Chủ Nhật, 13/10/2024
Kinh tế
Thứ Hai, 5/4/2010 16:5'(GMT+7)

Tăng giá do tâm lý chiếm 0,6 – 0,78%


Theo tổng cục Thống kê, chỉ số giá sản xuất (PPI) của quý 1/2010 so với quý 1/2009 là 109,37%, trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng của quý 1/2010 so với quý 1/2009 là 108,51%. Vậy chỉ số giá sản xuất là gì? Nó khác với chỉ số giá tiêu dùng thế nào?

Khi nói đến giá trị sản xuất của một ngành nào đó, nếu đúng, thường phải nói giá trị sản xuất đó theo giá gì. Nhiều người nói chung chung giá trị sản xuất tăng trưởng bao nhiêu hoặc đạt bao nhiêu thực ra là một câu nói vô nghĩa. Giá trị sản xuất (GTSX) có ba loại giá:

(1) GTSX theo giá cơ bản: loại giá này tương đương với giá thành công xưởng trước đây trong hệ thống hạch toán sản xuất vật chất MPS, có nghĩa là trong nội hàm của GTSX chưa bao gồm thuế gián thu (thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu) và phí lưu thông (bao gồm phí thương mại và phí vận tải);

(2) GTSX theo giá người sản xuất gần tương đương với giá bán buôn xí nghiệp ngày trước. Nó gồm GTSX theo giá cơ bản + thuế gián thu, chưa bao gồm phí lưu thông;

(3) GTSX theo giá người mua = GTSX theo giá người sản xuất + phí lưu thông. Đó là giá mà người mua phải trả. Người mua ở đây có thể là các doanh nghiệp, có thể là xuất khẩu và có thể cho người dân tiêu dùng.

Đối với các ngành dịch vụ thì GTSX theo giá sản xuất cũng là giá người mua. Theo định nghĩa của Hệ thống các tài khoản quốc gia (System of National Accounts) của Liên hiệp quốc thì tiêu dùng sản phẩm dịch vụ được xem như tiêu dùng tại chỗ (không qua khâu trung gian – lưu thông).

Sự thay đổi về GTSX theo giá người sản xuất được gọi là chỉ số giá sản xuất của một sản phẩm (ngành) nào đó.

Sự thay đổi GTSX theo giá người mua gọi là chỉ số giá người mua. Nếu người mua là dân cư thì chỉ số giá này được gọi là CPI.

Vì sao CPI lại quan trọng? Vì vấn đề giá cả tăng lên này liên quan trực tiếp tới túi tiền của người dân!

PPI tăng cao hơn CPI nói lên điều gì? Nó chỉ có thể nói tốc độ tăng giá thành sản phẩm (giá sản xuất) tăng nhanh hơn tốc độ tăng giá của thương mại và vận tải hàng hoá. Về nguyên tắc, trong dài hạn, điều này không thể xảy ra, vì sẽ xảy ra tình trạng “mua đắt, bán rẻ”. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn nào đó, do các nguyên nhân về giá vật tư, nguyên liệu, thậm chí cả yếu tố tâm lý, PPI có thể tăng cao hơn CPI.

Theo nguyên tắc hạch toán (của Việt Nam cũng như thế giới), khi doanh nghiệp mua sản phẩm làm chi phí đầu vào trong sản xuất thì giá trị này là theo giá người mua. Như vậy một số người cho rằng giá chi phí đầu vào cao hơn giá bán là không đúng mà phải là điều ngược lại, tức giá bán theo giá sản xuất được đẩy nhanh hơn sự tăng giá của chi phí đầu vào.

Việc này phù hợp với sự lo lắng của một số chuyên gia và Chính phủ là tăng giá theo tâm lý hoặc doanh nghiệp có phần nào lợi dụng sự tăng giá của một số sản phẩm đầu vào để tăng giá.

Nếu tính toán tỉ mỉ hơn với các trọng số của ngành vận tải và thương nghiệp theo giá hiện hành và giá so sánh thì chỉ số giá của phí lưu thông (bao gồm vận tải hàng hoá và thương nghiệp) là 108,49% (CPI là 108,51%). Như vậy nếu PPI là 109,37 thì chỉ số giá người mua bao gồm cả CPI phải là 109,11%.

Còn nếu CPI là chính xác, có thể ước lượng sự tăng giá do tâm lý so với quý 1năm trước vào khoảng từ 0,6 – 0,78%./.

Theo Sài Gòn tiếp thị

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất