Thứ Ba, 26/11/2024
Đảng trong cuộc sống hôm nay
Thứ Sáu, 11/9/2015 14:50'(GMT+7)

85 năm thành lập đảng bộ tỉnh Thanh Hóa: Chung sức xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh

Cầu Hàm Rồng thành phố Thanh Hóa.

Cầu Hàm Rồng thành phố Thanh Hóa.

Sau một thời gian chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức, ngày 29 tháng 7 năm 1930 tại làng Yên Trường (xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân), Hội nghị hợp nhất 3 Chi bộ Đảng đầu tiên (Hàm Hạ - Đông Sơn, Thiệu Hóa, Thọ Xuân) để thành lập Đảng bộ Thanh Hóa. Sự ra đời và hoạt động của Đảng bộ Thanh Hóa là bước ngoặt trọng đại trong phong trào cách mạng của tỉnh nhà. Kể từ đây, phong trào cách mạng trong tỉnh gắn liền với vai trò của Đảng bộ Thanh Hóa, với phong trào cách mạng cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, ngày 29/7/1930 trở thành ngày truyền thống của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa.

Vừa mới được thành lập, Đảng bộ tỉnh đã phải đương đầu trước sự truy lùng, vây hãm và khủng bố gắt gao của mật thám và tay sai; Đảng bộ tỉnh đã nhiều lần bị chính quyền thực dân phong kiến tiến hành khủng bố trắng, hầu hết cán bộ, đảng viên và một bộ phận quần chúng cách mạng bị giặc bắt và tù đầy…. Song tinh thần của những chiến sỹ cộng sản trung kiên không chịu khuất phục, vẫn một lòng son sắt trung thành với Đảng, dựa vào dân để hoạt động, liên tục đấu tranh để khôi phục lại Đảng. Kết quả, sau nhiều lần đấu tranh thì tháng 3 năm 1934, Đảng bộ Thanh Hóa được phục hồi, tiếp tục lãnh đạo quần chúng cách mạng đấu tranh chống phát xít và nguy cơ chiến tranh thế giới, chống áp bức bóc lột, đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939). Năm 1941, Chiến khu du kích Ngọc Trạo được thành lập, đỉnh cao của phong trào phản đế cứu quốc, chuẩn bị mọi mặt, khi thời cơ đến, lãnh đạo toàn dân vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 - mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc.

Cách mạng tháng Tám thành công chưa được bao lâu thì thực dân Pháp lại dã tâm xâm chiếm nước ta một lần nữa. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa vừa kháng chiến, vừa "xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu" là "hậu phương" của cuộc kháng chiến, thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ trong lần đầu tiên Người về thăm Thanh Hóa (20/2/1947). Xác định nhiệm vụ, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa quyết tâm phấn đấu xây dựng chế độ dân chủ nhân dân phát triển toàn diện tạo ra tiềm lực vật chất cũng như tinh thần để cung cấp, động viên các chiến trường đang chiến đấu. Cùng với nhiệm vụ cung cấp lương thực, thực phẩm cho các chiến trường, quân và dân Thanh Hóa  tổ chức chiến đấu bảo vệ tiềm lực hậu phương, đập tan các cuộc càn quét, lấn chiếm của địch từ mọi hướng vào Thanh Hóa như "hành lang Đông - Tây", "phòng tuyến Sông Mã", giải phóng miền Tây, bảo vệ vững chắc hậu phương trong mọi tình huống, cùng với quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa vinh dự và tự hào được Bác Hồ khen ngợi: "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu thì tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên phủ đến đâu, thì đồng bào Thanh Hóa có phần vinh dự đến đó". 

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, lịch sử lại đặt ra tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Là địa phương thuộc miền Bắc, Thanh Hóa vừa khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa tiến hành cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm tạo ra tiềm lực vật chất, tinh thần to lớn đáp ứng yêu cầu chiến đấu bảo vệ chủ nghĩa xã hội, bảo vệ hậu phương, chi viện cho các chiến trường giành thắng lợi.

Hơn hai mươi năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù phải tập trung khôi phục kinh tế, "hàn gắn vết thương chiến tranh", vừa lo chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, đồng thời trực tiếp chiến đấu để bảo vệ đất nước, quê hương thân yêu. Đảng bộ Thanh Hóa đã lãnh đạo quân và dân tỉnh nhà chiến đấu 10.158 trận lớn nhỏ, bắn rơi 376 máy bay, bắt sống 36 giặc lái, bắn cháy 57 tàu chiến của Mỹ. Những địa danh như Hàm Rồng, Đò Lèn, Lạch Trường, Phà Ghép đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người dân Thanh Hóa trong cuộc chiến đấu không cân sức với đế quốc Mỹ. Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã làm tròn trách nhiệm "hậu phương lớn" của mình, tiễn đưa hàng vạn người con thân yêu lên đường vào Nam chiến đấu, trong đó có nhiều người anh dũng hy sinh, nhiều người để lại một phần xương máu trong chiến trường,… Những đóng góp và hy sinh đó đã góp phần cùng quân và dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà vào năm 1975.

