Tầm vóc của người Việt kém xa chuẩn quốc tế
Đề án này phát triển thể lực, tầm vóc người VN giai đoạn 2011 – 2030 được nghiên cứu xuất phát từ thực tế thể lực và tầm vóc của người Việt cách khá xa so với chuẩn quốc tế. Các nghiên cứu cho thấy về chiều cao, nam thanh niên độ tuổi 18 của Việt Nam kém 13,1 cm so với chuẩn quốc tế; nữ 18 tuổi kém 10,7 cm so với chuẩn quốc tế. So với chiều cao trung bình của thanh niên Nhật Bản, nam thanh niên Việt Nam kém 8,3 cm và nữ kém 4,0 cm. Ngay cả với các nước trong khu vực như Singapore, Thái-lan, chiều cao trung bình của thanh niên Việt cũng kém khoảng 3 cm.
Sự hạn chế về thể lực và tầm vóc này đã trực tiếp ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nguồn nhân lực nước ta so với các nước khác và tác động trực tiếp tới việc thực hiện các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và bảo vệ an ninh quốc phòng.
Có một thực tế là trong lúc chúng ta còn đang loay hoay với Đề án này thì từ nhiều thập kỷ trước, một số quốc gia châu Á, đặc biệt là Nhật Bản đã rất chú trọng đến việc phát triển thể lực, tầm vóc của con người và đó là một trong những lý do dẫn đến sự thành công của đất nước này trong những năm qua.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những nhân tố chính ảnh hưởng đến thể lực và tầm vóc của con người là: dinh dưỡng (31%), di truyền (23%), thể dục thể thao (20%), môi trường và tâm lý xã hội (khoảng 16% và 10%). Vì thế muốn nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt thì phải giải quyết được các vấn đề trên bên cạnh các biện pháp khác như xóa đói giảm nghèo, phòng chống bệnh tật và nâng cao sức khỏe cộng đồng...
Đặt mục tiêu tăng chiều cao lên 5 cm trong 20 năm
Hiện tại ở nước ta, chiều cao trung bình của nam thanh niên là 163,7 cm, của nữ là 153,0 cm. Đề án phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2020, chiều cao trung bình của nam 18 tuổi là 167 cm và đến năm 2030 là 168,5 cm. Đối với nữ 18 tuổi, năm 2020 chiều cao trung bình là 156 cm, năm 2030 là 157,5cm. Đề án cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể để cải thiện thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của thanh niên.
Đối tượng của Đề án là các bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh, nhi đồng, thiếu niên, thanh niên đến 18 tuổi. Đề án sẽ được thực hiện trong phạm vi toàn quốc và chỉ đạo trọng điểm ở bốn thành phố, sáu tỉnh đồng bằng, miền núi. Đề án cũng chia làm hai giai đoạn để thực hiện. Giai đoạn một, từ năm 2011 - 2020, thí điểm giải pháp đồng bộ về dinh dưỡng và TDTT. Giai đoạn hai, từ năm 2021 - 2030, thụ hưởng thành quả của giai đoạn một để thực hiện mở rộng phạm vi toàn quốc và hoàn thiện Đề án.
Đề án gồm bốn chương trình: Nghiên cứu triển khai, ứng dụng những yếu tố chủ yếu tác động đến thể lực, tầm vóc người VN; Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan; Phát triển thể lực, tầm vóc bằng giải pháp tăng cường giáo dục thể chất đối với học sinh từ ba đến 18 tuổi; Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi xã hội về phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam.
Đề án này sẽ được thực hiện trong 20 năm với tổng kinh phí dự tính là 6.449 tỷ đồng, trong đó có 50% là kinh phí Nhà nước và số còn lại là của các địa phương và từ công tác xã hội hóa.
Dễ mà khó
Khi nghe mục tiêu của Đề án là trong 20 năm nâng chiều cao trung bình của thanh niên Việt lên chỉ có 5 cm trong khi cũng trong khoảng thời gian ấy, tầm vóc người Nhật Bản đã tăng trưởng thêm 10cm nhờ chính sách chăm sóc dinh dưỡng, thể thao, nhiều người nghĩ đây là mục tiêu dễ thực hiện. Tuy thế ở nước ta, với những đặc thù riêng như thói quen trong tư duy, nhận thức cũng là chuyện khó thay đổi chứ chưa nói gì đến nhiều yếu tố khác.
Chẳng hạn như nhiều gia đình chỉ chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhỏ dưới 5-6 tuổi và ít chú ý chăm sóc thường xuyên cho trẻ khi đến tuổi đến trường và trong giai đoạn từ 6-18 tuổi. Trẻ em ở thành phố đã vậy, trẻ em ở nông thôn còn bị thả nổi hơn, các điều kiện thiết yếu như mỗi ngày một cốc sữa cũng không được chú trọng nói gì đến các chế độ dinh dưỡng khác.
Ngoài yếu tố dinh dưỡng, cho tới giờ trong các trường học vấn đề giáo dục thể chất cũng chưa được chú trọng. Đây vẫn chỉ được xem là môn học phụ, ít được quan tâm, đầu tư và bị lấn át bởi chương trình học văn hóa quá nặng vì thế trẻ em ở các trường, ngoài chuyện khó phát triển về thể lực và tầm vóc, thường hay mắc một số bệnh về học đường như vẹo cột sống hay cận thị.
Vì thế thể lực và tầm vóc của người Việt có tăng được 5 cm trong 20 năm tới hay không, không chỉ phụ thuộc vào những điều "vẽ" ra trong Đề án mà còn phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả triển khai của Đề án và ý thức tham gia của mỗi người dân. Với một Đề án mang tính nhân văn, ảnh hưởng trực tiếp đến con người như vậy mà mỗi người dân không được tuyên truyền, vận động để tham gia thì khó lòng thu được hiệu quả.
Theo Nhân Dân