Tại hội nghị triển khai Chương trình hành động Quốc gia tăng cường công
tác điều dưỡng-hộ sinh giai đoạn từ 2013 đến 2020, do Bộ Y tế tổ chức
sáng 29/5 tại Hà Nội, ông Mục nhấn mạnh, hiện nay Việt Nam mới chỉ có
30% điều dưỡng viên, hộ sinh viên có trình độ đại học, cao đẳng - tương
đương với chuẩn đào tạo theo khuyến cáo của WHO. Trong khi đó, có tới
70% điều dưỡng viên, hộ sinh viên mới có trình độ trung cấp.
Ông Mục dẫn chứng, tỷ lệ điều dưỡng viên và hộ sinh viên của Việt Nam
gần 12 người/10.000 dân. So với nhiều nước trong khu vực, tỷ lệ trên của
Việt Nam thấp hơn như Malaysia (18/10.000), Thái Lan (28/10.000) và
Philippines (61/10.000).
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết, trong những
năm qua, sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đã đạt được
những thành tích to lớn trên tất cả các lĩnh vực phòng bệnh, chữa bệnh,
cung ứng thuốc và phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Đây là những yếu tố
vô cùng quan trọng đóng góp vào việc đạt được một số các chỉ tiêu chủ
yếu của các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) liên quan đến y tế.
Ông Cường nhấn mạnh, trong những thành tích chung có sự đóng góp lớn của
đội ngũ điều dưỡng viên, hộ sinh viên trong việc thực hiện các mục tiêu
của ngành y tế, nhất là trong việc nâng cao chất lượng điều trị và chăm
sóc người bệnh, cũng như trong việc khắc phục những thái độ và hành
động tiêu cực mà nhân dân đang có ý kiến nhắc nhở.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quang Cường cũng nhấn mạnh, hiện nay công tác điều
dưỡng, hộ sinh của Việt Nam vẫn còn có một số hạn chế như việc chủ động
của điều dưỡng viên, hộ sinh viên trên thực hành lâm sàng chưa được xác
định rõ, điều dưỡng và hộ sinh thực hành chăm sóc người bệnh chưa phân
biệt rõ theo văn bằng đào tạo và ngạch viên chức.
Đặc biệt, hiện nay ngành điều dưỡng, hộ sinh còn thiếu đội ngũ chuyên
gia đầu ngành, số điều dưỡng viên, hộ sinh viên được đào tạo ở trình độ
sau đại học còn rất hạn chế. Trong khi đó, lãnh đạo một số đơn vị chưa
quan tâm đầy đủ trong việc đầu tư nguồn lực cho công tác này.
Một khó khăn nữa là năng lực giao tiếp ứng xử, tin học và ngoại ngữ của
đội điều dưỡng cũng còn hạn chế, làm ảnh hưởng tới sự hài lòng của người
bệnh, ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến cũng
như hội nhập khu vực và quốc tế.
Để khắc phục được những hạn chế trên, Bộ Y tế đã triển khai chương trình
hành động quốc gia tăng cường năng lực toàn diện cho đội ngũ điều dưỡng
viên, hộ sinh viên giai đoạn từ 2013-2017. Mục tiêu lớn nhất mà chương
trình đặt ra là trong vòng 7 năm tới sẽ phấn đấu để 100% lực lượng điều
dưỡng, hộ lý có trình độ cao đẳng, đại học.
Về những giải pháp trong thời gian tới, Cục trưởng Cục quản lý khám chữa
bệnh Lương Ngọc Khuê cho hay, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh việc hoàn thiện các
chính sách có liên quan đến tuyển dụng, khuyến khích và đãi ngộ cho phù
hợp với hai đối tượng trên làm việc tại tuyến cơ sở, các thôn bản vùng
sâu vùng xa, vùng miền núi khó khăn.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban
Nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo và nâng cấp các trường
trung cấp y tế lên cao đẳng; mở thêm các cơ sở đào tạo có đủ điều kiện
tăng cường đào tạo điều dưỡng, hộ sinh có trình độ đại học, cao đẳng.
Về nguồn tài chính, Bộ Y tế đưa ra giải pháp bố trí nguồn ngân sách
riêng cho công tác điều dưỡng và hộ sinh trong ngân sách sự nghiệp ngành
y tế các cấp và ở cơ sở y tế để bảo đảm đào tạo liên tục. Trong công
tác hợp tác quốc tế, ông Khuê nhấn mạnh, ngành y tế sẽ đẩy mạnh việc mở
rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế để có thêm nguồn lực và các
hỗ trợ kỹ thuật cho công tác điều dưỡng, hộ sinh của Việt Nam./.
TTX