Sau chiến tranh (1975 - 1985), Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống, đẩy lùi sự bao vây cấm vận phá hoại của các thế lực thù địch, chi viện cho các cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, phía Bắc Tổ quốc bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi như Quảng Châu, sông Lý, sông Hoàng,… được xây dựng bằng lao động thủ công và sự đóng góp của nhân dân. Cùng với phát triển kinh tế đã tập trung xây dựng lại hệ thống trường học, bệnh viện, trạm xá, các công trình văn hóa, phúc lợi xã hội, văn hóa - xã hội phát triển; kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng hệ thống phòng thủ, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, đập tan chiến tranh phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ Thanh Hóa đã triển khai vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp, khơi dậy được tiềm năng lao động sáng tạo trong nhân dân, làm cho tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có bước phát triển vượt bậc: kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. 

Là một tỉnh có 7 huyện nghèo nhất nước, Thanh Hóa đã và đang tập trung phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo một cách bền vững, không để tái nghèo. Đồng thời với giải quyết vấn đề nông nghiệp, Đảng bộ đã quan tâm xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn. Bên cạnh đó, Đảng bộ tỉnh cũng chú trọng phát triển công nghiệp dịch vụ nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân góp phần xây dựng một tỉnh Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh.

Với sự đổi mới và nâng cao năng lực lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phóng, an ninh…lần đầu tiên trong 10 năm gần đây (2004-2014), các chỉ tiêu đều vượt và hoàn thành kế hoạch. Trong đó, nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,6%, vượt kế hoạch đề ra và cao hơn so với nhiều năm trước. (Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2015 đạt 9.9% ). Sản xuất nông nghiệp giành thắng lợi lớn, năng suất lúa và sản lượng lương thực đạt cao nhất từ trước đến nay, tổng sản lượng lương thực đạt 1.737 nghìn tấn. 

Chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào sâu rộng và đạt kết quả tích cực, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; đến nay đã có 45 xã và 6 bản đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân các xã đạt 11,7 tiêu chí/xã. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá, giá trị sản xuất tăng 12,4% so với cùng kỳ. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể, các chỉ số đánh giá năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp đều có bước tăng cao và nằm trong Tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước, như: Chỉ số hội nhập kinh tế quốc tế (PEII): xếp thứ 6, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): xếp thứ 8, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI): xếp thứ 9 cả nước. Nhiều dự án lớn, có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng, như: sân golf và khu nghỉ dưỡng quốc tế FLC tại Sầm Sơn, đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa, cầu Thắm, cầu Bút Sơn, Cảng hàng không Thọ Xuân…  

Phát huy những thành quả đạt được trong sự nghiệp đổi mới, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2015 là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; tranh thủ thời cơ, vận hội mới, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 11,7% trở lên; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020. Phần  đấu GDP bình quân đầu người đạt 1.520 USD; sản lượng lương thực đạt 1,6 triệu tấn trở lên; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,150 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 108.000 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 7.003 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 63.000 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 55%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3% trở lên; phấn đấu có 45% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh. 

85 năm xây dựng và trưởng thành, vượt qua biết bao khó khăn, thử thách; được rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, Đảng bộ tỉnh đã không ngừng lớn mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu mạnh, Hành động cách mạng đó đã được thể hiện trong Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại Đại hội lần thứ XVIII (2015-2020) đã xác định: “Tiếp tục Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tranh thủ thời cơ, vận hội mới, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phấn đấu đến năm 2020 Thanh Hóa trở thành tỉnh tiên tiến, đến năm 2025 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Để hoàn thành được mục tiêu đó, Đảng bộ tập trung thực hiện thắng lợi 5 chương trình trọng tâm: Chương trình phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp; chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi; chương trình phát triển du lịch; chương trình đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực… chọn các đột phá và không ngừng Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị…tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. 

Phát huy truyền thống vẻ vang 85 năm kể từ ngày thành lập Đảng bộ, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Thanh Hóa đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, tạo động lực để xây dựng quê hương Thanh Hóa ngày càng giàu mạnh, văn minh./.

TS. Hoàng Bá Tường -Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất