Thứ Bảy, 21/9/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 10/7/2018 15:5'(GMT+7)

22 Huy chương vàng được trao tặng cho các nghệ sỹ

Nhạc sỹ Nguyễn Đức Trịnh, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân biểu diễn hiệu quả

Nhạc sỹ Nguyễn Đức Trịnh, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sỹ Việt Nam trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân biểu diễn hiệu quả

Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2018 có nhiều thay đổi so với những lần tổ chức trước. Ngay từ đêm Khai mạc đã là một điểm nhấn thú vị với chương trình gala nghệ thuật “Những bông hoa núi” có sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng trong cả nước cùng biểu diễn và giao lưu với 12 đơn vị nghệ thuật tham gia liên hoan.

NSND Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan phát biểu bế mạc.
NSND Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo Liên hoan phát biểu bế mạc.


Năm nay, Ban Tổ chức tạo mọi điều kiện cho các đoàn, đặc biệt là về mặt thời gian. Mỗi ngày chỉ 2 đoàn dự thi (1 buổi sáng và 1 buổi tối). Điều này đã tạo điều kiện cho các đoàn có thời gian lắp đặt trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, căn chỉnh dàn nhạc, luyện tập... nên chất lượng của các chương trình được nâng lên rất nhiều, các nghệ sĩ, êkip dàn dựng được bộc lộ đầy đủ tài năng và sự sáng tạo. Tuy thời gian Liên hoan có kéo dài hơn nhưng các đơn vị đã được bốc thăm trước cả tháng.

Bên cạnh đó là sự hỗ trợ tích cực của UBND tỉnh Cao Bằng, đơn vị đăng cai và đồng tổ chức với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nhạc sỹ và Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam đã chuẩn bị rất chu đáo về các khâu: nhà hát, sân khấu, màn hình Led và các điều kiện cần thiết để phục vụ các đoàn tham gia liên hoan với tình cảm chân thành và mến khách. 

NSND Chu Thúy Quỳnh – Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam và NSƯT Trần Ly Ly - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam trao bằng khen cho biên đạo múa Nguyễn Xuân Hạnh (Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Lào Cai)
NSND Chu Thúy Quỳnh – Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam và NSƯT Trần Ly Ly - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam trao bằng khen cho biên đạo múa Nguyễn Xuân Hạnh (Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Lào Cai)


Đặc biệt công tác tuyên truyền, quảng bá về Liên hoan do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng kết hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện qua hệ thống phát thanh, truyền hình, loa di động, tin nhắn điện thoại, baner, áp phích, cờ phướn treo khắp các tuyến phố ở cả thị xã và các huyện lân cận của Cao Bằng rất hiệu quả. Tất cả các buổi diễn, hơn 600 ghế ngồi của Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng bao giờ cũng kín mít. Không còn chỗ, nhiều khán giả phải đứng cuối hội trường và các lối đi lại. Đây chính là nguồn động lực lớn, cổ vũ, động viên các đơn vị tham gia đạt chất lượng tốt. Điều này ở các Liên hoan trước chưa đạt được.

Một yếu tố có ý nghĩa quyết định sự thành công của Liên hoan đó chính là sự nỗ lực, lòng yêu nghề của hơn 600 nghệ sỹ tham dự Liên hoan. Trong lúc các đoàn nghệ thuật đang đứng trước thách thức sống còn và đòi hỏi sự đổi mới toàn diện, đặc biệt trong bối cảnh Nghị quyết TW 6 đang tác động trực tiếp đến cuộc sống, nghề nghiệp, tâm tư, tình cảm của các nghệ sĩ thế nhưng các đoàn vẫn dàn dựng, luyện tập hàng tháng trời, vượt hàng trăm km đường đèo núi với biết bao  khó khăn về vật chất và tinh thần để đến tham dự Liên hoan. 12 đơn vị nghệ thuật các tỉnh phía Bắc đã mang đến Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2018 (đợt 1) hàng trăm tiết mục nghệ thuật thuộc thể loại hát múa, đơn ca, tốp ca, song ca, tam ca, tứ ca, múa, độc tấu, hoà tấu nhạc cụ... cùng với các nghệ sĩ mang đầy sự đam mê nghệ thuật, cháy hết mình trên sân khấu để cống hiến cho khán giả những tinh hoa được chắt chiu trong cuộc sống đời thường. 


Thay mặt Hội đồng Nghệ thuật, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Đức Trịnh đã đánh giá về chất lượng của Liên hoan năm nay: "So với các lần tổ chức trước, liên hoan lần này đã có những chương trình đạt chất lượng nghệ thuật cao, có những đoàn đã mạnh dạn tìm tòi, sáng tạo cả nghệ thuật biểu diễn lẫn hình thức thể hiện để vươn lên. Đã có những chương trình mới, độc, lạ được dàn dựng công phu, chi tiết đồng bộ từ nghệ thuật biểu diễn đến âm thanh, ánh sáng, thiết kế mỹ thuật, sân khấu, có thể nói không ngoa chuẩn đến từng nốt nhạc, đây chính là điểm sáng của liên hoan.

Về âm nhạc: Liên hoan lần này các đoàn đã thực sự quan tâm đến lực lượng trợ giúp đắc lực cho chương trình là dàn nhạc - phối khí và đệm hát, hoà tấu. Có đoàn còn đệm nhạc cho cả múa trực tiếp. Đây cũng là một việc đáng ca ngợi và khuyến khích. Đã xuất hiện những dàn nhạc điện tử và dân tộc có trình độ chuyên môn cao được phối khí, dàn dựng mới, lạ. Bên cạnh những nhạc sĩ dày dặn kinh nghiệm sáng tác như Huỳnh Tú, Mạnh Tiến, Vũ Duy Cương, Hồ Trọng Tuấn còn có sự xuất hiện những nhạc sĩ trẻ đầy tài năng như: Minh Đức, Quang Thuỷ, Lê Anh Thuỷ, Lê Xuân Thuỷ, Nguyễn Trường Giang... đã đóng góp cho liên hoan những tác phẩm âm nhạc độc đáo, hiện đại nhưng vẫn rất dân tộc. 

Về múa: Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao vai trò của biên đạo múa và các diễn viên múa. Trình độ của các diễn viên múa tại các đoàn không chênh lệch nhiều, kỹ năng múa và cảm xúc của diễn viên đã có những bước tiến đáng kể. Đặc biệt có những diễn viên múa nổi bật và trở thành những điểm sáng, những solist trẻ có tiềm năng, các tập thể diễn viên múa đồng đều hơn, tính kỷ luật và chuyên nghiệp cao hơn. Những tác phẩm múa của các biên đạo đã thành danh vẫn giữ được giá trị nghệ thuật, bên cạnh đó các biên đạo trẻ cả trung ương và địa phương đã làm nên tác phẩm múa với những sáng tạo mới gắn liền với vùng miền và văn hoá, tộc người rất thú vị. 

Về đạo diễn chương trình và chỉ đạo nghệ thuật: đã có những đóng góp đáng kể cho sự thành công của liên hoan, tạo ra những chương trình mang tính tìm tòi, đổi mới tạo nên những điểm nhấn cho chương trình, mang lại hiệu quả đặc biệt khiến người xem và Hội đồng nghệ thuật hoàn toàn bị chinh phục.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật cũng chỉ ra một số hạn chế: có ít tác phẩm mới; những sáng tác âm nhạc hầu như còn thiếu để các ca sĩ thể hiện hết kỹ thuật, tình cảm; có những đơn vị lạm dụng sự ồn ào của phần đệm nhạc, thiếu sự tinh tế nên chưa thực sự hỗ trợ cho tác phẩm đạt hiệu quả chất lượng và cuốn hút người xem...  

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên nhận xét: “600 nghệ sỹ ca múa nhạc từ các tỉnh phía Bắc đã hội tụ về Cao Bằng và cùng toả sáng tài năng nghệ thuật tại Liên hoan lần này. Mỗi tác phẩm nghệ thuật thể hiện những sắc thái, diện mạo riêng của từng vùng văn hóa, từng đơn vị nghệ thuật, tác giả, nghệ sỹ biểu diễn. Các nghệ sỹ đã trình diễn những tác phẩm nghệ thuật đầy cá tính, sáng tạo nhưng vẫn mang đậm cái hồn, cái tinh túy của vùng đất, con người nơi các bạn đang sống và làm việc. Sự đa dạng trong phong cách trình diễn nghệ thuật với nội dung phản ánh phong phú là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên thành công của Liên hoan. Dù biết rằng trước mắt các nghệ sỹ sẽ là chặng đường nghệ thuật và đời sống nhiều thử thách chông gai. Nhưng qua những gì các bạn thể hiện trong Liên hoan lần này, tôi có thể khẳng định rằng nghệ thuật biểu diễn Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới, bảo đảm cho tương lai sáng lạn của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà”.

Liên hoan diễn ra đúng vào thời điểm mưa lũ hoành hành một số tỉnh miền núi phía Bắc gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Ban Tổ chức đã phát động các đại biểu, nghệ sỹ, nhân dân tỉnh Cao Bằng chung tay, chia sẻ khó khăn với bà con vùng lũ trong suốt thời gian diễn ra liên hoan. Hòm từ thiện được đặt ngay tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng. Ý tưởng trên của Ban Tổ chức đã được các doanh nghiệp, đại biểu, nghệ sĩ và khán giả Cao Bằng hưởng ứng nhiệt tình. Đây cũng là hoạt động ý nghĩa góp phần lan tỏa giá trị và ý nghĩa của Liên hoan lần này. 

Tại Lễ Bế mạc, Ban Tổ chức đã chính thức đóng hòm từ thiện và công bố số tiền thu được là 405 triệu đồng, đồng thời trao luôn cho đại diện 03 tỉnh chịu nhiều thiệt hại là Lai Châu, Hà Giang và Cao Bằng. 

Cuối Lễ bế mạc là phần trao giải thưởng cho các chương trình, tập thể nghệ sĩ và các nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc. Gồm 02 chương trình giành Huy chương Vàng: “Dòng sông đời người” (Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La) và “Khúc tự tình Fansifan” (Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Lào Cai); 03 chương trình đạt Huy chương Bạc: “Sắc chàm miền non nước” (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng); “Nơi cội nguồn đất thiêng” (Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh Tuyên Quang); “Điện Biên – tình đất tình người” (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên); 22 tiết mục đạt Huy chương Vàng và 34 tiết mục đạt Huy chương Bạc./.

Lệ Thủy - Cục Biểu diễn Nghệ thuật 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất