Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Hai, 29/12/2008 23:31'(GMT+7)

36 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không

36 năm đã trôi qua, không có điều gì bị lãng quên, khi những thời khắc "đánh giặc trên mâm pháo" của quân dân Hà Nội, và sự hy sinh quả cảm của những chiến sĩ phi công, những chiến sĩ tên lửa phòng không không quân, vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ và cảm xúc của những người đang sống.

Những ngày mùa đông 36 năm trước, cả Hà Nội rực lửa với 12 ngày đêm "đất rung, ngói tan, gạch nát". Từ 18 - 29/12/1972, lực lượng không quân Mỹ, chủ yếu là máy bay B52, đã ném xuống thủ đô Hà Nội hơn một vạn tấn bom đạn. Mỗi chiếc B52, khi đó có giá trị 10 triệu USD, mang trong mình 30 tấn bom, có khả năng rải thảm san bằng 2 km2 mặt đất.

Nhìn những xác B52 đang được trưng bày tại Bảo tàng Không quân, thế hệ ngày nay có lẽ khó có thể hình dung sức mạnh huỷ diệt của nó trong quá khứ. Trung tướng Vũ Xuân Vinh là một trong những người đã biên soạn cuốn sách đỏ - sách dạy cách đánh B52. Ông nhấn mạnh sự chỉ đạo và tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ, khi Bác đã yêu cầu lực lượng PKKQ tìm hiểu, nghiên cứu về B52 và phải tìm cách để đánh thắng nó ngay từ những năm 60: "Năm 1967, Bác Hồ đến thăm quân chủng đã nói, Mỹ nhất định sẽ thua VN, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Chúng tôi coi đó là mệnh lệnh, nên quyết tâm tìm ra cách đánh thắng B52".

Người ta gọi đây là một trận đánh huyền thoại. Và cho đến tận bây giờ, nhiều người vẫn không hiểu vì sao một dân tộc nhỏ bé, chỉ với những chiếc tên lửa SAM và máy bay Mig, lại có thể tiếp cận và kết liễu những pháo đài bay chiến lược được coi là bất khả xâm phạm, tối tân và hiện đại bậc nhất - con át chủ bài của Mỹ tại cuộc chiến tranh Việt Nam.

Cách đây 36 năm, đêm 28/12, trong cuộc tổng công kích cuối cùng, phi công Vũ Xuân Thiều đã quả cảm lao thẳng vào tiêu diệt B52, tạo nên một vầng sáng chiến thắng trong những đêm cuối của 12 ngày đêm bão lửa.

Ông Vũ Xuân Thăng, anh trai liệt sĩ Vũ Xuân Thiều cho biết: "Trong bức thư cuối cùng gửi về nhà, Thiều có nói bây giờ không phải lúc chỉ nghĩ đến gia đình mình nữa... Bức thư viết dở, chắc lúc ấy em tôi đã vào giờ chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì Hà Nội".

Nhìn từ trên tầng cao, là trọn vẹn vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Không ai có thể xâm phạm. Quân dân Hà Nội và toàn miền Bắc đã chiến đấu anh dũng, bắn rơi 34 chiếc B52. Tổn thất đó buộc Tổng thống Mỹ chấp nhận thua cuộc. Ngày 27/1/1973, Hiệp định Pari về Việt Nam được kí kết, hòa bình được lập lại. Năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.

Những chứng tích của chiến tranh chỉ còn trong bảo tàng, những tượng đài kỷ niệm. Hà Nội - mùa đông tháng 12 năm 1972, vẫn luôn gợi lại những ngày tháng anh hùng; luôn nhắc thế hệ sau nhớ những máu xương đã đổ, những hy sinh quả cảm của thế hệ cha anh cho nền hoà bình độc lập hôm nay./.

(Theo:VTV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất