Khắc phục tình trạng bộ máy mới, cơ chế cũ
Trao đổi với chúng tôi, những người làm công tác tổ chức ở cơ sở đều cho rằng, sau sắp xếp, có sự xáo trộn nhất định về tổ chức, việc kiện toàn chức năng nhiệm vụ có thể gây khó khăn bước đầu cho người mới, nhưng nhiều văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn của Trung ương về chức năng, nhiệm vụ TCBM, chế độ, phụ cấp... chưa thay đổi kịp tình hình thực tiễn.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An Trần Quốc Trung cho rằng, xây dựng vị trí việc làm là căn cứ khoa học quan trọng giúp bộ máy vận hành trơn tru sau sắp xếp. Tuy nhiên, các bộ lại chưa có thông tư hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) thuộc ngành, lĩnh vực (trừ giáo dục phổ thông và mầm non). Cho nên sau sắp xếp, có câu chuyện người làm việc “dẫm chân” nhau, hoạt động cầm chừng vì chưa biết mình sẽ được phân công làm gì, “đi” hay “ở”. Hay như Nghị định số 92/NĐ-CP (ngày 22-10-2009) và Nghị định số 29/NĐ-CP (ngày 8-4-2013) của Chính phủ về thực hiện sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ công chức xã, thị trấn, qua thực tiễn hiện nay không còn phù hợp, như: số lượng biên chế văn phòng - thống kế, địa chính, xây dựng - môi trường, tài chính - kế toán, tư pháp - hộ tịch… nhiều, trong khi một số chức danh quan trọng lại không được cơ cấu công chức, chuyên trách như: văn phòng đảng ủy, chủ nhiệm (hoặc phó chủ nhiệm) ủy ban kiểm tra đảng ủy.
Bên cạnh đó, một số văn bản hướng dẫn của bộ, ngành cần nghiên cứu sửa đổi để bảo đảm phù hợp thực tiễn hơn. Thí dụ, hiện nhiều nơi sáp nhập “ngang” các trường học để tinh giản biên chế, tức là nhập các trường cùng cấp với nhau, nhưng việc này sẽ khó giảm biên chế và dễ nảy sinh những vấn đề phức tạp trong công tác cán bộ do các trường nằm trên địa bàn xã, phường khác nhau. Theo kinh nghiệm của thị xã Cửa Lò (Nghệ An), việc sáp nhập “dọc” để hình thành trường phổ thông liên cấp (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) trên cùng địa bàn xã, phường, không chỉ giải quyết vấn đề biên chế, mà còn bổ sung biên chế cho những nơi thiếu, nhất là bậc tiểu học và mầm non, công tác quản lý nhà nước cũng thuận lợi hơn, hạn chế phát sinh vướng mắc.
Bên cạnh đó, do vận dụng máy móc các quy định, việc sắp xếp bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính nhiều nơi còn mang tính chất lắp ghép cơ học mà bỏ qua các yếu tố, sự phù hợp về con người, điều kiện tự nhiên, văn hóa, kinh tế - xã hội ở cơ sở. Thí dụ, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, là cơ sở quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy hành chính ở cơ sở. Trong đó, nêu rõ tiêu chuẩn của xã về quy mô dân số: xã miền núi, vùng cao từ 5.000 người trở lên, xã khác từ 8.000 người trở lên; về diện tích tự nhiên: xã miền núi, vùng cao từ 50 km2 trở lên, xã khác từ 30 km2 trở lên. Tại nhiều địa phương, phần lớn các xã đều chỉ đáp ứng nhiều nhất 50% tiêu chuẩn với tiêu chí về dân số hoặc diện tích, thậm chí nhiều xã không đáp ứng đủ cả hai tiêu chí, cần sáp nhập để khắc phục yếu kém, nâng cao sức chiến đấu của hệ thống chính trị ở cơ sở. Tuy nhiên, với từng trường hợp cụ thể, nếu không cẩn trọng, việc sáp nhập có thể phát sinh những bất ổn. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Diễn Châu (Nghệ An) Hoàng Xuân Luyện cho biết, huyện có 39 xã, thị trấn và nếu chiếu theo tiêu chuẩn cấp xã thì không có xã nào ở đây đạt cả hai tiêu chí, cho nên theo đề án sắp xếp TCBM của huyện, đến năm 2030, sẽ giảm 30 xã, chỉ còn lại chín xã. Tuy là huyện đồng bằng ven biển, nhưng có cả xã miền núi, vùng bán sơn địa, với hơn 30 nghìn đồng bào theo đạo (khoảng 10% dân số huyện). Sau sáp nhập, cần phải xử lý nhiều bất cập phát sinh khi có sự khác biệt về văn hóa, kinh tế - xã hội, trình độ nhận thức, điều kiện tự nhiên… Ở nhiều huyện của Nghệ An, có những xã diện tích gần bằng cả một tỉnh đồng bằng, dân thưa, khi sáp nhập, chắc chắn việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Còn về cơ sở vật chất, nếu sáp nhập nhiều xã làm một, thì trụ sở cơ quan làm việc, nhà văn hóa xã... có được xây mới để bảo đảm cho hoạt động không, trong khi cơ sở vật chất cũ lại dư thừa mà chưa có phương án sử dụng? Ngay cả việc sáp nhập trường học, thì địa điểm trường đặt ở xã nào cũng là vấn đề bởi nhiều người không muốn con em phải đi học xa, học ở “đất khác”... Những vấn đề cụ thể này nếu không có chính sách, hướng dẫn rõ ràng thì rất khó cho cơ sở thực hiện.
