Thứ Tư, 27/11/2024
Xã hội
Thứ Hai, 22/5/2017 21:37'(GMT+7)

6 kiến nghị của cử tri gửi Quốc hội

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Đại đoàn kết

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Đại đoàn kết

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV sáng 22/5, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân  trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 741 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các đoàn đại biểu Quốc hội và 2.547 ý kiến, kiến nghị của nhân dân qua hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp.

Trên cơ sở những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trân trọng đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các địa phương 6 kiến nghị.

Thứ nhất, đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Đề nghị các đồng chí đảng viên, cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu hệ thống chính quyền các cấp với tinh thần thẳng thắn, đánh giá đúng những ưu điểm, hạn chế trong lãnh đạo, quản lý, thực thi nhiệm vụ; tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong tiết kiệm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kiên quyết xử lý trách nhiệm về đảng và chính quyền đối với vi phạm của đảng viên, cán bộ, công chức để giữ gìn sự trong sạch và uy tín của Đảng, Nhà nước, giữ vững kỷ cương, pháp luật và củng cố niềm tin của nhân dân.

Đề nghị Chính phủ tổ chức đợt thanh tra, kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về khai thác cát, về bảo vệ rừng trên phạm vi cả nước; kiên quyết xử lý các vi phạm và báo cáo kết quả tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV. Đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có tuyên bố và chương trình hành động cụ thể đối với tình trạng khai thác cát trái phép, phá rừng trên địa bàn quản lý để MTTQ Việt Nam, báo chí và nhân dân giám sát, coi đây là tiêu chí cụ thể để đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 của lãnh đạo các tỉnh, thành phố.

Thứ hai, đề nghị các cơ quan, tổ chức Đảng, Nhà nước và mọi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương rà soát, sửa đổi và hoàn thiện các chính sách, quy định để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; cải cách thủ tục hành chính; triển khai mạnh mẽ, đồng bộ việc đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan quản lý nhà nước gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (khóa XII).

Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt hơn nữa việc tái cơ cấu nền nông nghiệp. Cần tập trung vào công tác quy hoạch ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm an toàn, có tiềm năng xuất khẩu tốt; có chính sách hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản; đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã kiểu mới như là các đơn vị kinh tế phù hợp để thực hiện liên kết giữa Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và ngân hàng và tiếp nhận, triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và giúp nông dân đàm phán, liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam, giảm dần sản xuất manh mún, tự phát của hộ gia đình, phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, có chế tài đủ mạnh để bảo vệ môi trường, chấm dứt tình trạng khai thác trái phép tài nguyên quốc gia; tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong quản lý nhà nước nhằm đảm bảo việc khai thác và sử dụng tài nguyên đúng quy định, đúng mục đích và tiết kiệm; sớm có các giải pháp để hạn chế, tiến tới chấm dứt  tình trạng xói, lở bờ sông, ven biển tại các địa phương, nhất là tại các tỉnh miền Trung và Nam Bộ, ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân các vùng bị ảnh hưởng.

Thứ năm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương ban hành các quy định về quy trình, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm tạo cơ sở để thực hiện và giám sát việc thực hiện, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm; đề nghị chính quyền địa phương phải quyết liệt hơn nữa trong kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm.

Thứ sáu, đề nghị Chính phủ chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp với MTTQ Việt Nam các cấp và toàn thể nhân dân hưởng ứng Lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thực hiện 3 tháng cao điểm vận động toàn dân “Đền ơn đáp nghĩa” kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), có những hành động, việc làm cụ thể để góp phần chăm lo cho thân nhân các liệt sĩ và thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách, coi đây là trách nhiệm và vinh dự thiêng liêng với quá khứ hào hùng của dân tộc và với tương lai tươi sáng của các thế hệ mai sau./.

Theo chinhphu.vn



Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất