Siết chặt kỷ luật Đảng là đòi hỏi tất yếu khi Đảng giữ vai trò lãnh đạo đất nước. Muốn lãnh đạo thì phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo.
Hôm nay (16/10), ngành kiểm tra Đảng tròn 70 năm kể từ khi thành lập. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng và giữ gìn kỷ cương, kỷ luật trong Đảng, ngày 16/10/1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Ban Kiểm tra Trung ương- cơ quan kiểm tra chuyên trách đầu tiên của Đảng. 70 năm qua, ngành kiểm tra Đảng đã lần lượt đi qua các giai đoạn phát triển của đất nước và những người làm công tác kiểm tra đảng có quyền tự hào về những đóng góp của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, nhất là từ khi triển khai các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng (Nghị quyết TƯ4 khóa XI và khóa XII), công tác kiểm tra Đảng thực sự phát huy hiệu quả, ghi dấu ấn quan trọng trong quá trình làm trong sạch Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Một dân tộc, một đảng mà mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, Đảng xác định: siết kỷ luật Đảng là đòi hỏi tất yếu.
5 năm: Thi hành kỷ luật hơn 4.300 cán bộ, đảng viên
Trong 5 năm qua, (từ năm 2013 đến nay), cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật hơn 4.300 cán bộ, đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị thu hồi, xử lý hơn 400.000 tỷ đồng và hơn 18.500ha đất, chuyển 515 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, với sự vào cuộc của cơ quan kiểm tra Đảng, nhiều vụ tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh trước pháp luật, trong đó có cả những cán bộ lãnh đạo cấp cao, cán bộ đương chức và cán bộ nghỉ hưu như vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm, vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), Phạm Công Danh ...
Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay (từ tháng 1/2016), đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ diện Trung ương quản lý. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Công tác kiểm tra đảng bảo đảm công minh, chính xác, kịp thời, “thấu tình, đạt lý” góp phần quan trọng vào việc xây dựng môi trường xã hội lành mạnh để phát triển kinh tế- xã hội.
Công tác kiểm tra được làm bài bản, chắc chắn, rõ đến đâu, kết luận, xử lý đến đó và triệt để khắc phục vi phạm.
Nhân dân đồng tình, ủng hộ
Thời gian qua, các kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương được nhân dân đón nhận với tinh thần phấn khởi, tin tưởng.
Ông Dương Quang Phái – một đảng viên lão thành ở phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội ví cơ quan kiểm tra đảng là “cơ quan tiên phong”, là “đột phá khẩu”, mở toang cánh cửa để các cơ quan chức năng khác, trong đó có cơ quan điều tra, làm rõ bản chất của vấn đề, không chỉ kỷ luật về mặt Đảng mà còn phải xử lý về mặt pháp luật.
Theo ông Phái, một trong những điểm đổi mới của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trong nửa đầu nhiệm kỳ này là công khai kết luận kiểm tra, không như thời kỳ trước đó, chỉ thông báo nội bộ, ít nhiều gây tâm lý hoài nghi trong nhân dân. Việc công khai như vậy, một mặt là cơ sở dữ liệu để người dân theo dõi công tác chống tham nhũng, một mặt để răn đe, cảnh báo đối với những người đang có ý định vi phạm.
“Ở đây không phải là cuộc đấu tố mà phải có đầy đủ các chứng cứ xác thực để đánh giá đúng vi phạm của cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó có hình thức xử lý một cách đúng đắn nhất, vừa nhân văn, vừa để người bị xử lý tâm phục, khẩu phục” – ông Phái cho biết thêm.
Ông Đoàn Khả Đình (cán bộ hưu trí ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho rằng, kết luận về những dấu hiệu vi phạm của các tổ chức Đảng và đảng viên thời gian gần đây là “những kết luận được lòng dân”. Bởi trước đây, có những lĩnh vực, những cá nhân tưởng chừng là “vùng cấm” nhưng bằng trách nhiệm và sự vào cuộc rốt ráo của cơ quan kiểm tra của Đảng, thì những góc khuất đó đã dần dần được lộ rõ.
“Tôi muốn nhấn mạnh đến trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những người làm công tác kiểm tra Đảng. Họ phải là những tấm gương trong sạch, liêm khiết thì mới nói được người khác” – ông Đình nhấn mạnh.
Theo PGS-TS Nguyễn Văn Giang- Phó Viện trưởng Viện xây dựng Đảng, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đi thực tiễn ở nhiều địa phương trong cả nước, ông thấy dư luận rất hoan nghênh cách làm việc của các đoàn kiểm tra thuộc Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Phó viện trưởng Viện xây dựng Đảng cho biết: “Tôi nghe anh em kể rằng, rất khó để tác động vào quá trình làm việc của đoàn kiểm tra. Họ làm việc rất nghiêm túc, trách nhiệm, khách quan, công tâm. Có lẽ, đây cũng là cách làm việc mà địa phương cần học tập để làm theo. Chỉ như vậy mới có được các kết luận chính xác, trung thực, không bị lợi ích nhóm chi phối”.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng là đòi hỏi tất yếu
Đúc rút kinh nghiệm 5 năm điều hành Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Tại phiên họp thứ 14 ngày 16/8/2018 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư khẳng định, kỷ luật đảng phải đi trước, làm tiền đề quan trọng để xử lý hình sự cán bộ sai phạm, tham nhũng.
Kỷ luật đảng phải nghiêm khắc hơn kỷ luật nhà nước, kỷ luật đoàn thể. Phương châm này cũng được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định trong những năm tới nhằm xây dựng, chỉnh đốn Đảng kiên quyết hơn, mạnh mẽ hơn.
Tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành kiểm tra Đảng ngày 12/10 vừa qua, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh “quyết tâm chính trị” trong việc làm trong sạch Đảng thông qua các hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng. Ông Vượng cho rằng, khi đã phát hiện dấu hiệu vi phạm, phải nhanh chóng kiểm tra, làm quyết liệt, triệt để, giải quyết dứt điểm. Kết luận kiểm tra phải rõ ràng, minh bạch, xử lý phải công tâm, khách quan, tránh tình trạng “trông chờ, nghe ngóng”, “nặng trên, nhẹ dưới”.
Liệu có hay không tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong công tác kiểm tra đảng, trả lời câu hỏi này, ông Hà Quốc Trị- Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, người phát ngôn của cơ quan này khẳng định: Trên nóng và dưới cũng bắt đầu nóng theo. Thực tế cho thấy, cơ quan kiểm tra Đảng ở một số địa phương đã vào cuộc, kiến nghị xử lý nhiều cán bộ sai phạm. Bên cạnh đó, thực hiện quy định 30 về công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật Đảng, Ủy ban kiểm tra Trung ương có thể thực hiện các cuộc kiểm tra xuống tận cấp huyện để cấp tỉnh thấy được trách nhiệm của mình trong việc quản lý cán bộ. Việc này đã được thực hiện thí điểm ở thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) và huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và đã phát hiện vi phạm.
Siết chặt kỷ luật đảng là đòi hỏi tất yếu khi Đảng giữ vai trò lãnh đạo đất nước. Muốn lãnh đạo thì phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo./.
Theo vov.vn