Thứ Ba, 8/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 2/1/2011 11:24'(GMT+7)

2011 - Đừng lãng phí niềm tin!

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Chào 2011, niềm tin lại nẩy lộc sau những ngày trăn trở, uốn mình trong gió bão để tiếp tục nuôi dưỡng ý chí mãnh liệt của những người dân Việt muốn vươn lên, ngày càng cứng cáp trong cộng đồng nhân loại.

Niềm tin, lý giải đơn giản nhất, là cảm giác hay sự khẳng định của mỗi người vào một điều gì đó chắc chắn sẽ xảy ra và thực tiễn không nằm ngoài những dự liệu logíc thông thường. Niềm tin được củng cố và hình thành bằng sự trải nghiệm những điều đã qua. Nó được xây dựng bằng sự tích lũy bền bỉ qua thực tiễn nhưng rất dễ tổn thương khi phải trả giá.

Năm 2010, nhiều ý kiến tư vấn cho Việt Nam để lựa chọn công cụ cho tăng trưởng kinh tế: hãy làm bếp ăn của thế giới, hãy là cốc cà phê sáng của thế giới; hãy là một mắt xích trong chuỗi giá trị gia tăng trong quy trình sản xuất hàng hóa của thế giới… Nhưng giáo sư Michael Porter nổi tiếng về lý thuyết cạnh tranh lại đưa ra một đề nghị cho khả năng hội nhập và tăng trưởng cho nền kinh tế: “các bạn phải chọn cho mình một lợi thế cạnh tranh trong nỗ lực cố gắng định vị quốc gia mình trong cộng đồng quốc tế”. Ông cũng cảnh báo rằng “Việt Nam không nên dập khuôn các bước phát triển của Trung Quốc bắt đầu hội nhập từ giai đọan làm công xưởng giá rẻ”.

Cũng trong năm, trong nhiều chỉ số đánh giá tín nhiệm của các tổ chức xếp hạng thế giới đánh giá nền kinh tế không khả quan, có một chỉ số được cải thiện và ở mức cao ở Việt nam: tinh thần lạc quan.

Và không chỉ người Việt Nam vẫn duy trì và ngày càng lạc quan về tương lai, các nhà đầu tư nước ngòai vẫn đưa thêm vào 16,1 nghìn tỷ đồng thông qua thị trường chứng khóan để chứng minh niềm tin của họ về  tương lai của các doanh nghiệp Việt Nam.

Lúa gạo; cà phê; các ngành công nghiệp phụ trợ… đều phải dựa vào những lợi thế so sánh, yếu tố có thể định lượng và họach định lộ trình nhất định để vươn tới có được một thị phần trong tổng cung cho thị trường thế giới. Và ở những lĩnh vực ấy, không chỉ có Việt Nam mà nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan; In-đô-nê-xi-a và mới đây là Cam-pu-chia cũng xác định là phương tiện hội nhập. Và cố nhiên, những nỗ lực của Việt Nam trong xác lập lợi thế kể trên không tránh khỏi sự cạnh tranh và phụ thuộc ít nhiều vào tiềm lực nội tại và khả năng nhân lực sẵn có.

Thế nhưng, tinh thần lạc quan được xây dựng trên nền móng niềm tin.  Có lẽ đó là một lợi thế cạnh tranh có giá trị bền vững hơn và sẵn có trong mỗi người Việt Nam. Nếu niềm tin của người dân được củng cố và duy trì bền vững nó có thể khai  thác mỏ vàng hàng trăm, có tin nói hàng nghìn tấn, vàng trong dân; những đồng ngọai tệ “trong tủ”, nằm “trên đất đai bất động sản” được sử dụng cho sản xuất làm tăng thêm giá trị cho nền kinh tế.

Nhưng dường như, năm 2010, những biến động giá cả và tiền tệ thế giới, những bất trắc về thiên tai và yếu điểm cố hữu của cơ cấu nền kinh tế đã làm giảm tác động tích cực của các chính sách. Nhiều dự báo hay phát ngôn từ phía cơ quan quản lý và ban hành chính sách đã không trở thành hiện thực. Niềm tin vào sự điều hành duy lý của con người có thể làm thay đổi ngay lập tức hiện trạng đã lung lay, thậm chí có lĩnh vực phải trả giá.

Có thể liệt kê một số lĩnh vực cụ thể làm sứt mẻ niềm tin của người dân: điều hành lãi suất tiền tệ, tốc độ tăng giá các mặt hàng thiết yếu, phối hợp chính sách nhằm kiểm soát tỷ lệ lạm phát, sự nghiêm minh tuân thủ lộ trình các cải cách trong một số lĩnh vực …Bên cạnh đó là yêu cầu minh bạch trong quá trình ban hành chính sách, tệ nạn nhũng nhiễu phiền hà trong thủ tục hành chính và hiệu quả của nỗ lực phòng và chống các hiện tượng tham nhũng.

Nếu có thể kể thêm, ở một mức độ nào đó, tiến trình thay đổi cơ bản trong việc cải tổ thành phần kinh tế Nhà nước cũng đã không theo lộ trình đã được vạch ra, các doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và nhỏ vẫn đứng ngòai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nông nghiệp và nông thôn cho dù đóng góp chủ yếu cho sự ổn định nền kinh tế, mang lại nguồn thu ngọai tệ ròng lớn cho ngân khố quốc gia nhưng không được hưởng nhiều lợi ích của thành quả tăng trưởng…

Tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn số “chào năm 2011” viết: “Với họ (những người dân thường) những con số GDP, CPI, thâm hụt mậu dịch, những khái niệm cán cân thanh toán, dự nợ tín dụng… không có ý nghĩa gì nhiều bằng những quan tâm sát sườn như giá cả ngày mai sẽ ra sao, chi phí học hành cho con sẽ như thế nào, chi phí y tế sắp tới sẽ phải trang trải bằng cách nào”.

Niềm tin cũng sẽ phải được tích lũy và củng cố từ những trải nghiệm cụ thể như vậy của mỗi người dân. Năm qua, niềm tin của người dân vào một cuộc sống thường nhật sẽ được nâng cao, môi trường sống được cải thiện và mức độ an tòan trong sinh họat cộng đồng đã bị sứt mẻ, trả giá ít nhiều.

Thông điệp cho năm mới đã được Thủ tướng và người đứng đầu các bộ ngành đưa ra, trong đó chú trọng mục tiêu tăng trưởng bền vững thay cho “bằng mọi giá”. Nhưng, như thực tiễn đã trải qua, khoảng cách giữa mong muốn và khả năng thực thi và các biện pháp; giải pháp cụ thể vẫn luôn là vấn đề không phụ thuộc nỗ lực của một cá nhân, tổ chức.

Và đó cũng là thách thức bảo tồn NIỀM TIN của người dân trước khả năng phục vụ, đáp ứng của Nhà nước với chức năng tổ chức và dẫn dắt nền kinh tế trong năm tới – Năm Tân Mão 2011.

 Bảo tồn được NIỀM TIN tức là giữ gìn và phát huy được lợi thế cạnh tranh của Việt Nam một cách bền vững!

(Theo Bee.net)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất