Thứ Bảy, 23/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 4/10/2018 8:8'(GMT+7)

Ðổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở

Việc sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy (TCBM) đang được triển khai ở nhiều nơi trong cả nước. Nơi làm quyết liệt, nơi vừa làm vừa nghiên cứu, điều chỉnh, nơi thì trông chờ hướng dẫn từ cấp trên. Tuy việc triển khai chưa đồng đều nhưng ở nhiều nơi, TCBM gọn nhẹ hơn, số lượng lãnh đạo, quản lý và biên chế được tinh giản, tiết kiệm ngân sách chi thường xuyên. Những cách làm hay từ thực tiễn cần được nghiên cứu nhân rộng để bảo đảm tính đồng bộ, tổng thể trong thực hiện.

Một việc, nhiều nơi làm

Trước đây, nhiều địa phương đã chủ động đổi mới, sắp xếp TCBM của hệ thống chính trị, tuy nhiên, mỗi nơi có cách hiểu, cách làm khác nhau. Khi Hội nghị T.Ư 6 (khóa XII) ban hành các nghị quyết về: tiếp tục đổi mới, sắp xếp TCBM của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ÐVSNCL)… đã đặt nền tảng định hướng rất quan trọng giúp các ban, bộ, ngành, địa phương có cơ sở, căn cứ để tổ chức thực hiện cả về bề rộng và chiều sâu.

Ðể việc thực hiện bảo đảm khoa học, có tổng kết thực tiễn, đúc rút lý luận, nhiều nơi nghiên cứu xây dựng đề án về sắp xếp TCBM, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tại TP Ðà Nẵng và tỉnh Nghệ An, qua khảo sát, điều tra, đã phát hiện TCBM tồn tại nhiều điểm nghẽn, một nhiệm vụ nhưng có nhiều cơ quan quản lý mà không rõ trách nhiệm, không có cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, nhất là trong các lĩnh vực y tế, khoa học - công nghệ, nông nghiệp và phát triển nông thôn… Tại một số cơ quan tham mưu, giúp việc khối Ðảng và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp, có sự tương đồng về nhiệm vụ, như: tổ chức cấp ủy và nội vụ, kiểm tra cấp ủy và thanh tra nhà nước, tuyên giáo cấp ủy và trung tâm bồi dưỡng chính trị, văn phòng cấp ủy và văn phòng HÐND, UBND; Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Dân tộc tỉnh, MTTQ tỉnh, Sở Nội vụ cùng có nhiệm vụ về công tác dân tộc - tôn giáo.

Tại Văn phòng, các ban tham mưu và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy: Văn phòng chiếm khoảng 28% biên chế, nhưng đồng thời các ban tham mưu vẫn có văn phòng (khoảng 30% biên chế) cùng làm chung nhiệm vụ tổng hợp, tổ chức, phục vụ, tài chính, quản trị. Một số nhiệm vụ có sự gắn kết nhưng lại bị bố trí ở các phòng chuyên môn khác nhau. Bên cạnh đó, việc thành lập Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội cấp tỉnh làm phát sinh một số bất cập trong công tác cán bộ, quản lý cán bộ; tổ chức, hoạt động của một số ban chỉ đạo và ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ nhiều mặt bất cập. Nhiều tổ chức phối hợp liên ngành, ban quản lý dự án trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động chưa cao… Trong khi đó, khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội chậm đổi mới, một số nhiệm vụ trùng lắp. Tổ chức ÐVSNCL ở một số lĩnh vực chưa hợp lý, bộc lộ nhiều bất cập, có những đơn vị đủ điều kiện chuyển đổi hình thức tự chủ ở mức độ cao hơn nhưng chưa chủ động đề xuất phương án chuyển đổi. Các tổ chức hội chưa hoạt động theo phương châm tự nguyện, tự trang trải kinh phí, còn tư tưởng trông chờ “bầu sữa” ngân sách nhà nước, thậm chí một số hội thành lập nhằm mục đích “vận dụng” cơ chế, chính sách.

Tại các buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Ban Tổ chức tỉnh ủy, thành ủy và các địa phương, sở, ngành tại Nghệ An, Ðà Nẵng, Quảng Ninh, hầu hết các đồng chí đều có chung một nhìn nhận rất thẳng thắn: Hệ thống chính trị cơ sở còn nhiều mặt, yếu kém, sự phối hợp giữa các tổ chức chưa chặt chẽ, năng lực vận dụng các chủ trương, nghị quyết của Ðảng và chính sách của Nhà nước vào tình hình cụ thể của địa phương còn hạn chế, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền một số nơi chưa cao; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã, nhất là các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Những hạn chế đó có nguyên nhân là chức năng, nhiệm vụ chưa được xác định rành mạch, trách nhiệm không rõ ràng, đơn vị hành chính cấp xã quy mô nhỏ, không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của cấp ủy các cấp ở tỉnh về cơ bản đến nay vẫn chưa thật sự cụ thể hóa, số lượng, cơ cấu, chất lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp còn một số bất cập, đã dẫn đến năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít cấp ủy, tổ chức đảng còn yếu.

Chi tiền lương còn lớn

Nghệ An là địa phương có diện tích lớn nhất nước, dân số 3,1 triệu người, gồm một thành phố, ba thị xã, 17 huyện, cùng TCBM khá đồ sộ. Tuy là tỉnh nghèo, nhưng lại có số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn. Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Ðắc Vinh, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết: Ðể việc giảm chi ngân sách đạt kết quả thực chất, tỉnh xác định, đến năm 2021, tất cả các cơ quan, đơn vị, tổ chức giảm đến mức thấp nhất cấp trung gian, cấp phó; cơ bản hoàn thành sắp xếp, kiện toàn các cơ quan đảng, đoàn thể, chính quyền, đơn vị sự nghiệp công lập, trọng tâm là lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa, thể thao và du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế, lao động và xã hội, khoa học công nghệ, phát thanh - truyền hình, các ban quản lý dự án, các quỹ cấp tỉnh. Ðối với các ÐVSNCL, cần giảm 189 đơn vị, chuyển đổi các đơn vị có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học), hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công đối với lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp. Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã đạt 50% tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, xóm, bản.

Tháng 1-2018, Tỉnh ủy Nghệ An ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết T.Ư 6, trong đó chọn sáu đơn vị để triển khai thí điểm đồng bộ nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm nhân rộng, gồm TP Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Diễn Châu, huyện Con Cuông, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Tỉnh đoàn. Một trong những nguyên tắc hàng đầu được Tỉnh ủy Nghệ An chú trọng là tuân thủ nghiêm các quy định của Ðảng, Nhà nước, thực hiện nguyên tắc Ðảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp và quản lý TCBM, biên chế của hệ thống chính trị, nhưng vẫn phát huy tính sáng tạo, chủ động của từng cấp, ngành trong triển khai, xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu. Những việc đã rõ được triển khai ngay; với những nội dung mới, chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp, tỉnh mạnh dạn chỉ đạo thí điểm, rút kinh nghiệm.

Tại TP Ðà Nẵng, theo báo cáo quyết toán tài chính ngân sách năm 2016, chi thường xuyên là 6.133 tỷ đồng (chiếm khoảng 55,8% tổng chi ngân sách). Giám đốc Sở Nội vụ Ðà Nẵng Võ Ngọc Ðồng cho biết, từ thực tiễn đó, tỉnh xác định cần tiến hành cổ phần hóa, đẩy mạnh xã hội hóa các ÐVSNCL để giảm chi ngân sách và đến năm 2020 tiếp tục giảm 16 ÐVSNCL, ít nhất 2.000 biên chế. Bên cạnh đó, đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và công tác quản trị ÐVSNCL theo hướng thí điểm các mô hình như: “Trường học tự chủ” trong ngành giáo dục và đào tạo; nghiên cứu triển khai mô hình “Bác sĩ gia đình” và “Phòng khám đa khoa khu vực” ở một số trạm y tế phường, xã. Ở một số đơn vị sự nghiệp cung ứng dịch vụ đã giao quyền tự chủ chi thường xuyên, sẽ thành lập Hội đồng quản lý và thí điểm thuê giám đốc điều hành để tăng khả năng cạnh tranh dịch vụ theo cơ chế thị trường. Chủ tịch UBND thành phố Ðà Nẵng Huỳnh Ðức Thơ cho rằng, việc đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trong cơ quan hành chính, sự nghiệp công lập, kiểm soát cơ cấu, định mức tỷ lệ giữa bộ máy và người làm lãnh đạo, quản lý với người làm chuyên môn và hỗ trợ, phục vụ, tinh gọn bộ máy… vừa giảm gánh nặng ngân sách, vừa thúc đẩy hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp theo cơ chế thị trường.

Cần sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị

Trong thực tế triển khai, đổi mới TCBM là việc rất phức tạp, liên quan trực tiếp đến việc làm, đời sống và nhất là tâm tư của từng cán bộ. Bên cạnh đó, người dân kỳ vọng vào tinh thần sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng xóa bỏ những lạc hậu, cồng kềnh của các cơ quan nhà nước. Vì vậy, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, làm thường xuyên, liên tục, mạnh mẽ, có lộ trình, trọng tâm, trọng điểm, từng bước vững chắc về cả trước mắt và lâu dài. Từ tháng 4 đến 9-2018, Nghệ An đã xây dựng xong phương án tổ chức lại văn phòng cấp ủy để phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy theo hướng chuyển bộ phận phục vụ về Văn phòng Tỉnh ủy, gắn với xây dựng hệ thống quy chế hoạt động, phối hợp trong chi tiêu nội bộ, hành chính quản trị. Các sở, ngành đều sắp xếp giảm còn một ban quản lý, bốn trung tâm trực thuộc UBND tỉnh được hợp nhất thành một. Tổ chức nghiên cứu thí điểm Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; thí điểm kiêm nhiệm một số chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của cấp ủy với cơ quan chuyên môn chính quyền; cơ quan của cấp ủy và MTTQ có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.

Tại huyện Diễn Châu, TCBM và biên chế lớn, cho nên với ngân sách được cấp năm 2017 là 936,212 tỷ đồng, huyện phải dành tới 714,239 tỷ đồng cho chi thường xuyên. Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Diễn Châu cho biết, huyện đã xây dựng đề án sắp xếp TCBM đến năm 2030. Trước mắt, dự kiến giảm được tám tổ chức, năm xã, kéo theo giảm còn 243 xóm (giảm được 206 xóm); khối trường học giảm còn 103 trường (trước là 115 trường). Về biên chế cấp huyện, sau khi nhất thể hóa chức danh và sáp nhập, giảm 12 cấp trưởng, 51 cấp phó, 23 biên chế. Ðối với cấp xã, giảm 10 chức danh cán bộ, giảm 115 người; cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã giảm 80 người, cấp xóm giảm 1.030 người. Ngành giáo dục giảm 373 người, 204 tổ trưởng, 49 tổ phó. Như vậy, tổng số tiền giảm chi thường xuyên đến năm 2021 theo đề án là hơn 65 tỷ đồng.

Cửa Lò là thị xã du lịch biển, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của Nghệ An, cho nên công tác sắp xếp TCBM bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả được đặt lên hàng đầu. Vừa qua, Cửa Lò đã thực hiện nhất thể hóa Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, hợp nhất Trung tâm Văn hóa - Thể thao với Ðài Truyền thanh - Truyền hình thành Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao Cửa Lò, hợp nhất Văn phòng Ðăng ký quyền sử dụng đất với Trung tâm Phát triển quỹ đất thành Trung tâm Khai thác và Ðăng ký quyền sử dụng đất Cửa Lò, giải thể Phòng Y tế thị xã. Năm 2019, sẽ thực hiện mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội; hợp nhất và cổ phần hóa một số đơn vị. Thị ủy cũng ra chủ trương chuẩn bị thí điểm nhất thể hóa các chức danh cơ quan Ðảng với chính quyền cấp thị xã, nghiên cứu hợp nhất Văn phòng Thị ủy với Văn phòng HÐND, UBND thị xã thành Cơ quan Văn phòng Thị ủy - HÐND - UBND thị xã Cửa Lò. Các phường ở Cửa Lò đã hoàn thành việc hợp nhất Văn phòng HÐND - UBND và tiếp tục thực hiện chủ trương Bí thư Ðảng ủy đồng thời là Chủ tịch HÐND hoặc Chủ tịch UBND phường. Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Cửa Lò Lê Thanh Long cho biết, đã chỉ đạo kiên quyết tạm dừng bổ nhiệm mới các chức danh cấp phó tại những nơi chưa tự chủ hoàn toàn về tài chính. Không bổ sung mới khi khuyết các chức danh mà chỉ điều động, luân chuyển, đồng thời có giải pháp để giảm số lượng cấp phó dôi dư từ việc sắp xếp TCBM trong ba năm. Dự kiến sau sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn được 73 đầu mối, tinh giản 644 biên chế, giảm 39 cấp phó, qua đó giảm chi thường xuyên mỗi năm hơn 10 tỷ đồng.

Ðối với TP Vinh, việc sắp xếp TCBM, tinh giản biên chế dựa trên nhiệm vụ của từng khối, lĩnh vực. Bên cạnh nhất thể hóa chức danh, sáp nhập, hợp nhất một số cơ quan, đơn vị, tổ chức như ở Diễn Châu và Cửa Lò, còn quyết liệt sáp nhập các ban quản lý, ÐVSNCL để đẩy mạnh việc tự chủ hoặc chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần. Bí thư Thành ủy Vinh Võ Viết Thanh cho rằng, TP Vinh không chỉ là trung tâm hành chính của tỉnh, mà còn gánh vác nhiệm vụ “đầu tàu” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cho nên công tác sắp xếp TCBM chú trọng các giải pháp tăng cường tự chủ, khoán chi để nâng cao năng lực. Vừa qua, đã sáp nhập Ban quản lý chợ Vinh và Ban quản lý chợ Ga Vinh thành công ty cổ phần; sau hơn một năm hoàn thành cơ chế tự chủ về ngân sách tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Nghệ An, đã tiết kiệm cho ngân sách hơn 165 tỷ đồng (tương đương giảm biên chế 4.300 người), Bệnh viện đa khoa TP Vinh cũng giảm chi hơn 16 tỷ đồng. Tới đây, TP Vinh dự kiến tiếp tục giảm sáu đầu mối cơ quan, 30 cấp phó, cùng với đó sẽ tiết kiệm chi ngân sách hơn 34 tỷ đồng...

Tại nhiều địa phương, trước khi có Nghị quyết T.Ư 6, cũng đã mạnh dạn sắp xếp TCBM, cụ thể hóa rõ đối tượng, rõ việc, rõ trách nhiệm, có sự phân cấp, phân quyền trong triển khai thực hiện. Quảng Ninh là địa phương đã rất thành công khi thực hiện mô hình nhất thể hóa các chức danh từ cấp xã tới huyện. Ðến nay, đã có bảy huyện và 75 trong tổng số 186 đơn vị cấp xã, phường thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HÐND. Hai huyện Cô Tô, Tiên Yên và 76 trong tổng số 186 đơn vị cấp xã, phường thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư đồng thời là chủ tịch UBND. Tỉnh cũng hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra với thanh tra, ban tổ chức với phòng nội vụ, ban tuyên giáo với trung tâm bồi dưỡng chính trị, ban dân vận với MTTQ tại phần lớn địa phương. Hai huyện đã thực hiện mô hình chánh văn phòng ba bên (văn phòng cấp ủy, HÐND, UBND) và hầu hết các thôn, bản, khu phố đã thực hiện nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố.

Trên cơ sở thành công mô hình nhất thể hóa các chức danh, sắp xếp, đổi mới tinh gọn bộ máy, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục triển khai thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh (tên gọi là Cơ quan Khối cấp tỉnh) và ở các huyện, qua đó giảm được 27 đầu mối, 69 vị trí trưởng, phó phòng và tương đương. Cơ quan Khối cấp tỉnh vừa chuyên trách tham mưu, giúp việc chung vừa là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ, do vậy, hiệu quả hoạt động sẽ tốt hơn, khắc phục tình trạng “hành chính hóa”. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Ðọc khẳng định, việc thành lập Cơ quan Khối cấp tỉnh thể hiện quyết tâm chính trị cao, góp phần hoàn thiện hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, việc sáp nhập bộ máy Cơ quan Khối cấp tỉnh cần thận trọng, triển khai từng bước, vừa làm vừa điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, nhất là trong công tác lãnh đạo chỉ đạo. Cấp ủy địa phương cần chủ động, chỉ đạo chung đối với Cơ quan Khối địa phương để tạo sự thống nhất, thông suốt.

Tại TP Ðà Nẵng, TCBM của các ÐVSNCL trước kia rất cồng kềnh, biên chế lớn, nhưng nay qua sắp xếp cũng trở nên gọn nhẹ, hoạt động tốt hơn. Giám đốc Sở Y tế Ðà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết, vừa qua, năm đơn vị ngành y tế thực hiện tự chủ về chi thường xuyên từ nguồn thu các dịch vụ y tế theo quy định, nhờ đó, ngân sách nhà nước giảm chi trả lương cho 1.956 người. Sở đã thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở hợp nhất sáu đơn vị thuộc lĩnh vực y tế dự phòng và đặc thù, qua đó giảm hàng chục lao động gián tiếp, trung gian như hành chính, kế toán, văn thư, bảo vệ…, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, tổ chức thống nhất bộ máy trung tâm y tế quận, huyện đa chức năng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực giữa điều trị và dự phòng. Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo Ðà Nẵng Nguyễn Ðình Vĩnh cũng cho biết, Sở đã sáp nhập được tám trung tâm thành ba trung tâm. Qua gần hai năm hoạt động, cho thấy hoạt động chuyên môn khoa học, hợp lý hơn, tinh thần cán bộ, giáo viên phấn khởi, thu nhập cải thiện rõ rệt.

Có thể thấy, các mô hình đã triển khai tại Nghệ An, Quảng Ninh, Ðà Nẵng và nhiều nơi trong cả nước, đều cho thấy sự cần thiết và tính cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, sắp xếp TCBM của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, kết quả công việc mới dừng lại ở bước đầu do chưa quan tâm giải quyết những vấn đề mang tính chiều sâu.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất