Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 1/10/2009 17:12'(GMT+7)

2010: Phấn đấu đạt tốc độ tăng GDP cao hơn 2009

Sản xuất công nghiệp tăng 13,8% so với cùng kỳ. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Sản xuất công nghiệp tăng 13,8% so với cùng kỳ. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)

Thủ tướng chỉ rõ, từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp về kinh tế-xã hội mà Chính phủ đã đề ra ngay từ đầu năm với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, không xem nhẹ bất kỳ một nhóm giải pháp nào.

"Chúng ta phải khai thác một cách tốt nhất nội lực trong nước với các tiềm năng, thế mạnh hiện có. Các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân cho các công trình, dự án phục vụ sản xuất, đời sống, đặc biệt là các công trình trọng điểm quốc gia", Thủ tướng nêu rõ.

Phục hồi rõ nét

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm, Chính phủ thống nhất với đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rằng nền kinh tế Việt Nam có xu hướng phục hồi rõ nét, với tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 4,56%, trong đó quý III đạt 5,76%.

Sản xuất công nghiệp và xây dựng đang có chuyển biến khá nhanh, trong đó riêng công nghiệp đạt 63.300 tỷ đồng (giá cố định năm 1994), tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2008. Sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định, đạt 150.500 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển.

Tổng mức lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ xã hội 9 tháng đạt 845.400 tỷ đồng, tăng 18,6% so với cùng kỳ. 9 tháng cả nước có 62.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, tăng 26% so với cùng kỳ. Nhờ thực hiện chính sách kích cầu đầu tư của Chính phủ, các nguồn vốn đầu tư phát triển, nhất là nguồn vốn đầu tư từ khu vực nhà nước đã tăng mạnh.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 9 tháng ước đạt 483.200 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dao động ở mức thấp nhưng có xu hướng đang tăng lên; riêng tháng 9 tăng 0,62% so với tháng trước. Công tác an sinh xã hội được bảo đảm; giáo dục, y tế, văn hoá và các lĩnh vực xã hội khác phát triển...

Nhìn lại 9 tháng đầu năm, nền kinh tế Việt Nam chịu tác động trực tiếp của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới nhưng không rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế như các nước khác. Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý và bền vững; đồng thời giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

Còn nhiều áp lực

Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm nền kinh tế Việt Nam còn có những khó khăn nổi lên như tốc độ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ thấp hơn cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2008, chủ yếu do tác động của yếu tố giá.

Tiền tệ, tín dụng tăng trưởng cao, tăng chi tiêu của Nhà nước. Xu hướng phục hồi kinh tế và tăng giá thế giới là những yếu tố gây áp lực đến mặt bằng giá và lạm phát trong thời gian tới.

Việc huy động vốn cho đầu tư, nhất là vốn FDI gặp nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế thế giới. Tình hình giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế trong các tháng đầu năm.

Căn cứ vào tình hình kinh tế thế giới, tình hình kinh tế-xã hội các tháng đầu năm và dự báo trong các tháng tới, Chính phủ cho rằng nếu các ngành, các cấp có sự nỗ lực cao, các chính sách, giải pháp của Đảng và Nhà nước được thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đúng đối tượng đã đề ra, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP quý VI có thể đạt 6,8 % so với cùng kỳ năm trước; trên cơ sở đó, dự báo GDP cả năm đạt khoảng 5,2%.

2010: Phấn đấu đạt GDP khoảng 6,5%

Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2010, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung các nguồn lực, phấn đấu phục hồi kinh tế với tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn năm 2009 (khoảng 6,5%), tạo tiền đề cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững trong các năm tiếp theo.

Trên cơ sở ý kiến đề xuất của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cùng với ý kiến đồng thuận của nhiều thành viên Chính phủ và lãnh đạo các ngành, cơ quan Chính phủ về tiếp tục chính sách hỗ trợ lãi suất của Nhà nước, Thủ tướng giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất áp dụng mức hỗ trợ lãi suất, đối tượng cũng như thời hạn được hưởng ưu đãi để nửa đầu tháng 11 tới Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các gói kích thích kinh tế của năm 2010.

Cũng tại phiên họp thường kỳ tháng 9, Chính phủ nghe cho ý kiến về các báo cáo: Đánh giá kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho người nghèo, vùng khó khăn; tình hình thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2009; Công tác cải cách hành chính tháng 9/2009; Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng tháng 9/2009 và một số nội dung quan trọng khác./.

TG- TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất