ nhân chứ không viết mĩ nhân, thẩm mỹ chứ không viết thẩm mĩ, nước Mỹ chứ không viết nước Mĩ. Riêng trường hợp chữ sĩ thì mọi người hầu hết đã thống nhất với cách viết I: bác sĩ, tiến sĩ, sĩ diện.

Với trường hợp từ công ty/công ti, mặc dù Quy định 240 khuyến khích việc dùng I nhưng trên thực tế, tất cả các đơn vị, cơ quan đều viết công ty bởi chữ “ti” đồng âm và đồng tự dạng với “ti” là mang nghĩa là vú/bầu vú.

Như vậy, thói quen sử dụng của cộng đồng cũng chiếm một vai trò rất quan trọng trong việc sử dụng, lựa chọn cách viết I hay Y. Điều đó giải thích vì sao trong tên riêng các đơn vị hành chính cấp huyện, xã hiện nay tồn tại cả hai cách viết I và Y như trong trường hợp tỉnh Tuyên Quang có cả xã Đồng Quý (viết Y) và xã Quí Quân (viết I), tỉnh Thanh Hóa có cả xã Cẩm Quý (viết Y) nhưng lại có cả xã Quí Lộc (viết I)./.

TS. Đỗ Anh Vũ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất