Thứ Năm, 12/12/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Chủ Nhật, 14/10/2018 9:23'(GMT+7)

Công khai thi tuyển là liều thuốc chống “chạy chức, chạy quyền”

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Thời gian qua những bất cập trong tổ chức, điều hành, quản lý ở các cấp độ; cơ chế kiểm soát quyền lực chưa được tối ưu hóa làm cho quyền lực dễ bị lợi dụng, tình trạng “chạy chức, chạy quyền” có cơ hội nảy sinh và diễn biến phức tạp.

Để hạn chế tình hình này, Ban Tổ chức Trung ương đang tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo Tờ trình, Quy định của Bộ Chính trị về Kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ.

Trao đổi với phóng viên VOV-PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, để kiểm soát quyền lực và chống chạy chức chạy quyền cần sự quyết tâm cao và kiên trì; đồng thời phải công khai thi tuyển các chức vụ.

PVThưa ông, Bộ Chính trị chuẩn bị trình Quy định cụ thể Kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Ông đánh giá gì về dự thảo Quy định lần này?

PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn: Tham nhũng trong công tác cán bộ là khó phát hiện nhất, chạy chức chạy quyền mua quan bán chức là khó phát hiện vì người chạy và người bán hay mua không ai biết được ngoài họ ra. Tuy rất khó phát hiện nhưng không phải khó mà chúng ta không làm. Bây giờ chúng ta đã xây dựng quy định để chống chạy chức chạy quyền đó chính là quy định cụ thể về kiểm soát quyền lực với tinh thần bất cứ ai, bất cứ tổ chức, cá nhân được trao quyền lực đều phải bị kiểm soát. Ai làm không tốt, làm méo mó đi vì động cơ vụ lợi thì phải xử lý.

Trước đây chúng ta cứ nói trong công tác cán bộ có chạy chức chạy quyền là vấn đề nhạy cảm thì bây giờ đã đụng đến cả vấn đề nhạy cảm, quy định rất rõ có trách nhiệm, quyền hạn, những dấu hiệu của người vi phạm và các biện pháp để xử lý, thậm chí thành lập cả đoàn kiểm tra để kiểm soát chế độ báo cáo trách nhiệm của chủ thể tiến hành giám sát cán bộ đều được đề cập đến.

Tôi cho rằng đó là hướng tốt còn trong quá trình tổ chức thực hiện phải có dũng khí vì đụng đến vấn đề kiểm tra giám sát kiểm soát quyền lực là đụng đến người có chức có quyền, đã là người có chức có quyền thì càng không dễ dàng.

Cho nên tôi cho rằng, quy định là một chuyện nhưng chuyện đi vào cuộc sống là phải có nơi, tổ chức, cơ quan phải miễn dịch với vấn đề tiêu cực. Khi họ tiến hành thanh tra, kiểm tra họ không phải lo lắng gì đến việc bị trả thù, trù úm. Đấy là những vấn đề lớn, nếu không sẽ không có tính khả thi, tức là người đi thanh tra, kiểm tra mà ngại, thậm chí còn sợ thì khó mà đi vào cuộc sống được.

PVCó thể thấy, “gốc gác” để nảy sinh hư hỏng của đội ngũ cán bộ là cơ chế “xin - cho”. Do đó, phải chống cho được cơ chế xin - cho. Vậy giải pháp căn cơ trong việc giám sát chặt chẽ quyền lực như thế nào?    

PGS. TS Nguyễn Minh Tuấn: Chúng ta phải bịt bằng cơ chế, làm sao để không xin, không cho được. Ví dụ quy hoạch là tập thể, sau quy hoạch phải đào tạo bồi dưỡng có kế hoạch và kế hoạch do tập thể quyết định nên không thể giao quyền cho một người nào đó. Tập thể quyết định sau đó công khai, đã công khai rồi thì cứ thế mà thực hiện như thế sẽ không có kẽ hở để lợi dụng mà xin mà cho. Tập thể không có kế hoạch không quy định thì không thể xin được vì không có quy định nào hở để mà xin. Cho nên việc đầu tiên là cần bịt kẽ hở đó bằng các quy chế, quy định. Sai đến đâu thì sửa đến đấy, hở ở đâu thì bịt ở đấy, do đó phải hoàn thiện hàng loạt các quy định về công tác cán bộ.

