Thiếu lực lượng chủ lực, đầu tư vào Olympic hời hợt, thiếu thông tin... là những nguyên nhân khiến thể thao Việt Nam trắng tay ở Olympic 2012.
Khâu chuẩn bị chưa đúng
Việt Nam đến London với 18 suất thuộc 11 môn thể thao đi bằng cửa chính thay vì là những suất mời quen thuộc. Việc tăng về lượng mở ra cơ hội tranh chấp lớn hơn cho TTVN tại Olympic London 2012. Nhưng khâu chuẩn bị cho kỳ thế vận hội năm nay của Việt Nam không chu đáo.
Những chuyến tập huấn nước ngoài ngắn ngủi, vội vã, không đem lại hiệu quả chuyên môn rõ rệt cho thể dục, cử tạ, bắn súng, điền kinh, judo...
Hà Thanh với tấm HCĐ thế giới có suất đến London từ tháng 11 năm ngoái, nhưng hầu hết thời gian phải tập chay, tương tự là đô vật Nguyễn Thị Lụa suốt thời gian dài vừa tập vừa chờ thày ngoại nhưng vẫn không có. Cây vợt Tiến Minh chỉ có được 1 tháng rèn cầu với quân xanh người Indonesia.... Giáp thi đấu điện tử của taekwondo chỉ có trước 3 tháng, chế độ dinh dưỡng chẳng có gì đặc biệt.
Không chỉ riêng năm nay, mà ở Việt Nam chưa có chương trình thích đáng đầu tư cho Olympic. Trong khi các quốc gia khác, kế hoạch Olympic được tính bằng quãng thời gian 4 năm, thậm chí 8 năm, với mức phát triển cho VĐV được giám sát cụ thể qua từng năm, thì cách đầu tư "nước đến chân mới nhảy", Olympic năm nào đầu tư năm ấy, như ở Việt Nam, thì khả năng có chỗ đứng vững vàng như Thái Lan vẫn là điều xa vời.
Nặng phong trào và tâm lý thỏa mãn sớm
Khi chiến dịch Olympic 2012 được xới lên, ủy ban Olympic Việt Nam đã từng mạnh dạn đặt ra chỉ tiêu giành 20-30 suất vượt chuẩn. Dù chỉ tiêu ấy bất thành, nhưng con số 18 VĐV giành quyền tới London và lần đầu đi hết bằng những tấm vé trực tiếp - nói theo cách của các nhà chuyên môn là đi bằng "của chính" - cũng được đánh giá là thành công. Nhưng sự đầu tư lẫn cả sự quyết tâm của ngành TDTT mới chỉ dừng ở mức đó.
Trong khi đặt ra mục tiêu có nhiều VĐV dự Olympic, nhưng không có thêm chương trình đầu tư giành HC, ngành TDTT đã thiếu sự quyết liệt đối với mục tiêu này. Vì thế lần tới dự Olympic 2012 của Việt Nam mang nặng tính phong trào nhiều hơn là đến London để thi đấu đỉnh cao.
Thiếu gương mặt có khả năng đột phá
Vị trí thứ 4 của Hoàng Xuân Vinh trong nội dung súng ngắn bắn chậm nam và của Trần Lê Quốc Toàn hạng 56kg nam cử tạ là sự tiếc nuối lớn. Dù rằng cả 2 tuyển thủ này đều đã vượt lên chính mình với những thành tích tốt nhất trong sự nghiệp.
Đến đấu trường đẳng cấp hàng đầu thế giới như Olympic, để nghĩ tới huy chương thì TTVN còn thiếu một gương mặt có thể tạo ra sự đột phá, có khả năng bùng nổ trong thi đấu.
Tại Sydney 2000, khi Taekwondo lần đầu được đưa vào thế vận hội, Trần Hiếu Ngân không được đánh giá cao bằng người đồng đội Xuân Mai, nhưng chính chính việc không chịu sức ép đã giúp nữ tuyển thủ này chơi tưng bừng để vào đến trận chung kết. Đến Bắc Kinh 2008, lực sỹ Hoàng Anh Tuấn bùng nổ với mức tạ 290kg bằng cái cá tính bị cho là "hơi điên điên" của mình để bước lên ngôi á quân.
Nhìn lại Olympic lần này, có nhiều tuyển thủ Việt Nam đã vượt được chính mình, nhưng chưa phải là sự đột phá lớn đủ để chạm được vào tấm huy chương mà Xuân Vinh và cả Quốc Toàn là minh chứng.
Công tác dự báo kém
Đó là căn bệnh đã cũ dù TTVN đã có hơn 2 thập kỷ trở lại và hội nhập với đấu trường thể thao quốc tế. Olympic 2012 cũng chẳng là ngoại lệ.
Trước khi đại hội diễn ra, khi đề cập đến những thế mạnh có khả năng tranh chấp, đã xuất hiện hàng loạt kiểu tính toán như: có HC đồng thế giới thì cũng có cửa giành huy chương Olympic (với Hà Thanh) hay như trường hợp của Quốc Toàn - khi tập luyện luôn nâng được mức tạ tới 290kg, mức thừa để có huy chương; Các môn võ nếu có lá thăm thuận cửa tiến xa là rất lớn...
Thực tế những cuộc tranh tài tại London thì khắc nghiệt hơn hẳn. HC đồng thế giới Hà Thanh văng từ vòng loại trước những đối thủ lớn. Ở hạng 56kg nam cử tạ, sự xuất hiện bất ngờ của lực sỹ người CHDCND Triều Tiên ở hạng B, nhưng có thành tích phá kỷ lục Olympic đã làm đảo lộn tình thế và Quốc Toàn trước áp lực lớn đã không thể thành công. Taekwondo, Judo, đấu kiếm, vật tự do nữ... đều thua sớm; Rowing chỉ đứng áp chót.
Đầu tư và chiến lược kém
Đó là nguyên nhân cuối, nhưng cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của đoàn TTVN tại Olympic 2012.
Trong Chiến lược phát triển đến năm 2020, Việt Nam đặt mục tiêu đứng đầu Đông Nam Á và hướng tới tầm châu lục, thế giới. Lấy mục tiêu nhỏ để tiến xa hơn đến những đích nhắm lớn là phù hợp với tiến trình phát triển. Nhưng Việt Nam chọn cách đầu tư "dàn hàng ngang" để lần lượt chinh phục những đỉnh cao mới, mà chưa từng có sự hoạch định để xác định được mũi nhọn cho từng đấu trường cụ thể.
Hiện nay, từ việc hoạch định chiến lược phát triển các môn thể thao trọng điểm đến công tác đầu tư, đào tạo đội ngũ kế cận bị xem nhẹ. Từ vụ "săn vàng" đến chóng mặt tại ASIAD 2010, nay tới cảnh trắng tay ở Olympic London 2012 đã cho thấy sự lúng túng trong mơ hồ của cả nền thể thao vẫn chưa tìm được đường đi./.
Theo Vnexpress