Đây là kết quả hợp tác nghiên cứu từ năm 2005 giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI) - do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Mục tiêu của chương trình này là nghiên cứu và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, trở ngại của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện quy định, thủ tục của Nhà nước. Đồng thời, chương trình muốn cung cấp những thông tin hữu ích, giúp chính quyền địa phương xác định lĩnh vực cần ưu tiên nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, giải quyết việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chỉ số PCI lý giải nguyên nhân vì sao một số tỉnh thành của đất nước lại tốt hơn các địa phương khác về sự phát triển năng động của khu vực kinh tế dân doanh, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế.
Chỉ số PCI cho điểm theo thang điểm 100, được thực hiện thông qua việc điều tra đối với doanh nghiệp dân doanh để tìm hiểu về những đánh giá của doanh nghiệp đối với môi trường kinh doanh ở địa phương, và kết hợp dữ liệu điều tra với các số liệu so sánh thu thập được từ các nguồn chính thức về điều kiện ở địa phương. Cần lưu ý, chỉ số PCI đo lường chất lượng điều hành chứ không đánh giá mức độ phát triển của địa phương.
Năm 2005, chỉ số tổng hợp này bao gồm chín chỉ số thành phần, mỗi chỉ số thành phần lý giải khá nhiều sự khác biệt về phát triển kinh tế giữa các tỉnh của Việt Nam. Năm 2006 có thêm hai chỉ số thành phần mới được đưa vào (Đào tạo lao động và Thiết chế pháp lý) để phản ánh hai khía cạnh quan trọng khác về nỗ lực của chính quyền tỉnh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh ở địa phương. Ngoài ra, hệ thống chỉ tiêu của các chỉ số thành phần hiện có cũng được cải tiến và hoàn thiện hơn.
Tới thời điểm năm 2009, Chỉ số CPI bao gồm 10 chỉ số thành phần là: Chi phí gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Tính minh bạch và trách nhiệm; Chi phí về thời gian và việc thực hiện các quy định của Nhà nước; Chi phí không chính thức; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý; Kết cấu hạ tầng. Trong từng chỉ số thành phần này lại có các chỉ số cụ thể để thu thập số liệu và đánh giá, so sánh giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Báo cáo chỉ số CPI năm 2009, được công bố ngày 14-1-2010, đánh dấu năm thứ 5 xây dựng và công bố báo cáo, là một mốc quan trọng. Tiếp theo năm 2008, Đà Nẵng tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về điểm số PCI, tiếp theo là Bình Dương, Lào Cai, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Vĩnh Phúc nằm trong nhóm có chất lượng điều hành xuất sắc. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, vai trò điều hành kinh tế của chính quyền địa phương càng trở nên đặc biệt quan trọng đối với những quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Việc bảo đảm các chính sách và quyết định rõ ràng, minh bạch và công bằng là hết sức cần thiết, giúp doanh nghiệp dự báo chính xác hơn về triển vọng kinh doanh trong dài hạn. Chỉ số PCI sẽ là một công cụ định hướng tốt giúp chính quyền địa phương khắc phục những điểm yếu, phát huy những điểm mạnh để giúp các doanh nghiệp vượt qua những giai đoạn khó khăn của thời kỳ khủng hoảng kinh tế.
Điều tra PCI hằng năm nói chung và năm 2009 nói riêng cũng cung cấp các thông tin quan trọng về sự tác động của những sáng kiến cải cách ở cấp trung ương và địa phương, trong đó có Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý của Nhà nước (Đề án 30), do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là nỗ lực cải cách thể chế mang tính đột phá tại Việt Nam. Mục tiêu của Đề án là cắt giảm tối thiểu 30% thủ tục hành chính ở tất cả các cấp chính quyền, đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam tiến gần các tiêu chuẩn quốc tế.
Điều tra PCI năm 2009 cho thấy khoảng 42% số doanh nghiệp trên cả nước đã biết đến Đề án 30, hứa hẹn sức lan tỏa của việc sử dụng rộng rãi cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính đầu tiên được thiết lập, cho phép tra cứu trực tuyến và dễ dàng tới hơn 5.700 thủ tục và 9.500 văn bản pháp luật. Điều tra về môi trường kinh doanh lớn nhất của cả nước trong PCI sẽ giúp xác định các lĩnh vực cần cải thiện nhằm xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, đơn giản hóa các thủ tục và đóng vai trò như một công cụ giám sát hiệu quả thực hiện của lãnh đạo chính quyền các địa phương./
(Theo TCCS điện tử)