Thứ Tư, 2/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Ba, 21/12/2010 21:35'(GMT+7)

10 sự kiện văn hóa Việt Nam nổi bật năm 2010

Khai mạc Đại lễ sáng 10.10 tại Tượng đài Lý Thái Tổ

Khai mạc Đại lễ sáng 10.10 tại Tượng đài Lý Thái Tổ

Trước thời khắc chuyển sang năm mới 2011, 10 sự kiện văn hóa nổi bật trong năm vừa qua đã được báo Lao động bình chọn:

1. Đại lễ 1000  năm Thăng Long – Hà Nội

Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một sự kiện đặc biệt trọng đại của Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Các sự kiện hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng là một trong những hoạt động chính của năm ngoại giao văn hóa 2010.

Trong dịp Đại lễ 1000 năm, nhiều hoạt động văn hóa đã diễn ra tại Thủ đô, các địa phương trong nước và ở nước ngoài. Đáng chú ý là các hoạt động: Đêm Hồ Gươm lung linh, Lễ hội đường phố, Lễ "Hành hương về cội nguồn", Triển lãm và Liên hoan thư pháp, Đêm hội văn hóa nghệ thuật mừng 1000 năm Thăng Long với nhiều màn biểu diễn độc đáo cùng màn bắn pháo hoa đặc sắc…

Trong những ngày diễn ra Đại lễ, nhiều công trình văn hóa cũng đã được khánh thành như: Bảo tàng Hà Nội, trung tâm văn hóa Kim Đồng, rạp Đại Nam, rạp Công Nhân…

Nhân dịp này, nhiều bảo tàng, di tích, trưng bày về di sản văn hoá được mở cửa phục vụ khách tham quan: khai mạc Trưng bày hiện vật lịch sử 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; lần đầu tiên mở cửa Khu Di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Hà Nội; lần đầu tiên, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức Trưng bày chuyên đề "Bảo vật Hoàng Cung"; khai trương Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam giai đoạn I tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội…

2. Nhiều di sản văn hoá Việt Nam được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới

Ngày 9.3.2010, Kỳ họp toàn thể Uỷ ban Ký ức Thế giới Khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thuộc UNESCO (MOWCAP) diễn ra tại  Ma Cao (Trung Quốc), 82 Bia Tiến sĩ Triều Lê - Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội được công nhận và ghi danh vào Danh sách Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Ngày 1.8.2010, tại Brasilia (Thủ đô Brasil), Uỷ ban Di sản Thế giới của UNESCO thông qua Nghị quyết công nhận Khu Trung tâm Hoàng thànhThăng Long - Hà Nội là Di sản Văn hoá Thế giới thứ 900 trong Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.

Ngày 16.11.2010, tại thành phố Narôbi (Thủ đô Kenya), Kỳ họp thứ 5 của Uỷ ban Liên Chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO chính thức công nhận Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ngày 3.10.2010, tại Hội nghị mạng lưới công viên địa chất Châu Âu tổ chức ở Lavos (Hy Lạp), Cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) đã được Hội đồng tư vấn mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (GGN) công nhận là thành viên chính thức của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu.

3. Vịnh Hạ Long xếp thứ 2 cuộc bầu chọn 7 Kỳ quan Thiên nhiên Thế giới mới

Một tin vui mới cho du lịch Việt Nam khi trong năm vừa qua, Vịnh Hạ Long – một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng đã vinh dự đứng ở vị trí số 2 trên tổng số 28 danh thắng trong bảng xếp hạng những danh thắng có tốc độ phiếu bầu ủng hộ cao nhất trong cuộc đua bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới do Tổ chức New Open World (NOW) khởi xướng qua website http://www.vote7.com.

Vịnh Hạ Long còn tiếp tục giành ngôi thứ 2 trong số 10 điểm du ngoạn tốt nhất bằng thuyền nổi tiếng trên thế giới (10 best boat journeys) do tạp chí du lịch “Lonely Planet” của Anh bình chọn. Các địa điểm còn lại trong danh sách còn có: Vịnh hẹp (Na Uy), song Amazon (Nam Mỹ), sông Franklin (Australia), công viên Quetico Provincial (Canada), hồ Kerala (ấn Độ), vịnh Milford Sound (New Zealand), các hòn đảo của Hy lạp, vịnh Disko (Greenland) và quần đảo Galapágos (Ecuador).

Những thành quả này sẽ là tin vui và là cơ sở chúng ta có thể tin tưởng vào một sự khởi sắc mới của du lịch Việt Nam trong tương lai không xa.

4. Nhiều vấn đề đối với việc trùng tu, bảo tồn di tích

Hàng loạt dự án trùng tu di tích trong năm 2010 đều khiến dư luận không đồng tình bởi những cách làm thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm của những người thực hiện. Tiêu biểu phải kể đến việc trùng tu sai xót ở các di tích: Thành nhà Mạc tại Tuyên Quang, Thành cổ Tây Sơn, đình Kim Liên…

Các di tích sau khi được trùng tu, tôn tạo nếu không bị “trẻ hóa” đến vài trăm tuổi thì cũng sai lịch sử hoặc sai so với nguyên gốc và kém đẹp hơn. Việc hàng loạt các di tích bị trùng tu không đúng cách đã khiến cho di tích không những biến mất mà còn khiến cho các thế hệ sau nhìn nhận sai lệch về giá trị lịch sử của di tích.

Bên cạnh những vấn đề về trùng tu di tích, những  vấn đề khác về di tích cũng được đặt ra cấp thiết như: bảo tồn thế nào, phát huy ra sao để vừa đảm bảo giữ nguyên trạng di tích lại đảm bảo cuộc sống của người dân đối với  những di tích có sự sinh hoạt của con người như: Làng cổ Đường Lâm, phố cổ Hà Nội…

5. Sôi nổi hoạt động của các hội văn học nghệ thuật

Năm vừa qua đánh dấu một nhiệm kì hoạt động nhiều hiệu quả của các hội văn học nghệ thuật nói riêng và liên hiệp các hội văn học nghệ thuật nói chung.

Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã tiến hành đại hội nhiệm kì VIII (2010 – 2015) với nhiều đánh giá về các hoạt động đã qua của 10 hội chuyên nghành cũng như đề ra nhiều phương hướng hoạt động cụ thể cho các hội vào nhiệm kì tới. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam đã trở thành chủ tịch nhiệm kì VIII của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam.

Giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2010 cũng được trao cho 98 tác phẩm của các tác giả thuộc 46 Hội VHNT tỉnh, TP trong cả nước. Trong số 98 tác phẩm đoạt giải, có 1 giải A, 12 giải B, 28 giải C, 29 giải khuyến khích, 17 giải tác giả cao tuổi, 11 giải tác giả trẻ. Chỉ một giải A duy nhất được trao cho ca khúc "Những bánh xe mặt trời", nhạc Thanh Sơn (Điện Biên), lời thơ Mai Liễu.

Đặc biệt, Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam đã có một triển lãm đầu tiên quy tụ nhiều tác phẩm chất lượng của tất cả 10 hội chuyên ngành vào tháng 10 vừa qua. Các hội cũng đã tổ chức đại hội và xét trao giải thưởng của riêng các hội cho các tác phẩm xuất sắc của hội viên trong năm vừa qua.

6. “Được mùa” giải thưởng quốc tế

Năm 2010 cũng là một năm VN nhận được nhiều giải thưởng quốc tế thuộc các lĩnh vực văn hóa như: âm nhạc, điện ảnh, kiến trúc, nhiếp ảnh…

Tiêu biểu là giải thưởng cao nhất về bảo tồn di sản kiến trúc năm 2010 của Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế (UIA) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trao cho Dự án Đầu tư thực nghiệm bảo tồn, tôn tạo đình Chu Quyến (xã Chu Minh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội).

Năm 2010 cũng là năm thắng lớn của nhiếp ảnh VN: Tại cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế 2010 tổ chức tại VN, VN đoạt 3 giải thưởng lớn gồm: Huy chương vàng ảnh đen trắng; cúp thế giới ảnh trẻ nhóm I; Huy chương vàng ảnh trẻ nhóm II. Ba tác giả của VN cũng giành được giải thưởng cao tại cuộc thi, trong đó tác giả Phạm Thị Thu giành Huy chương Vàng cho tác phẩm ảnh đen trắng mang tên "Di chứng da cam".

Tại giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế FIAP, bộ 10 ảnh đen - trắng của VN mang chủ đề “Vượt khó” đã đoạt huy chương vàng với tổng số 269 điểm. Trong cuộc thi “Giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế “ (International Photography Awards) năm 2010, nhiếp ảnh gia Việt Văn là tác giả VN duy nhất đoạt 7 giải thưởng Bằng danh dự- (Honorable Mention Award).

Bên cạnh đó, các giải thưởng điện ảnh cũng đáng chú ý. Bộ phim “Bi, đừng sợ” của đạo diễn Phan Đăng Di đã giành 5 giải thưởng quốc tế; Phim “Đời võ” được trao Vòng nguyệt quế - giải thưởng cao nhất tại Liên hoan Điện ảnh truyền hình Thể thao quốc tế diễn ra tại Milan (Italy)...

Ngoài ra, VN cũng giành giải nhất cuộc thi Quốc tế viết thư UPU lần thứ 39 năm 2010 cho em Hồ Thị Hiếu Hiền (trường THCS Tây Sơn, TP Đà Nẵng) gửi đạo diễn Trương Nghệ Mưu; Giải nhất cuộc thi Piano Chopin Quốc tế Singapore dành cho Hoàng Phạm Trà My của VN...

7. Liên hoan Phim Quốc tế VN lần thứ I

Liên hoan phim (LHP) diễn ra trong 4 ngày từ ngày 17 đến ngày 21.10 với nhiều hoạt động như: chiếu phim, hội thảo, thảm đỏ giao lưu diễn viên, tôn vinh cố nghệ sỹ nhân dân Hồng Sến… LHP cũng đặt ra nhiều vấn đề đối với việc phát triển một nền điện ảnh toàn diện và được biết đến nhiều hơn trên thế giới.

VNIFF ghi nhận sự tham gia của một đội ngũ chuyên gia, giám khảo nổi tiếng trong nước và quốc tế. Đặc biệt, phải kể đến sự góp mặt của: đạo diễn Phillip Noyce – đạo diễn phim “Người Mỹ trầm lặng” và mới đây nhất là  bộ phim đình đám “Salt”, nhà quay phim Francois Cantonné, Giám đốc LHP quốc tế Venice - Marco Mueller..

LHP kết thúc với các giải thưởng xứng đáng được trao. Giải thưởng quan trọng và được chờ đợi nhất là Giải phim truyện nhựa xuất sắc nhất đã thuộc về phim “Lâu đài cát” – một bộ phim Singapore. Chủ nhà VN giành giải nữ diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho Nhật Kim Anh (vai Cầm trong “Long thành cầm giả ca” và phim tài liệu hay nhất dành cho phim “Luôn bên con” (đạo diễn Nguyễn Thị Kim Hải).

Đây là lần đầu tiên VN tổ chức một LHP Quốc tế. Dù chưa được tổ chức chuyên nghiệp như các LHP Quốc tế khác nhưng dẫu sao đây cũng là bước đi đầu tiên và đánh dấu một bước phát triển của điện ảnh VN.

8. Nhan sắc Việt – một năm “bội thu” danh hiệu và “thất thu” giải thưởng

Năm 2010 đánh dấu một năm “bội thu” danh hiệu của các cuộc thi nhan sắc. Hai cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu Thế giới người Việt là hai cuộc thi nhan sắc trong nước được chú ý nhất trong năm vừa qua. Đã có 2 Hoa hậu, 4 Á hậu và không ít những gương mặt người đẹp tiềm năng được chú ý tới sau hai cuộc thi nhan sắc lớn này. Trong đó, hai quán quân trong cuộc đua giành ngôi hoa hậu là: Đặng Thị Ngọc Hân (cuộc thi Hoa hậu Việt Nam) và Lưu Thị Diễm Hương ( cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt).

Năm 2010 cũng là một năm đầy “hăng hái” của Việt Nam trong việc tham gia khá nhiều các cuộc thi nhan sắc tầm cỡ thế giới. Bằng chứng là số lượng lớn các người đẹp lần lượt khăn gói lên đường dự thi các đấu trường sắc đẹp quốc tế: Người đẹp Chung Thục Quyên tham gia Hoa hậu Quốc tế, Á hậu Kiều Khanh tham gia Hoa hậu Thế giới, Diễm Hương tham gia Hoa hậu Trái đất, chưa kể đến các cuộc thi người mẫu.

Tuy nhiên, năm 2010 có vẻ như một năm không mấy may mắn cho các đại diện của Việt Nam tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Mặc dù đã rất cố gắng, nhưng Chung Thục Quyên và Kiều Khanh vẫn không thể mang về cho Việt Nam bất cứ một giải thưởng nào. Chỉ duy nhất có Diễm Hương, nhờ vào thành tích đạt giải người đẹp áo tắm và lọt vào Top 14 chung cuộc đã mang lại 100 điểm quý giá, nâng Việt Nam lên thêm 2 bậc so với năm ngoái, đứng ở vị trí thứ 55 trong bảng tổng kết xếp hạng sắc đẹp thế giới năm 2010.

9. Làng giải trí “dậy sóng” bởi một loạt scandal ồn ào

Năm 2010 được coi là năm “bội thu” những scandal ầm ĩ và đình đám nhất showbiz Việt.