Trong văn bản này tôi thấy đã nêu khá đầy đủ về các nội dung phải công khai, các quy định về chế độ trách nhiệm rất rõ ràng cụ thể.

PVMuốn kiểm soát quyền lực thì phải bằng thể chế, hay nói cách khác thể chế đó phải được cụ thể hóa bằng pháp luật. Vậy theo ông pháp luật của chúng ta đã đủ để “bịt” các “kẽ hở” hay chưa?

PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn: Có thể nói là gần như không bao giờ. Bởi vì thực tiễn cuộc sống luôn luôn vận động. Những loại văn bản pháp luật dù có chặt chẽ đến mấy nhưng trong quá trình thực hiện sẽ có kẻ tìm ra kẽ hở. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải nhanh chóng phát hiện tìm ra để "bịt".

Vấn đề chính là kỷ cương phải nghiêm. Trách nhiệm của các đảng viên, nhân dân phải chung sức vào để chống. Nếu chỉ "kêu" mà không có động thái gì thì xã hội không thể phát triển. Tất cả các quốc gia nào cũng có luật pháp và tôn trọng luật pháp, luật pháp muốn xây dựng tốt phải xin ý kiến của toàn dân, tranh thủ ý kiến của các nhà khoa học. Sau này trong quá trình thực hiện có vấn đề gì thì sẽ tiếp tục bổ sung.

PVTheo ông, cơ chế nào để kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ?

PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn: Việc đầu tiên là cần hoàn thiện hàng loạt các quy trình, quy định. Và theo đó các quy trình phải chặt chẽ rõ ràng, rõ trách nhiệm, rõ quyền hạn từng người một, từng khâu một.

Thứ hai là phải công khai đối với tất cả các đối tượng, mức độ phải công khai rộng ra như thi tuyển các chức việc trong cơ quan thì phải công khai ra xã hội. Còn công tác quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo cán bộ trong đơn vị thì cần công khai trong cơ quan để ai cũng biết để họ còn kiểm tra giám sát.

Thứ ba khi phát hiện ra rồi thì phải có cơ quan thanh tra, kiểm tra, và khi đã thanh kiểm tra thì phải có xử lý. Trách nhiệm báo cáo, trách nhiệm giải trình của người được giao. Hàng loạt việc phải làm thì chắc chắn công việc sẽ đi vào nề nếp hơn, không còn là vùng kín, vùng nhạy cảm nữa.

PVÔng kỳ vọng gì về Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền khi được thông qua?

PGS, TS Nguyễn Minh Tuấn: Toàn Đảng đang rất quyết tâm, quyết liệt và kiên trì để chống tham nhũng nói chung và tham nhũng trong công tác cán bộ nói riêng và những khởi động thế này chắc chắn sẽ đem lại hình ảnh mới, cách làm mới và những điều người dân rất mong đợi vào Đảng và trong công tác cán bộ là điều mong đợi nhiều nhất.

Tôi cũng rất tin tưởng quy định này khi ban hành sẽ lan tỏa tới người dân, cán bộ đảng viên và chúng ta cũng phải chung tay vào để nâng cao phát hiện tham nhũng và dư luận phải mạnh mẽ lên án mạnh mẽ việc chạy chức chạy quyền, coi là hành vi rất xấu, rất đáng xấu hổ. Những người có liêm sỉ khi xã hội lên án thì chắc chắn sẽ hạn chế được.

PVXin cảm ơn ông./.

 Theo VOV

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất