Sau mức sụt giảm của kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 9 (giảm 6,3%), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 10 lấy lại đà tăng trưởng, ước đạt 32,3 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 8,49 tỷ USD, tăng 5,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,82 tỷ USD, tăng 5,2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10 tăng 5,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 15,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 3%.
Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy mức suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 77,09 tỷ USD, giảm 4,1%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 214,19 tỷ USD, giảm 8,1%, chiếm 73,5%.
Trong 10 tháng, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,2%).
Tháng 10-2023: Tổng trị giá xuất khẩu cả nước ước đạt 32,31 tỷ USD.
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu: Trong tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng chính đều đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái do sự phục hồi ở phía cầu và mức nền tương đối thấp của các tháng cuối năm 2022, trong đó:
Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục có sự phục hồi tích cực trong tháng 10 với kim ngạch xuất khẩu tăng 4,6%. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022, ước đạt 247,34 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm này đều giảm so với cùng kỳ năm trước (05/7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm), như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 12,6% (đạt 44,02 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác giảm 7,1% (đạt 35,51 tỷ USD); hàng dệt may giảm 12,5% (đạt 27,8 tỷ USD); giày dép các loại giảm 20,2% (đạt 16,05 tỷ USD); gỗ và sản phẩm gỗ giảm 19,9% (đạt 10,8 tỷ USD). Trong nhóm này, chỉ có một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước, như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, tăng 0,7% (ước đạt 47 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 18,1% (ước đạt 11,58 tỷ USD). Trong khi đó, mặc dù xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ…, đã có tín hiệu phục hồi tích cực trong thời gian gần đây nhưng nhìn chung đà phục hồi còn chậm.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản trong tháng 10/2023 giảm 51,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này giảm 20,2% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ ước đạt 3,27 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, các sản phẩm của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu cả nước, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản như: gạo, rau quả, cà phê, hạt điều… Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 10 ước đạt 3 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng trong 10 tháng năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 26,7 tỷ USD, tăng 3,8%. Nổi bật trong nhóm này là mặt hàng hàng rau quả với kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 700 triệu USD, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2022, qua đó nâng tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 10 tháng đạt 4,9 tỷ USD, tăng 78,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là mặt hàng gạo, mặc dù khối lượng gạo xuất khẩu giảm 1,8% trong tháng 10 nhưng nhờ giá xuất khẩu tăng nên kim ngạch xuất khẩu gạo vẫn tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 10 tháng, xuất khẩu gạo đạt 7,1 triệu tấn, tăng 17% và kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 3,97 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Về cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng hóa: Nhìn chung các ngành hàng đều gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm, nhất là đối với hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu, do vậy kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2023 của nước ta sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ suy giảm có xu hướng thu hẹp dần và mức độ tác động đến xuất khẩu từng ngành hàng có sự khác nhau (xuất khẩu tới thị trường châu Á giảm 2%; thị trường châu Âu giảm 7,2%; thị trường châu Mỹ giảm 15,8%; thị trường châu Phi tăng 6,1%; châu Đại dương giảm 6,5%).
Trong 10 tháng, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 78,65 tỷ USD, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của nước ta với kim ngạch ước đạt 49,5 tỷ USD, tăng 5% (là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong bối cảnh xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm). Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn khác cũng giảm như: thị trường EU giảm 8,9% (ước đạt 36,2 tỷ USD); thị trường ASEAN giảm 6,2%, Hàn Quốc giảm 3,6%, Nhật Bản giảm 4,1%...
Tổng giá trị xuất khẩu 10 tháng năm 2023 ước đạt 291,28 tỉ USD, giảm 7,1% (tương ứng giảm 22,22 tỉ USD) so cùng kỳ năm 2022.
Hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo tiếp tục khởi sắc trong 2 tháng cuối năm do được hỗ trợ bởi các yếu tố thuận lợi từ môi trường quốc tế và trong nước. Kinh tế toàn cầu đã có những dấu hiệu tích cực, tăng trưởng tốt hơn dự kiến. Hầu hết các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo đưa ra vào đầu năm. Cụ thể, Liên minh châu Âu dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 đạt 3,2% (điều chỉnh tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 5/2023); Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng trưởng 3% (điều chỉnh tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 6/2023); Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 đạt 3%, (điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm so với dự báo tháng 4/2023); Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại ở mức 2,1% trong năm 2023 (điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo đầu năm 2023).
Lạm phát có xu hướng hạ nhiệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu…, tồn kho tại các nước đang giảm dần (theo số liệu ước tính sơ bộ của Cục điều tra dân số Mỹ, hàng tồn kho bán buôn tại Mỹ không thay đổi vào tháng 9/2023, sau khi giảm 0,1% trong tháng trước. Trên cơ sở so sánh với cùng kỳ năm ngoái, hàng tồn kho bán buôn đã giảm 1,3%). Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm. Mặt khác, Việt Nam cũng được cho là sẽ hưởng lợi từ việc các tập đoàn đa quốc gia chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Đặc biệt, tín hiệu phục hồi kinh tế tích cực ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc - hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, từ đó có tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu của nước ta bởi đây là những thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn của cả nước. Chỉ số quản trị mua hàng tại Mỹ và Trung Quốc đều đang ở trên ngưỡng 50 điểm (cao hơn mức dự báo), trong khi lạm phát tại EU tháng 9/2023 thấp nhất hai năm qua. Tại Mỹ, theo Báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ ngày 26/10, tốc độ tăng trưởng GDP quý III tăng 4,9%, cao hơn mức tăng trưởng trong quý II (tăng 2,1%) và cao hơn mức tăng dự báo (tăng 4,7%), đây là mức tăng mạnh nhất trong gần 2 năm. Trong đó, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý 3 đến từ lĩnh vực tiêu dùng: tiêu dùng quý 3 tăng 4%, là mức tăng mạnh nhất kể từ quý IV/2021. Đồng thời, chỉ số PMI lĩnh vực sản tháng 10 của Mỹ cũng tăng, đạt 50 điểm, cao hơn mức dự báo (49,5 điểm) và cao hơn mức của tháng 9 (49,8 điểm) cho thấy những dấu hiệu tích cực trong phục hồi sản xuất và tiêu dùng. Tại Trung Quốc, tăng trưởng GDP quý III đạt 4,9%, cao hơn mức dự báo (4,6%) và cao hơn so với mức tăng trưởng trong quý I (đạt 4,6%); đồng thời, sản lượng công nghiệp tháng 9 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái, doanh số bán lẻ tăng 5,5%, đều cao hơn mức dự báo..., cho thấy những dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế.
Việc các nước công nghiệp phát triển tiếp tục đẩy mạnh chiến lược đa dạng hoá nguồn cung, đã dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hoá đầu tư (Trung Quốc +1) sẽ giúp Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất và xuất khẩu quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Vai trò của Việt Nam ngày càng cao trong ASEAN cùng với việc khu vực này là trọng tâm ảnh hưởng của các nước khu vực thị trường lớn và cũng là một trong những khu vực vẫn duy trì được sức tăng trưởng và nội lực kinh tế khiến ASEAN trở thành thị trường ngày càng quan trọng trong chính sách đối ngoại và kinh tế của các nước: EU xây dựng chiến lược Ấn Độ Dương Thái Bình Dương; Hoa Kỳ thúc đẩy đàm phán IPEF, Anh đàm phán thành công gia nhập CPTPP... cũng sẽ tạo thuận lợi đối với các hoạt động đầu tư và sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới.
Ở trong nước, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định xã hội trong bối cảnh biến động của địa chính trị và kinh tế thế giới diễn ra phức tạp, nhiều khó khăn thách thức sẽ tiếp tục tạo ra những thuận lợi trong thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh thời gian tới. Các tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá và dự báo tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 và thời gian tới.
Chính phủ đã và sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công trong năm 2023, nhất là trong những tháng cuối năm sẽ có tác động tích cực đến phục hồi và tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…. Theo đó, giải ngân đầu tư công sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, từ đó góp phần quan trọng kích cầu và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước.
Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 10 ước đạt 3 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp tục được triển khai tích cực, đồng bộ sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới sẽ là những điều kiện thuận lợi tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh (gần đây nhất, ngày 21/10/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 990/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ, đã điều hành nhiều đợt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ có tác động tích cực trong thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong những tháng cuối năm.
Các hiệp định FTA đang có với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam như thị trường châu Âu, châu Mỹ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam. /.
Ngân Hạnh - Đỗ Lan