(TCTG) - Đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị- Bí thư Trung ương Đảng- Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương- Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam hoan nghênh hội đồng sơ khảo đã lựa chọn những tác phẩm có chất lượng cao để hội đồng chung khảo lựa chọn những tác phẩm xuất sắc trao giải vào dịp 21/6 tới. Đồng chí nhấn mạnh: Đây là lần thứ 5 tổ chức giải báo chí quốc gia, tôi tin tưởng rằng Hội đồng Chung khảo sẽ làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khách quan, công tâm, chọn lựa những tác phẩm thật sự tiêu biểu, có giá trị .
Sáng nay, 3/6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam khai mạc Vòng chung khảo Giải báo chí quốc gia lần thứ 5- 2010.
Phát biểu khai mạc Vòng chung khảo Giải báo chí quốc gia lần thứ 5- 2010, đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Năm 2010, đất nước có nhiều sự kiện lớn, đặc biệt là Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Đất nước đạt được nhiều thành tựu, nhưng vẫn gặp không ít khó khăn, đòi hòi sự nỗ lực cao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta để vượt qua khó khăn đó. Về xã hội, bên cạnh việc phát triển mạnh mẽ, khởi sắc, còn nhiều vấn đề nhân dân bức xúc. Đó là thực tế để báo chí phát hiện, phản ánh sinh động, tham gia vào đấu tranh các tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ quan liêu, tham nhũng.
Tiếp đó, đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo trình bày báo cáo kết quả chấm sơ khảo giải Báo chí quốc gia năm 2010. So với 4 mùa giải trước, Giải báo chí quốc gia lần thứ 5 có số lượng tác phẩm dự giải cao nhất từ trước đến nay: 1.321 tác phẩm của 125 đơn vị báo chí trong cả nước, tham dự 8 loại giải (các năm trước số lượng tác phẩm đều chưa đạt con số 1.000).
Điểm mới năm nay là các cấp Hội ở Trung ương quan tâm đến giải nhiều hơn. Số Hội nhà báo tỉnh, thành phố có tác phẩm tham dự Giải cũng tăng so với các năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn 12 Hội Nhà báo địa phương không tham dự giải.
Về chất lượng, các tác phẩm dự Giải nhìn chung đồng đều hơn các năm trước, không có các tác phẩm quá yếu kém. Tuy vậy, số tác phẩm thật xuất sắc nổi trội hẳn, vẫn chưa nhiều. Tác phẩm có chất lượng cao vẫn tập trung ở khối báo chí Trung ương và các thành phố lớn. Ở một số loại giải, chất lượng tác phẩm tốt hơn các năm trước. (Tin, bài phản ánh, bút ký báo in có nội dung phong phú hơn, nhiều bài nhiều kỳ. Xã luận, bình luận, chuyên luận báo in có nội dung sát thực tiễn hơn, bớt lý luận hàn lâm, nhiều bài chất lượng cao; Phóng sự, phóng sự điều tra báo in; phóng sự phóng sự điều tra truyền hình đều tăng số lượng và chất lượng cao hơn).
Một số loại giải chất lượng còn ở mức trung bình khá, chưa vượt các năm trước. (Giải bình luận, giao lưu, tọa đàm, phim tài liệu (báo hình); Giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn, tọa đàm, bình luận, chuyên luận (phát thanh) và Giải ảnh báo chí. Riêng Tọa đàm, chuyên luộn, bình luận, phỏng vấn phát thanh, bút ký phát thanh... chất lượng còn yếu. Báo điện tử tham dự Giải nhiều nhưng không rõ về thể loại, nhiều tác phẩm là tập hợp ảnh và chú thích ảnh nhưng lại ghi là bài phản ánh.
Cũng theo Hội đồng sơ khảo, năm nay, các địa phương đã mạnh dạn gửi tác phẩm và nhiều tác phẩm có chất lượng tốt, có tính phát hiện, có hiệu quả xã hội (như các tác phẩm phát thanh của Cần Thơ, Hà Tĩnh, Ninh Bình, tác phẩm truyền hình của Nghệ An, tác phẩm báo in của Hà Nội, Thành phố HCM, Đà Nẵng).
Nhìn chung, các tác phẩm tham dự giải đáp ứng được các tiêu chí xét chọn, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương; phản ánh kịp thời, sinh động và đa dạng tìn hình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của đất nước. Nhiều tác phẩm đi sâu giới thiệu những nhân tố mới, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong hoạt động kinh tế, đầu tư phát triển, ngăn chặn suy giảm kinh tế; xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Khắc phục hậu quả thiên tai lũ lụt; Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với các thế lực thù địch, các hoạt động sai trái chống phá Nhà nước. Vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; về nông nghiệp, nông thôn, nông dân...
Đặc biệt, năm 2010 có nhiều tác phẩm tham dự giải phản ánh sự kiện chính trị lớn như: Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, về 3 năm triển khai cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"...
Kết quả, Hội đồng sơ khảo đã chọn được 162 tác phẩm vào vòng chung khảo.
Hội đồng Chung khảo giải báo chí quốc gia lần thứ 5 làm việc trong hai ngày hôm nay và ngày mai./.
Mai Hồng