Một trong những giải pháp quan trọng để tinh gọn TCBM, tinh giản biên chế của ĐVSNCL là tăng cường tự chủ. Hiện nay, Nghệ An có 21 đơn vị sự nghiệp bảo đảm chi thường xuyên, nhà nước không phải cấp ngân sách cho 4.334 biên chế của những đơn vị này. Tuy nhiên, Phó Trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An Võ Thị Minh Sinh cho rằng, các chính sách hiện hành chưa đủ mạnh để khuyến khích các nơi thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, nhất là việc xác lập cơ chế minh bạch hóa đối với dịch vụ sự nghiệp công theo nguyên tắc thị trường, hay chưa phân biệt rõ phí sử dụng dịch vụ công mà người dùng phải trả với giá thành dịch vụ công. Bên cạnh đó, việc lấy mức kinh phí huy động được ngoài ngân sách làm căn cứ để giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp như hiện nay là chưa phù hợp. Ngoài ra, đối với đơn vị sự nghiệp có đủ điều kiện chuyển sang đơn vị tự chủ vẫn chậm thực hiện do tâm lý trông chờ ngân sách, biên chế của Nhà nước, hoặc sợ rủi ro vì chịu tác động tâm lý của người dân, thí dụ đơn vị cấp huyện hoạt động trong lĩnh vực y tế. Hơn nữa, vẫn chưa có cơ chế rõ ràng để tách phần dịch vụ ra khỏi chức năng quản lý nhà nước; quy định điều kiện kinh doanh với một số ngành, nghề, lĩnh vực hạn chế sự tham gia của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước; Nhà nước vẫn làm những việc mà doanh nghiệp, các tổ chức tư nhân có thể làm được.
Việc sắp xếp TCBM cần có lộ trình, nhưng những việc đã rõ phải thực hiện ngay để tránh nảy sinh tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, đó là tư tưởng trì trệ, ngại đổi mới, thậm chí cản trở, gây khó khăn trong quá trình sắp xếp. Tuy mới có chủ trương sắp xếp, nhưng một bộ phận cán bộ đã bị tác động, tâm lý lo lắng do sắp xếp dôi dư, ảnh hưởng đến chất lượng công việc và có thể xảy ra tình trạng kiến nghị, khiếu nại trên diện rộng. Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Thị Dung cho biết, quá trình triển khai, dư luận vẫn băn khoăn, suy nghĩ việc nhất thể hóa có dẫn đến chuyên quyền độc đoán, làm mất đi vai trò lãnh đạo, kiểm tra của Đảng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là phải có cơ chế, thể chế để kiểm soát quyền lực, cụ thể hóa những nguyên tắc khi hợp nhất, nhất thể hóa, phân công rõ đối tượng chứ không phải sáp nhập kiểu cơ học.
Thực tế cho thấy, có nơi cán bộ bị xử lý kỷ luật do thiếu dân chủ trong chỉ đạo điều hành, dẫn đến vi phạm quy định quản lý, gây thất thoát, lãng phí. Năm 2016, hàng loạt cán bộ chủ chốt của xã Đồng Rui (Tiên Yên, Quảng Ninh) bị kỷ luật vì lạm quyền, bớt xén tiền bảo hiểm của người dân. Khi được giao nhiệm vụ về xã công tác sau vụ việc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồng Rui Đoàn Văn Tuyến chia sẻ, trước tình hình người dân đang dần mất niềm tin vào cán bộ, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết nhằm chấn chỉnh công tác đảng, đồng thời bố trí thường xuyên dự sinh hoạt tại các chi bộ để nắm tư tưởng đảng viên, tâm tư quần chúng, tìm hướng giải quyết những vấn đề bức xúc. Đảng ủy xã cũng kiên quyết điều chuyển các đồng chí đã được bồi dưỡng, kèm cặp mà không tiến bộ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trong quá trình tìm hiểu, làm việc với cán bộ lãnh đạo tỉnh, thành phố và các sở, ban, ngành chức năng của các tỉnh, thành phố Nghệ An, Quảng Ninh, Đà Nẵng, chúng tôi thấy rõ những lo âu về một số vấn đề chưa có lời giải. Đáng chú ý là, chính sách đối với những cán bộ dôi dư sau sắp xếp, tinh giản; hệ thống trụ sở làm việc sẽ được sử dụng ra sao để tránh lãng phí sau khi sáp nhập… Hơn nữa, khi sáp nhập hai cơ quan của Đảng và chính quyền, sáp nhập các đơn vị chuyên môn của các xã miền núi, đồng bằng, thì phương thức hoạt động cũng chưa được cụ thể hóa, chưa được thống nhất, dễ gây vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ.
Sắp xếp gắn với đổi mới công tác cán bộ, quản lý tài chính
Thực tiễn cho thấy, việc sắp xếp TCBM, nhất là ở cơ sở, cần đặt trong tổng thể gắn với đổi mới công tác cán bộ, cơ chế quản lý tài chính và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mới có thể phát huy hiệu quả.
Trong công tác cán bộ, cần kết hợp đúng đắn chế độ tập thể lãnh đạo với phát huy vai trò, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Những đánh giá, nhận xét về cán bộ phải được cấp ủy thảo luận dân chủ và quyết nghị tập thể. Kiên quyết khắc phục tình trạng chuyên quyền, lấy danh nghĩa quyết nghị tập thể để quyết định các vấn đề trong công tác cán bộ. Qua đó, cũng cần xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá đa chiều theo hướng lượng hóa từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong, có nhiều người cùng tham gia đánh giá: cấp trên trực tiếp, đồng nghiệp cùng một chức vụ, nhân viên dưới quyền, đơn vị cơ sở, nhân dân và bản thân người được đánh giá. Các cơ quan, đơn vị cần đánh giá, phân loại cán bộ thường xuyên, liên tục để làm căn cứ cho quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, tinh giản biên chế.
Bên cạnh đó, đổi mới chế độ thi tuyển công chức, viên chức theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, đáp ứng các tiêu chí trong tình hình mới; sửa đổi, ban hành cơ chế chính sách đào tạo, bồi dưỡng gắn với trách nhiệm (kể cả trách nhiệm vật chất) và hiệu quả đóng góp sau đào tạo. Trong bối cảnh sắp xếp lại TCBM, nhiều quy định về tiêu chuẩn, chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ, các quy định về phân cấp quản lý cán bộ, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử, luân chuyển, thay thế cán bộ sẽ không còn phù hợp, cho nên cần sớm nghiên cứu xây dựng các quy định mới phù hợp hơn.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách, cần nghiên cứu xây dựng hệ thống định mức phân bổ ngân sách mới cho các đơn vị sự nghiệp theo hướng dựa vào kết quả “đầu ra” hoặc đơn giá khối lượng công việc, đặt hàng cung cấp dịch vụ công; khoán kinh phí cho các hội đặc thù trên cơ sở nhiệm vụ được giao, khoán kinh phí đối với các chức danh không chuyên trách cấp xã, khuyến khích thực hiện kiêm nhiệm chức danh, từ đó có điều kiện nâng cao thu nhập cho đội ngũ này, bảo đảm tương quan hợp lý với thu nhập của công chức xã. Bên cạnh đó, tăng cường xã hội hóa, áp dụng mô hình đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công nhằm cơ cấu lại đầu tư, đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng chính sách đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực.
Tại nhiều nơi, nhu cầu cho các chính sách an sinh xã hội vẫn còn lớn, cho nên việc tiết kiệm chi thường xuyên do tăng cường mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp vẫn chưa thể thay đổi cơ cấu chi ngân sách theo hướng giảm chi thường xuyên, tiến tới tăng chi đầu tư phát triển. Hiện nay, việc ban hành giá dịch vụ còn phải thực hiện theo lộ trình và chưa rõ ràng, nhất là học phí trong lĩnh vực giáo dục dạy nghề chưa rõ kết cấu chi phí, vì thế, ngân sách vẫn đang phải cấp kinh phí chi thường xuyên cho các đơn vị này. Để đẩy mạnh cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL, cần xác định mức độ tự chủ trên cơ sở các khoản thu phí, lệ phí, thu sự nghiệp. Phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước với chức năng thực hiện dịch vụ công và các loại dịch vụ, thực hiện nghiêm lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định, chuyển đổi mô hình hoạt động và cổ phần hóa một số đơn vị sự nghiệp, có thể thí điểm thi tuyển hoặc thực hiện thuê giám đốc điều hành tại những nơi này.
Việc thực hiện đổi mới, sắp xếp TCBM của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề khó, phức tạp và nhạy cảm, liên quan quyền lợi, tâm tư, uy tín của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Vì thế, đòi hỏi đặt ra là từng bước khắc phục vướng mắc, khó khăn, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất ý chí và hành động từ tỉnh tới cơ sở, mở rộng dân chủ trong thảo luận phương án sắp xếp, đổi mới.
Tuy nhiên, để đồng bộ được các giải pháp trong quá trình thực hiện, nhiều nơi đề xuất các cấp thẩm quyền kịp thời ban hành các quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan tham mưu, giúp việc khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện và để thay thế ngay các quy định cũ không còn phù hợp sau khi sáp nhập. Có như vậy, mới bảo đảm mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Theo Nhân dân