Hồ Ngọc Hà có vẻ như là người đẹp chiếm giữ vị trí “Ngôi sao scandal” của năm khi trong năm vừa qua, cô đã mang tới cho showbiz Việt không ít những nghi án, tin đồn. Chuyện kết hôn vào tuổi 17 cô bị đưa ra ánh sáng, và tiếp sau đó là chuyện sinh hạ một bé trai với “đại gia phố núi” Cường Đôla khi chưa tổ chức đám cưới đã nhận được không ít sự quan tâm, lời chúc mừng và cả những tiếc nuối từ phía người hâm mộ.

Năm vừa qua cũng đánh dấu một năm không mấy suôn sẻ trong chuyện hôn nhân của sao Việt khi chuyện tình cảm rạn nứt của một loạt cặp đôi nghệ sỹ đã bị “phơi bày”: Jenifer Phạm - Quang Dũng, Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền, diễn viên Hiệp “gà” và vợ trước, DJ Thanh Phong – Kim Hiền…

Nhưng 2010 cũng là sự lựa chọn của khá nhiều nghệ sỹ lựa chọn để xây tổ ấm riêng cho mình, điển hình như: nhạc sỹ Đức Trí, Hương Giang, Á hậu Thuỵ Vân, diễn viên Hiếu Hiền, Hiệp “gà”… Trong đó bất ngờ nhất và kín tiếng nhất phải kể đến đám cưới của người đẹp Hương Giang.

Những màn đấu giá “ảo” của chương trình từ thiện lớn nhất năm “đêm hội Hoa hậu Trái đất và doanh nhân hướng về miền Trung” diễn ra vào đêm 11.11 đã khiến không ít người phải cảm thấy bức xúc và quá thất vọng. Tổng số tiền gần 75 tỷ đồng thu được trong đêm đấu giá trong phút chốc đã trở thành một trò đùa tệ hại, lấy đi không ít niềm tin và cả sự chua xót của những người thực sự có tấm lòng muốn làm việc thiện.

Và thật là thiếu sót khi không nhắc tới những nghi án đạo từ váy cho đến phim của showbiz Việt. Năm 2010 cũng đánh dấu một bước ngoặt lớn của các vụ “lộ hàng” khi lần đầu tiên, người mẫu Bebe Phạm, Hà Anh và đơn vị tổ chức đêm diễn Diamond Night đã bị phạt tiền vì trót “khoe hàng” trước công chúng.

10. Các hoạt động văn hóa đối ngoại được tổ chức sôi nổi trong và ngoài nước

Năm 2010 cũng là năm diễn ra nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa. Nổi bật là tuần văn hóa Việt Nam tại Đức (từ 28 – 29.8.2010), Bỉ (từ 1 – 4.9.2010), tuần văn hóa VN tại Cairo - Ai Cập (từ 9.2 - 24.2), tuần văn hóa VN tại Campuchia ( từ 24 đến 30.10.2010), tuần văn hóa VN tại Nhật Bản (từ 17 – 22.9.2010)….

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động nổi bật khác: Năm Đức tại VN với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc diễn ra trong tháng 11, tuần văn hóa Pháp tại VN (từ 23 đến 27.11); tuần lễ Văn hóa Venezuela lần thứ I tại Việt Nam (18 đến 23.10); tuần văn hóa Nhật Bản tại VN, những ngày văn hóa Nga tại VN tại 3 thành phố lớn Hà Nội, TP HCM, Đà  Nẵng…

Ngoài ra, nhiều dàn nhạc quốc tế biểu diễn tại VN như: dàn nhạc giao hưởng Asean, dàn nhạc Nauy, dàn nhạc giao hưởng Tokyo, dàn nhạc giao hưởng Trossingen …Trong năm 2010, dàn nhạc giao hưởng VN cũng biểu diễn tại Mỹ, hợp ca Quê hương biểu diễn tại Pháp…

Một sự kiện ngoại giao đáng chú ý khác là việc Mỹ tôn vinh sự nghiệp điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Tại Mỹ cũng diễn tuần lễ phim VN với việc trình chiếu nhiều bộ phim thuộc các thể loại khác nhau từ ngày 5 đến 14.11.

Ngoài 10 sự kiện, vấn đề tiêu biểu kể trên, văn hóa Việt Nam năm 2010 còn được đánh dấu bằng nhiều sự kiện, lễ hội mang đậm nét văn hóa trên khắp các miền đất nước. Có thể nói rằng, 2010 là một năm khởi sắc của văn hóa Việt Nam!

(Theo Lao động)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất