Cuộc chính biến ở Ai Cập những ngày qua là bằng chứng sống động nhất cho thấy
phong trào "Mùa Xuân Arập" đã không mang lại kết quả như nhiều người từng nghĩ.
Hai năm kể từ lúc hàng loạt quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi chứng kiến những
biến cố to lớn từ cuối năm 2010, đã có hai tổng thống mất ghế ở Ai Cập, Syria
chìm vào nội chiến và Tunisia cùng Libya đang trải qua giai đoạn chuyển giao cực
kỳ khó khăn.
Hãy cùng điểm lại những gì đã xảy ra tại các quốc gia
này.
Ai Cập
Tổng thống Hồi giáo Mohamed Morsi,
Tổng thống được bầu cử dân chủ đầu tiên của Ai Cập, đã bị quân đội lật đổ ngày
ngày 3/7 sau một năm cầm quyền đầy biến cố của ông với những cuộc khủng hoảng và
biểu tình lớn nổ ra khắp nơi.
Hàng nghìn người Ai Cập đã kêu gọi ông từ
chức trong những cuộc biểu tình lớn chưa có tiền lệ kể từ 18 ngày biểu tình
trước đó vào tháng 2/2011 dẫn tới việc người tiền nhiệm của ông Morsi, Hosni
Mubarak, phải từ chức.
Trong khi Mubarak, cũng xuất thân từ quân đội, đã
tự nguyện trao lại quyền lực, thì ở trường hợp của Morsi, quân đội đã ra tay
trước và trao lại quyền lực lâm thời cho người đứng đầu Tòa án hiến pháp tối cao
Ai Cập Adly Mansour trước khi chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống tiếp
theo.
Ngày 4/7, ông Mansour đã tuyên thệ nhậm chức
tổng thống, và những lãnh đạo chính của phong trào Anh em Hồi giáo đã bị bắt
giữ.
Tunisia
Tunisia, là khởi nguồn của Mùa xuân
Arập, hiện do một liên minh Hồi giáo nắm quyền. Ngày 14/1/2011, tổng thống Zine
El Abidine Ben Ali, cầm quyền từ năm 1987, chạy sang Arập Xêút sau những cuộc
nổi dậy bắt đầu từ vụ tự thiêu của một thanh niên vì các vấn đề kinh tế ngặt
nghèo trong nước.
Nhiều tháng sau đó, tháng 10/2011, quốc hội được bầu
lại, bao gồm chủ yếu các nghị sĩ của đảng Hồi giáo ôn hòa Ennahda. Moncef
Marzouki, một đối thủ lớn của Ben Ali, được bầu làm chủ tịch quốc
hội.
Nhưng đến nay quốc hội vẫn chưa thể thông qua một hiến pháp mới vì
thiếu sự đồng thuận giữa các nghị sĩ và đất nước vẫn thường xuyên phải chứng
kiến xung đột và khủng hoảng chính trị cũng như sự lan tràn của các nhóm Hồi
giáo cực đoan.
Syria
Chính quyền của Tổng thống
Bashar al-Assad đang vướng vào một cuộc nội chiến đẫm máu không biết bao giờ mới
kết thúc, bắt đầu từ những cuộc biểu tình tháng 3/2011.
Một tổ
chức theo dõi nhân quyền ở Syria nói hơn 100.000 người đã thiệt mạng kể từ khi
bạo lực bùng phát.
Trong khi đó, các nước lớn đứng đầu là Nga và Mỹ vẫn bất
đồng về giải pháp giúp giải quyết cuộc xung đột ở đất nước nhỏ bé nhưng có vị
trí địa chính trị vô cùng quan trọng này.
Trong vài tuần qua, quân nổi dậy đã bị đẩy
lui ở một số chiến trường quan trọng. Sau khi chiếm lại thị trấn chiến lược
Qusayr, quân đội chính phủ đã mở đợt tấn công vào thành phố miền trung Homs, đại
bản doanh của quân nổi dậy, đồng thời tiếp tục ném bom ở ngoại ô
Damascus.
Libya
Sau khi đại tá Muammar Gaddafi bị
sát hại vào tháng 10/2011 sau một cuộc nổi loạn có sự hỗ trợ của không quân
NATO, chính quyền mới đang rất chật vật trong việc thiết lập các định chế quân
sự và an ninh để vãn hồi trật tự và luật pháp cũng như quyền lực nhà nước do các
nhóm vũ trang vẫn hoạt động công nhiên.
Một số cuộc tấn công đã diễn ra
nhắm vào các lực lượng chính phủ và phương Tây trong vài tháng qua, trong đó
đáng chú ý nhất là vụ tấn công vào tòa lãnh sự Mỹ ở Benghazi, khiến đại sứ Mỹ
tại Libya thiệt mạng./.
Trần Trọng
(Vietnam+)