Hiện nay, các nước phát triển ngày càng quan tâm đến phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và đề ra những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Một số quốc gia dự kiến áp đặt thêm các quy định cho hàng hóa nhập khẩu, như thu phí các-bon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng nhập khẩu,...
Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2022, các nước trên thế giới đã tiến hành điều tra 225 vụ, việc phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
|
Xây dựng, phát triển thương hiệu xanh không chỉ còn là đạo đức doanh nghiệp, mà đã trở thành “luật chơi” mới. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã xác định phát triển nhanh nhưng bền vững, bao trùm, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; hướng tới sản xuất xanh, xuất khẩu xanh và năng lượng xanh để các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, bền vững, lâu dài.
Theo thống kê, khối lượng và chủng loại hàng hóa xanh, thân thiện với môi trường có mặt trên thị trường nước ta ngày càng phong phú, chất lượng từng bước được nâng cao. Danh mục hàng hóa xuất hiện ngày càng nhiều hơn ở các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng mua sắm. Một số chủng loại, mặt hàng đã tìm được đầu ra ở thị trường ngoài nước. Tuy nhiên, trên thưc tế, đến nay việc phát triển nguồn cung hàng hóa xanh ở nước ta vẫn còn những vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết. Đó là:
Thứ nhất, số lượng hàng hóa xanh đạt tiêu chuẩn thân thiện với môi trường theo các tiêu chuẩn quốc tế vẫn còn ít, tập trung vào một số hàng hóa nhất định. Năng lực sản xuất còn hạn chế. Số lượng mặt hàng được dán nhãn xanh Việt Nam còn rất hạn chế. Một số hàng hóa xuất hiện trên thị trường mới chỉ ở cấp độ thấp. Các kênh, hình thức phân phối hàng hóa xanh chưa phát triển.
Thứ hai, các chính sách hướng đến phát triển tiêu dùng xanh còn thiếu đồng bộ; ít có chính sách hướng tới phát triển mua sắm công xanh trong ngắn hạn và dài hạn. Sự hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước trong quá trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm xanh con có những hạn chế, bất cập. Thực tế cho thấy, để chuyển đổi sang phát triển sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, các doanh nghiệp thường phải đối mặt với những khoản đầu tư lớn liên quan tới nguyên liệu, đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất hoặc thay thế nguyên liệu đầu vào, quảng cáo, truyền thông,... Điều này không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ năng lực và đáp ứng được.
Thứ ba, đa số các loại hàng hóa xanh sử dụng dài ngày trên thị trường nội địa chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài hoặc nhập khẩu linh kiện và gia công, lắp ráp tại Việt Nam. Khả năng hàng hóa xanh cạnh tranh trên thị trường thấp. Các chính sách phát triển hàng hóa xanh chưa tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp. Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm sản xuất hàng hóa xanh còn ít, mức độ hỗ trợ thấp.
Thứ tư, phần đông người tiêu dùng trong nước hiện vẫn quan tâm nhiều đến vấn đề chất lượng và mẫu mã, giá bán, ít quan tâm đến tính thân thiện với môi trường của hàng hóa. Việc thay đổi thói quen, nâng cao nhu cầu tiêu dùng thông qua phát triển kênh phân phối bán buôn, bán lẻ, quảng bá và xây dựng thương hiệu sản phẩm,... chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Thứ năm, công tác tuyên truyền, quảng bá vẫn còn hạn chế, chưa thực sự mạnh mẽ, sâu rộng. Hệ thống thông tin đại chúng chưa tạo hiệu ứng lan tỏa tới mọi “ngóc ngách” cuộc sống. Các chiến dịch quảng bá, vận động tiêu dùng từ phía các doanh nghiệp chưa còn cầm chừng, thiếu tính liên tục… Điều này khiến cho nhận thức của người tiêu dùng về hàng hóa xanh còn hạn chế. Người tiêu dùng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn vẫn chưa có nhận thức đầy đủ về hàng hóa xanh và vấn đề bảo vệ môi trường khi tiêu dùng hàng hóa; chủng loại hàng hóa chưa đa dạng...
Thứ sáu, các doanh nghiệp Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các quy định tiêu chuẩn của các quốc gia và tổ chức quốc tế về phương pháp sản xuất, chế biến, bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường, kiểm dịch động, thực vật, yêu cầu về bao bì đóng gói, sử dụng vật tư, năng lượng không gây hại môi trường...
Để khắc phục được những hạn chế, bất cập nêu trên nhằm thúc đẩy phát triển xanh, cùng với sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và xã hội, trong đó có vai trò quyết định từ phía Chính phủ, đặc biệt là ngành công thương, Việt nam rất cần có sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trên tinh thần cùng thắng trong xây dựng cơ chế, chính sách, chuyển giao công nghệ, thu xếp nguồn tài chính, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị….
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cùng các đại biểu dự phiên toàn thể cấp cao của Diễn đàn Kinh tế xanh 2023.
Tại Diễn đàn Kinh tế Xanh 2023 diễn ra mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục khẳng định: Với việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện quyết tâm và khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng và bền vững, bởi tuy là một nước đang phát triển, nhưng Việt Nam đã mạnh dạn đưa ra những cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững với quan điểm xuyên suốt là không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá. Minh chứng là Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ này; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch và cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh thích ứng toàn cầu.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, Việt Nam đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng đến các mục tiêu: đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, giảm mạnh nhiệt điện than, phát triển hợp lý nguồn điện khí sử dụng LNG và sử dụng các nguồn điện sinh khối.
Cũng tại Diễn đàn Kinh tế Xanh 2023, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải đã khẳng định, trên hành trình đi đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và thực hiện tăng trưởng xanh, Việt Nam không thể đi một mình… Theo đó, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với các quốc gia và khu vực trên thế giới nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.../.
Nguyễn Khánh Nam - Đặng Phương Linh