Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Năm, 25/12/2008 15:56'(GMT+7)

An toàn thực phẩm càng gần Tết càng "nóng"

An toàn thực phẩm là nỗi lo thường trực của người dân.

An toàn thực phẩm là nỗi lo thường trực của người dân.

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề nóng

Ngày 24/12, trong buổi làm việc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và một số bộ, ngành liên quan về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của Thủ đô trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thị Như Mai cho trong dịp Tết này người dân có thể tiêu thị khoảng 13.000 tấn thịt lợn (tăng 30% so với bình thường) và 4.000 tấn thịt gia cầm (tăng 25%).

Lượng rau, củ, quả tiêu thụ trong tháng Tết sẽ lên tới khoảng 80.000 tấn và lượng bánh, kẹo vào khoảng 12.000 tấn.

"Đây là những mặt hàng có sức tiêu thụ lớn, được bày bán ở khắp các nơi, từ siêu thị, đến các chợ chính, chợ cóc, vỉa hè... Vì vậy, vấn đề quản lý chất lượng là rất đáng lo ngại. Hơn nữa, hàng lậu, hàng giả cũng thường nhân cơ hội này tràn về trong khi lực lượng chuyên ngành lại mỏng nên vấn đề quản lý sẽ hết sức khó khăn," bà Mai lo ngại.

Từ tháng 11 đến nay, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra xử phạt 65 vụ vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, tập trung vào những mặt hàng như hoa quả ngâm, ô mai. Kết quả kiểm tra các mẫu thịt gia súc cho thấy tỷ lệ thịt nhiễm khuẩn cao do không bảo đảm vệ sinh trong khâu giết mổ.

Còn theo con số thống kê từ Sở Y tế Hà Nội, đoàn liên ngành đã tiến hành kiểm tra hơn 42.000 cơ sở và phát hiện tới 2.015 cơ sở vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cũng theo các cơ quan chức năng, trong số 47 mẫu thức ăn chăn nuôi được kiểm tra chỉ có 9 mẫu đạt yêu cầu hàm lượng ghi trên nhãn mác bao bì, số còn lại đều vi phạm. Mặt khác, kết quả kiểm tra 285 cơ sở kinh doanh thuốc thú y cũng phát hiện 53 cơ sở vi phạm, trong đó chủ yếu là do kinh doanh thuốc ngoài danh mục, thuốc quá hạn.

Tuy nhiên, một trở ngại lớn trong công tác  kiểm tra, xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm là việc xét nghiệm mẫu quá tốn kém cả về tiền bạc và thời gian.

Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Nguyễn Công Khẩn đưa ra ví dụ, một mớ rau muống có giá 3.500 đồng nhưng để xét nghiệm các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay không phải tốn 3,5 triệu đồng; nếu xét nghiệm điôxin thì phải tốn thêm 10 triệu đồng/mẫu nữa. Trong khi đó, Hà Nội có quá ít kho giữ hàng thực phẩm tươi sống phục vụ công tác kiểm tra, xét nghiệm.

Trung tá Hà Thế Hùng, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an thành phố Hà Nội, cũng cho biết cách đây gần 2 năm, lực lượng kiểm tra liên ngành bắt được 10 tấn giò có hàn the, để nhờ kho lạnh của một doanh nghiệp. Nhưng đến nay vẫn chưa trả được tiền thuê kho lạnh đã lên đến 104 triệu đồng. Do thiếu kho giữ lạnh nên các lực lượng chức năng thường ngại không muốn kiểm tra các loại mặt hàng tươi sống.

Vì vậy, điều đáng lo ngại là số vụ vi phạm được các ngành phát hiện và xử lý mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương

Sau khi mở rộng, Hà Nội không chỉ là một thị trường có sức tiêu thụ lớn mà còn là nơi sản xuất, chế biến và cung cấp thực phẩm. Đồng thời, Hà Nội cũng là địa điểm hàng hóa nhập khẩu từ biên giới tập kết để phân luồng đi các tỉnh khác.

Vì vậy, theo Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Như Mai, "sự vào cuộc của các ngành công thương, nông nghiệp, y tế và công an là hết sức cần thiết nhưng cũng không thể giải quyết triệt để được mà cần phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Hiện nay, thực tế cho thấy một số địa phương còn chưa quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí, đoàn kiểm tra liên ngành có giấy mời nhưng chính quyền một số nơi cũng chỉ tham gia cho có mặt".

"Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là sức khỏe của người dân, liên quan đến bảo vệ giống nòi, vì vậy cần phải được quan tâm đúng mức," bà Mai nhấn mạnh.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Nguyễn Công Khẩn nhận định: "Theo tôi, để giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành hàng, các hiệp hội người tiêu dùng và cần phải có các khu ẩm thực chất lượng cao chứ nếu có đến 1.000 thanh tra viên đi kiểm tra cũng không thể ngăn được người dân sử dụng thực phẩm không bảo đảm vệ sinh."

Vì vậy, ông Khẩn đề nghị nên có một kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa các bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Công an và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đào Văn Bình thừa nhận những khó khăn, bất cập trong công tác giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm và cho biết Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố đã có kế hoạch đôn đốc quận, huyện tập trung kiểm tra vấn đề này vào dịp Tết Kỷ Sửu.

Thành phố cũng giao cho Sở Công Thương quản lý, đôn đốc các cơ sở giết mổ tập trung thực hiện tốt vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức những địa chỉ bán thực phẩm an toàn cho người dân và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ Y tế cũng đã quyết định thành lập 3 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Kỷ Sửu. Từ nay đến 16/1/2009, các đoàn sẽ thanh, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định của Nhà nước về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống tại 9 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Cần Thơ và Bình Dương./.

DT_theo Tin tức
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất