Thứ Tư, 2/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 17/12/2010 8:58'(GMT+7)

Du lịch Việt Nam chú trọng xây dựng thương hiệu điểm đến

Hội thảo do Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO)... phối hợp tổ chức, với sự tham dự của 150 đại biểu là các nhà quản lý thuộc các cơ quan xúc tiến du lịch Việt Nam, các địa phương, Hiệp hội du lịch, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch nước ta cùng nhiều chuyên gia quốc tế.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Hoàng Thị Điệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, nêu rõ: Du lịch Việt Nam trong những năm gần đây có bước phát triển ấn tượng, tạo dựng được hình ảnh là điểm đến thân thiện, hấp dẫn du khách 4 phương. Trong thập kỷ qua, Du lịch VN có bước tăng trưởng gấp hàng chục lần cả về qui mô và chất lượng. Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang ngày càng tăng. Nếu như năm 2000, Việt Nam đón 2,1 triệu lượt khách quốc tế, năm 2008 là 4,2 triệu lượt khách quốc tế và năm 2010, số khách du lịch đến Việt Nam sẽ vươt con số 5 triệu lượt, vượt xa mục tiêu ban đầu là 4,2 triệu lượt. Với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm về lượng khách khoảng 20%, VN ngày càng khẳng định là một điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch thế giới.

Số du khách nội địa năm 2010 cũng ước đạt 28 triệu, thu nhập từ du lịch khoảng 96.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 5% GDP, giải quyết việc làm cho 1,4 triệu lao động. Du lịch đang có đóng góp hiệu quả với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động; góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả, đặc biệt tại các vùng nông thôn, vùng núi, vùng kém phát triển mà có tiềm năng du lịch như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng Sông Cửu Long...

Một phần thành quả của du lịch Việt Nam những năm qua có sự đóng góp tích cực từ các chương trình quảng bá, xúc tiến, tạo dựng hình ảnh điểm đến Việt Nam trên thị trường quốc tế, tăng cường thu hút khách và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Trong năm 2010, ngành du lịch tập trung quy mô, thay đổi phương thức quảng bá, xúc tiến; lấy sản phẩm, thương hiệu du lịch làm trọng tâm. Hiện nay, Việt Nam đã có một kênh truyền hình dành riêng về du lịch, góp phần tạo môi trường xúc tiến, quảng bá điểm đến chính thống cho ngành du lịch nước nhà. Kênh truyền hình du lịch góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển du lịch, tuyên truyền bảo vệ môi trường du lịch; góp phần khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, truyền thống văn hóa lịch sử, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Truyền hình du lịch cũng tạo điều kiện cung cấp thông tin, dịch vụ, sản phẩm tới khách du lịch trong và ngoài nước với các hoạt động xúc tiến, quảng bá được tiến hành thường xuyên, liên tục tại các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn.

Tuy nhiên, Du lịch Việt Nam còn nhiều việc phải làm để có thể tiếp tục đà tăng trưởng, duy trì là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch.

Hội thảo là cơ hội để các đại biểu thảo luận, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam thời gian qua; các công cụ xúc tiến hữu hiệu, biện pháp áp dụng để xâm nhập thị trường gửi khách trọng điểm, tiềm năng ở châu Âu, ASEAN, Trung Quốc, Trung Đông, đồng thời đề xuất, thảo luận định hướng chiến lược phát triển, xúc tiến, quảng bá của Việt Nam trong thời gian tới, góp phần xây dựng và thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và định hướng tới năm 2030.

Tại hội thảo, bản báo cáo của TS Hà Văn Siêu- Viện trưởng VIện Nghiên cứu và phát triển du lịch (Tổng cục du lịch) đã nêu lên tình hình phát triển du lịch VN 5 năm qua và chiến lược phát triển du lịch trong thời gian tới. Theo đó, du lịch Việt Nam trong giai đoạn tới nhằm tạo bước đột phá mạnh về chất lượng dịch vụ với chiều sâu văn hóa và môi trường, phân cấp mạnh và tăng cường liene kết, kết hợp công- tư hướng tới hiệu quả và cạnh tranh bền vững.

Đặc biệt, các chuyên gia quốc tế hàng đầu về du lịch như: Francesco Frangalli- nguyên Tổng thư ký danh dự Tổ chức Du lịch thế giới, TS Victor Wee- Cục trưởng Cục Xúc tiến Du lịch Malaixia; John Hummel, Trưởng Nhóm chuyên gia du lịch khu vực Châu Á, Tổ chức Phát triển Hà Lan, TS Paul Roger- chuyên gia tư vấn của Tổ chức du lịch thế giới, bà Xu Fan- thành viên Nhóm chuyên gia du lịch, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường , Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc... đã chia sẻ những kinh nghiệm về tầm quan trọng của chiến lược xúc tiến quảng bá và các chiến dịch xúc tiến quảng bá, xây dựng thuơng hiệu du lịch mà các nước Pháp, Malaixia, Trung Quốc và các nước trên thế giới đã và đang thực hiện. Các chuyên gia đã nêu những kinh nghiệm về xây dựng chiến lược, mô hình quảng bá hiệu quả để Việt Nam tham khảo, gợi mở một số giải pháp hữu hiệu... nhằm xây dựng thương hiệu điểm đến của quốc gia và từng địa phương.

Theo các chuyên gia quốc tế, việc tạo dựng thương hiệu du lịch hết sức quan trọng trong việc tạo dựng hình ảnh của mọi quốc gia. Hình ảnh đó phải gần gũi với sự thật, đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ. Thương hiệu không chỉ là lô-gô, mà quan trọng nhất là chất lượng sản phẩm du lịch. Hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia là sự kết hợp giữa hình ảnh của các vùng, các địa phương. Để xây dựng thương hiệu tốt, khâu đầu tiên là cần đẩy mạnh nghiên cứu thị trường. Tiếp đó cần xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các điểm đến; tạo dựng bản sắc văn hóa của từng điểm đến./.

- Thành Nam-

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất