Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 10/2/2012 13:30'(GMT+7)

50 năm Đài Phát thanh Giải Phóng - tiếng nói của đồng bào miền Nam ra cả nước & thế giới

Chị Tuyết Nga và Thanh Giang - những phát thanh viên đầu tiên của Đài Phát thanh Giải phóng từ năm 1962. (Ảnh: Tư liệu).

Chị Tuyết Nga và Thanh Giang - những phát thanh viên đầu tiên của Đài Phát thanh Giải phóng từ năm 1962. (Ảnh: Tư liệu).

Từ sau Phong trào Đồng Khởi, cách mạng miền Nam đã có những bước phát triển nhanh về khí thế tiến công cách mạng. Tháng 12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, sau đó, hơn 1 năm theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam, lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam đã chuẩn bị mọi mặt để cho thành lập Đài Phát thanh Giải phóng. Và sự kiện ngày 01/02/1962 tại miền Nam đã tổ chức thành công buổi phát sóng đầu tiên của Đài Phát thanh Giải phóng trong vùng đất miền Đông Nam Bộ là bước ngoặt đánh dấu bước phát triển vượt bậc của báo chí cách mạng trên chiến trường miền Nam.

Đài Phát thanh Giải Phóng được Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo trực tiếp, có một vai trò quan trọng về công tác tuyên truyền đối ngoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước những năm ác liệt, gian khổ nhất. Sau khi chính thức được phát sóng, làn sóng của Đài đã được phát đi trong và ngoài nước bằng nhiều thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp, Quảng Đông, Bắc Kinh, Triều Châu và Khmer để đưa tiếng nói nhân dân miền Nam ra toàn thế giới.

Nằm trong thời kỳ đế quốc Mỹ liên tiếp mở các chiến lược: “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh Cục bộ” rồi đến thời Tổng thống S.Nicxon lên nắm quyền là “Việt Nam hóa Chiến tranh”, từng giai đoạn của cuộc kháng chiến đã buộc Đài Phát thanh Giải phóng phải thay đổi địa điểm phát sóng nhiều lần ở một số tỉnh và có điểm phát là cơ quan tuyệt mật ở Hà Nội, với các bí danh: Viz 1080 Bộ Tổng Tham mưu, C55 và CP90. Dù hoàn cảnh nào, thì Đài Phát thanh Giải phóng vẫn luôn vững vàng trong mọi tình huống, để hoàn thành sứ mạng nhiệm vụ cách mạng giao cho, trong những năm ác liệt của kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Để cho Đài Phát thanh Giải phóng ra đời, Bộ Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam đã cử những cán bộ giỏi, trung thành, am hiểu địa bàn vào chiến trường miền Nam xây dựng Đài. Những lớp cán bộ đi đầu là các đồng chí Vũ Đường (tức Thanh Nho), Huỳnh Minh Lý (tức Ba Nhi), Hồ Vĩnh Thuận (sau là Phó Giám đốc Đài HTV), Phạm Châu Lập, Nguyễn Khắc Cần… Đồng thời Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã gửi một số đèn công suất, máy phát sóng 01 Kw tháo dời để tiện cho đi theo con đường mật của Ban Thống nhất Trung ương vào chiến trường những năm 1960 - 1962. Đây là những nhà báo - lớp cán bộ đi B đầu tiên của Đài Đài Tiếng nói Việt Nam mở đầu cho những chuyến các nhà báo lên đường vào Nam theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc phục vụ kháng chiến.

Để có được những chương trình phát sóng kịp thời trong hơn 13 năm, theo chỉ đạo sát sao của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, các phóng viên, biên tập viên, những nhà báo đã thật sự như người chiến sĩ đã có mặt, xông xáo khắp các chiến trường ở Nam Bộ, Tây Nguyên, Khu 5, Trị Thiên Huế, Quảng Trị… Tất cả những đại danh có bước chân của bộ đội cụ Hồ là ở đó có những nhà báo của Đài Phát thanh Giải Phóng và các báo chí cách mạng từ chiến trường. Từ những nhà báo đầu tiên được đào tạo ở Đại học Tổng hợp Hà Nội vào Nam tác nghiệp, các anh chị làm báo đã phải lăn lộn trong bom rơi, đạn lửa, để cùng quân dân miền Nam nói lên tiếng nói của mình với đồng bào cả nước và cả nhân dân thế giới, để thế giới hiểu và biết hơn cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam.

50 năm, đó là những ngày tháng không bao giờ quên của những người làm báo từ chiến trường, khi tiếng nói của nhân dân miền Nam đã trở thành sức mạnh đối nội và đối ngoại trong những thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Tại chiến trường Đông Nam Bộ, như nhà báo Nguyễn Khắc Cần - nguyên phóng viên chiến trường, sau giải phóng là Phó Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho biết: trong những quãng thời gian bị địch càn quét không phát hành được các báo viết, thì Đài Phát thanh Giải Phóng đã hỗ trợ đắc lực cho báo Giải Phóng và báo Quân Giải phóng của Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam (cũng làm tại chiến trường) bằng việc phát đi tin tức, các bài hàng ngày của 2 tờ báo đó trên lên làn sóng Đài Phát thanh Giải Phóng. Ngoài tác dụng đối ngoại, thì trên chiến trường ảnh hưởng của Đài Phát thanh Giải Phóng là rất lớn.

Nhà báo Hồ Vĩnh Thuận, một người được phân công vào Đài Phát thanh Giải Phóng từ buổi thành lập, sau đó về tiếp quản Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh (HTV) và là Phó Giám đốc Đài HTV, nay đang nghỉ hưu tại Q.Phú Nhuận, cho biết: “Bằng nhiều cách dò tìm sóng và thực hiện các trận càn, địch đã phát hiện ra làn sóng của Đài từ những vùng giải phóng ở miền Nam, nên Ban Giám đốc Đài rất coi trọng các phần việc bảo đảm bí mật, an toàn cho các nhà báo đi tác chiến tại chiến trường; luôn giữ bí mật về nơi phát, cách ghi âm, lấy tin bài hàng ngày trên một địa hình trãi rộng cả miền Nam. Có thời điểm do yêu cầu, các cán bộ - nhà báo của Đài đã đi tác nghiệp tại nơi bộ đội ta đang hành quân và truy kích kẻ thù…và có nhiều nhà báo đã anh dũng ra đi khi còn rất trẻ”.

Nhà báo Nguyễn Hồng Thắng - nguyên Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhớ lại: lúc ấy ông là phóng viên đi chiến trường rồi sau ngày 30/4/1975, ông được phân công là người thực hiện biên tập chương trình phát thanh đầu tiên của bản tin phát vào sáng sớm ngày 01/5/1975 khi Sài Gòn vừa giải phóng một ngày. Ông xúc động nói: “Những kỷ niệm đó, hình ảnh đó mãi không phai mờ qua năm tháng trong cuộc đời làm báo của tôi”.

Đài Phát thanh Giải Phóng trong suốt thời kỳ dài đã đáp ứng nhiều thông tin quan trọng của cách mạng miền Nam, của Đảng ta, đã truyền đạt nhanh nhạy nhất các chủ trương, chỉ thị của Trung ương Đảng, Chính phủ đến các cấp, ngành, các chiến trường và nhân dân miền Nam qua làn sóng điện. Chính Đài đã góp phần lớn vào những thông tin đối ngoại nhanh nhất ra nhân dân tiến bộ thế giới để cùng hoà mình vào cuộc đấu tranh với nhân dân Việt Nam.

Sự kiện trưa 30/4/1975 lịch sử đã được Đài thông tin nhanh nhất cho đồng bào cả nước vui mừng, cùng nhân dân tiến bộ thế giới biết về cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà đã kết thúc toàn thắng. Với tinh thần chủ động, thần tốc của Chiến dịch Xuân 1975, đoàn cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Đài được sự giúp sức của anh chị em công nhân kỹ thuật của Đài cũ, đã làm việc suốt đêm 30/4, để đúng 6 giờ sáng hôm sau, ngày 01/5/1975, trong chương trình phát thanh đầu tiên của thành phố Sài Gòn giải phóng đã vang lên dõng dạc, gây phấn chấn cho hàng triệu người dân: "Đây là Đài phát thanh Sài Gòn Giải phóng - Tiếng nói của nhân dân Sài Gòn - Gia Định". Đó là sự kế tiếp đầy vinh dự của những người làm báo từ chiến trường ra của Đài Phát thanh Giải phóng nay trở thành những nhà báo cách mạng đầu tiên của Đài phát thanh Sài Gòn Giải phóng, khi thành phố này đã hoàn toàn sạch bóng quân thù.

Sự kiện Đài Phát thanh Giải phóng ra đời 50 năm trước, đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình đưa thông tin cho đồng bào trong và ngoài nước phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Từ làn sóng của Đài, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam đã nói lên tiếng nói chính thức với đồng bào cả nước và bạn bè thế giới, nhằm làm cho cộng đồng quốc tế am hiểu hơn về cuộc kháng chiến chính nghĩa, toàn dân, toàn diện của đồng bào miền Nam, dân tộc Việt Nam đi tới toàn thắng./.

PHẠM BÁ NHIỄU

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất