Thứ Bảy, 21/9/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 10/7/2018 9:1'(GMT+7)

Sân khấu kịch nói đang "ngủ đông"? -

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, sân khấu kịch nói Việt Nam đã có thời gian thật sự thăng hoa với sự xuất hiện các tác phẩm của nhà viết kịch tài năng Lưu Quang Vũ. Cùng với tài năng của các đạo diễn Ðình Quang, Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, Hoàng Quân Tạo, Phạm Thị Thành,... các kịch bản này đã mang đến cho kịch nói một luồng sinh khí mới, mà ánh đèn hằng đêm của nhiều nhà hát cùng sự nô nức của khán giả là minh chứng cho sự thăng hoa này. Ðể rồi, sự ra đi đột ngột của tác giả Lưu Quang Vũ như để lại một khoảng trống khó có thể lấp đầy.

Và đến gần đây, tiến trình của kịch nói với rất nhiều vở diễn có tính đỉnh cao tung hoành khắp các sân khấu từ bắc chí nam như: Quẫn, Chị Nhàn, Nổi gió, Ðại đội trưởng của tôi, Tổ quốc,... đến Nhân danh công lý, Tôi và chúng ta, Lời thề thứ chín, Lời nói dối cuối cùng, Tin ở hoa hồng, Hồn Trương Ba da Hàng thịt,... như bị chững lại. Nên không ngẫu nhiên, khi đề cập hiện trạng của sân khấu kịch nói Việt Nam, đã có ý kiến cho rằng lĩnh vực này đang "ngủ đông" mà ít thấy ý kiến phản biện, bác bỏ?

Thực ra, dù có "ngủ đông" thì kịch nói của Việt Nam vẫn vận hành. Các đơn vị sân khấu chuyên nghiệp như Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát kịch nói Quân đội, Ðoàn kịch nói Công an nhân dân, Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát kịch TP Hồ Chí Minh, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Nhà hát Thế giới trẻ, Ðoàn kịch nói Hải Phòng, Ðoàn kịch nói Nam Ðịnh,… và một số đơn vị xã hội hóa trong lĩnh vực sân khấu như Sân khấu kịch Hồng Vân, Sân khấu kịch Hồng Hạc, Sân khấu kịch Minh Nhí,... vẫn hoạt động. Nhiều nghệ sĩ vẫn cố gắng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo để đem yếu tố mới đến với sân khấu.

Trên phương diện quốc gia, hằng năm, Hội Nghệ sĩ sân khấu vẫn trao các giải thưởng, mở các trại sáng tác kịch bản, đặc biệt là khởi xướng "sân khấu thử nghiệm" nhằm cách tân sân khấu "với mục đích đổi mới hình thức, cấu trúc để làm giàu thêm nghệ thuật sân khấu góp phần đáp ứng sự mong mỏi của khán giả trong hội nhập và phát triển". Ðồng thời, Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc (Liên hoan) do Cục Nghệ thuật - Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Hội Nghệ sĩ sân khấu vẫn được tổ chức.

Liên hoan năm 2018 có sự tham gia của hơn 400 nghệ sĩ thuộc 22 đơn vị nghệ thuật công lập và xã hội hóa, tại đây 27 vở kịch nói được biểu diễn; và kết quả: bốn vở diễn được trao Huy chương vàng, 6 vở diễn được trao Huy chương bạc, 39 diễn viên được trao Huy chương vàng, 63 diễn viên được trao Huy chương bạc. Bên cạnh đó còn có các giải dành cho đạo diễn, tác giả, nhạc sĩ và họa sĩ xuất sắc, giải đạo diễn và diễn viên trẻ triển vọng. Nhưng sau khi Liên hoan bế mạc, giải thưởng đã trao thì các vở diễn đoạt giải tiếp tục tồn tại như thế nào vẫn là câu hỏi để ngỏ.

Thực tế diễn ra tại nhiều kỳ Liên hoan, đã cho thấy không ít vở diễn đoạt giải, thậm chí đoạt giải thưởng cao nhất có đời sống sân khấu quá ngắn. Số phận nhiều vở diễn cũng tương tự như số phận một số vở diễn được dàn dựng nhân dịp kỷ niệm nào đó, chỉ diễn được vài ba buổi rồi chỉ còn tên trong kịch mục, hoặc như một vở diễn được đạo diễn rộn ràng quảng bá "sử dụng một số cảnh nude... tuyệt đẹp", giá vé 50 USD, song lại sớm mất hút.

Những năm gần đây, việc một số kịch bản của Lưu Quang Vũ được dàn dựng cho thấy một số giá trị nghệ thuật mang ý nghĩa xuyên thời gian trong sáng tạo của ông, vừa là tôn vinh tác giả, vừa giúp tác phẩm tiếp tục cuộc sống riêng khi không gian, thời gian lịch sử, nhu cầu nghệ thuật của công chúng có nhiều thay đổi, xã hội đã ra đời thế hệ người xem mới. Tuy nhiên, từ phương diện khác để xem xét lại có thể đặt ra câu hỏi rằng, phải chăng sân khấu kịch nói Việt Nam đương đại đang ở trong tình trạng thiếu vắng kịch bản hay? Dù trên thực tế, kịch bản của các tác giả Lê Chí Chung, Ðăng Chương, Xuân Ðức, Lê Quý Hiền, Chu Thơm… vẫn ra đời, song nếu muốn tìm trong đó một vài kịch bản thật sự xuất sắc, sau khi được dàn dựng trên sân khấu là lập tức kéo công chúng đến nhà hát, giúp nhà hát sáng đèn hằng đêm là rất hiếm hoi. Và cũng, liệu có là bình thường khi tại các Liên hoan, nhiều kịch bản được dàn dựng chủ yếu tập trung vào một số tác giả, mỗi Liên hoan, vị nào cũng có vài ba kịch bản, và kịch bản của các tác giả này "thống trị" trong hầu hết các Liên hoan gần đây?

Cần quan tâm hơn nữa là sự có mặt thường xuyên với tần số cao của một số đạo diễn được coi là "cây đa, cây đề" của sân khấu kịch nói trong nước. Nếu trong một Liên hoan trước đây từng có hai vị đạo diễn đứng tên 15 trong số 20 vở diễn, thì tại Liên hoan năm 2015, người đứng tên đạo diễn nhiều nhất là năm vở, người bốn vở, người ba vở, như vậy chỉ riêng ba đạo diễn đã dàn dựng 12 trong số 29 vở diễn tham dự Liên hoan. Ðến Liên hoan năm 2018, trong số ba vị đạo diễn kể trên, thì người dàn dựng năm vở, người dàn dựng bốn vở, tức là chỉ hai đạo diễn đã dàn dựng 9 trong số 27 tác phẩm tham dự Liên hoan.

Nếu coi Liên hoan là nơi hội tụ, thể hiện tinh hoa của sự phát triển sân khấu Việt Nam, thì ý kiến có phần thái quá khi cho rằng các Liên hoan chỉ là "chiếc bình phong sặc sỡ" che khuất thực trạng èo uột của sân khấu kịch nói cũng không phải không đáng lưu tâm. Bởi đến nay, hầu như chưa thấy nhà hát, đoàn kịch nói nào công bố số liệu cho biết sau khi được trao Huy chương vàng, Huy chương bạc tại Liên hoan thì vở diễn tiếp tục xuất hiện trước công chúng bao nhiêu buổi? Nhưng như đã là thông lệ, trước khi Liên hoan được tổ chức thì "đến hẹn lại lên", các nhà hát, đoàn kịch nói lại huy động trí lực dựng vở tham dự, dù từ Liên hoan trước đến Liên hoan sau, nhà hát hay đoàn kịch nói vẫn tồn tại lắt lay. Tất nhiên, giải thưởng được trao ở Liên hoan là sự khẳng định, là niềm vinh dự, riêng với diễn viên, thì giải thưởng tại mỗi kỳ Liên hoan còn là yếu tố góp phần làm tăng "sức nặng" cho hồ sơ xét danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân,… nhưng nếu sự khẳng định, niềm vinh dự đó lại ít được phát huy trong đời sống cụ thể của sân khấu kịch nói thì cũng nên nhìn thẳng vào thực tế.

Cùng với đó, có thể coi tình trạng "bao sân" của một số tác giả kịch bản, đạo diễn trong các Liên hoan cũng phần nào tạo ra tiền đề đặt nghệ sĩ được trao giải "trẻ triển vọng" mãi ở trong tình thế chỉ là "triển vọng"? Không như trong văn học hay âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, nơi văn nghệ sĩ trẻ có thể độc lập sáng tác, công bố tác phẩm; với kịch nói, do tính tổng hợp của thể loại mà nghệ sĩ hầu như không thể độc lập công bố nếu sáng tạo của họ không có sự hỗ trợ của các thành phần nghệ thuật khác như âm nhạc, thiết kế mỹ thuật, ánh sáng, đạo cụ…

Trong bối cảnh kịch mục hằng năm của nhiều nhà hát, đoàn kịch nói còn nghèo nàn, tác phẩm dự Liên hoan lại do "cây đa, cây đề" đảm nhiệm, các tác giả kịch bản, đạo diễn, diễn viên trẻ sẽ tìm đâu ra nơi chốn thể hiện mình? Cứ như vậy, rất khó có điều kiện để một thế hệ biên kịch, đạo diễn, diễn viên… kịch nói trẻ trung, tài năng mới xuất hiện, khẳng định. Nên, nếu diễn viên kịch nói xuất hiện trong phim truyền hình nhiều hơn trên sàn diễn thì cũng là điều cần thể tất. Cuộc mưu sinh buộc họ phải như vậy, dẫu điều đó có đưa tới hệ lụy là gần đây một số phim truyền hình như đã được "kịch nói hóa", nhất là trong diễn xuất.

Ngày nay, sự phát triển của văn hóa nói chung và nghệ thuật nói riêng đã ở một tầm mức mới với một số đặc điểm khác trước. Xu hướng xã hội hóa các hoạt động nghệ thuật, sự phát triển của các phương tiện nghe - nhìn có khả năng đáp ứng nhiều nhu cầu nghệ thuật khác nhau... làm cho thị hiếu nghệ thuật của công chúng như "bị" chia nhỏ thành nhiều phân khúc, và sân khấu kịch nói như lọt thỏm giữa các phân khúc nghệ thuật có tính thời thượng. Có thể thấy rõ tình trạng bị lấn át của sân khấu kịch nói qua hoạt động quảng cáo trên hệ thống truyền thông, hay qua dãy băng-rôn bên lề đường quảng cáo các chương trình ca nhạc có "ngôi sao thời danh" tham gia, hoặc bộ phim được gọi là "bom tấn". Thiếu kinh phí dàn dựng vở diễn, đó là một lý do quan trọng nhưng không phải là tất cả.

Như người xưa nói "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", để sân khấu sớm "thức giấc sau lúc ngủ đông", để kéo công chúng đến với vở diễn, quan trọng hơn cả vẫn là khả năng sáng tạo, tình yêu nghề nghiệp của các nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên… Thiết nghĩ, nỗ lực cùng nhau khắc phục các hạn chế cũng là một cách thức, một tiền đề quan trọng để các nghệ sĩ sân khấu hợp sức đưa kịch nói Việt Nam ra khỏi thời kỳ "ngủ đông". Và thực tế cho thấy, sân khấu đã bước đầu có một số dấu hiệu tích cực cần ghi nhận.

Hòa Phong/Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất