Ngày 6/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết 18/NQ-CP về 6 giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010.
6 giải pháp lớn bao gồm: Tập trung kiềm chế lạm phát; thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán; bảo đảm nguồn lực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm ổn định, an toàn của hệ thống tài chính - ngân hàng; tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong xã hội.
Tập trung kiềm chế lạm phát
|
Các ngân hàng thương mại sẽ thực hiện cho vay theo cơ chế lãi suất thoả thuận đối với dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. |
Đây là giải pháp đầu tiên được đưa ra trong Nghị quyết. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 25% và tổng phương tiện thanh toán khoảng 20%. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay theo cơ chế lãi suất thoả thuận đối với dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả theo Nghị quyết của Quốc hội.
Bộ Công Thương tiến hành rà soát, đánh giá tình hình cung - cầu các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống, trước hết là các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, sữa, thuốc chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, xăng dầu, xi măng, thép… Theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để kịp thời áp dụng các giải pháp điều tiết, bình ổn thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá.
Bộ Tài chính cùng với Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan liên quan duy trì ổn định giá điện bán cho các hộ sản xuất, tiêu dùng và giá than bán cho sản xuất điện đến hết năm 2010; đồng thời, rà soát cơ chế kiểm soát giá xăng dầu để bảo đảm hoạt động kinh doanh xăng dầu hoạt động theo nguyên tắc thị trường, rà soát lại chi phí kinh doanh, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ thuế, phí và Quỹ bình ổn giá xăng dầu không để giá xăng tăng liên tục trong thời gian ngắn, gây tác động bất lợi đến sản xuất và tâm lý người tiêu dùng.
Thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu
Để bảo đảm tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6% và tỷ lệ nhập siêu khoảng 20% trong năm 2010, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương tổ chức triển khai các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, thị phần xuất khẩu cho các doanh nghiệp, đồng thời có các cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng hàng hoá xuất khẩu.
Trong quý II/2010, Bộ Công Thương sẽ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hàng tiêu dùng để tạo ra được nhiều hàng hóa đạt chất lượng thay thế hàng nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu cả trước mắt và lâu dài.
|
Năm 2010 phấn đấu tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6% và tỷ lệ nhập siêu khoảng 20%. |
Cũng nhằm thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh đơn giản hoá thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan để rút ngắn thời gian thông quan và tiết giảm chi phí đối với hàng hoá xuất khẩu.
Tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách
Về thu ngân sách nhà nước năm 2010, sẽ phấn đấu tăng vượt trên 5% so với dự toán đã được Quốc hội quyết định, Chính phủ giao. Đẩy mạnh giải ngân và sử dụng có hiệu quả các khoản vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát lại các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ để điều chuyển vốn đối với ngân sách trung ương và hướng dẫn điều chuyển vốn đối với ngân sách địa phương theo hướng tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách phải hoàn thành trong năm 2010. Không bố trí vốn cho các dự án đầu tư cho đến thời điểm này chưa được bố trí vốn, trừ vốn đối ứng các dự án vay nước ngoài.
|
Các địa phương thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản. |
Đồng thời, sẽ xây dựng cơ chế chính sách đủ sức hấp dẫn để kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư theo chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa trong đầu tư phát triển; xây dựng và công bố danh mục dự án, công trình đầu tư cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội phục vụ mục tiêu đầu tư phát triển.
Giảm lãi suất cho vay đến mức thị trường chấp nhận được
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản, chú ý những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như gạo, cà phê, thủy sản,…; đồng thời xây dựng cơ chế tiêu thụ sản phẩm để bảo đảm được lợi ích người sản xuất khi giá thế giới xuống thấp và xuất khẩu đạt mức giá tốt nhất. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần liên kết, hợp tác để giữ thị trường và bảo đảm giá hàng xuất khẩu ở mức hợp lý.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhất là khu vực nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, vay được vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước, tiết kiệm chi phí hoạt động, giảm lãi suất cho vay đến mức thị trường chấp nhận được./.
(Cổng TTĐTCP)