Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 8/10/2008 13:13'(GMT+7)

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị ở Lạc Thủy

Huyện Lạc thuỷ là huyện miền núi thấp của tỉnh Hoà Bình, nằm ở phía Đông nam và là cửa ngõ ra vào giữa đồng bằng Bắc bộ với vùng núi của tỉnh. Diện tích tự nhiên là 293 km2, có 12 xã và 1 thị trấn, dân số trên 51 nghìn người, có 2 dân tộc cùng chung sống là dân tộc Kinh chiếm 66,3% và dân tộc Mường chiếm 33,7%. Đảng bộ huyện Lạc Thuỷ có 45 chi, đảng bộ trực thuộc với trên 3.500 đảng viên, trong đó có 13 đảng bộ xã, thị trấn và 32 chi, đảng bộ khối cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và lực lượng vũ trang. Điều kiện vị trí thuận lợi, KT-XH huyện Lạc Thủy phát triển khá. Tổng giá trị sản xuất ước thực hiện 141.268 triệu đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2007; thu nhập bình quân đầu người là 4, 32 triệu đồng/người, tăng 33,7% so với cùng kỳ; bình quân lương thực đạt 33 kg /người /tháng. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định. Toàn huyện đã thu hút 5 dự án đầu tư ngoài tỉnh vào địa bàn. Ngoài ra, còn 4 doanh nghiệp đang hoàn thiện thủ tục xin cấp phép đầu tư. Việc xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn bản sắc văn hoá và các phong tục tập quán lâu đời của đồng bào dân tộc được bảo tồn và phát huy. Bên cạnh những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, còn đó những hủ tục lạc hậu, những biểu hiện thiếu lành mạnh, kém văn minh tồn tại và đang nảy sinh trong thực tế đời sống của người dân.

Ngay sau khi có Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), Chỉ thị 14-CT/TTg ngày 28/03/1998 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 20-CT/TU, ngày 17/4/1998 của Tỉnh ủy Hòa Bình, các cấp uỷ đảng, chính quyền và đoàn thể trong huyện đã xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết TW 5 (khoá VIII) và kết luận Hội nghị lần thứ 10 (khoá IX) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, HĐND huyện đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/HĐ ngày 10/4/1999 về việc ban hành quy ước việc cưới, việc tang và lễ hội của huyện Lạc Thuỷ. Đồng thời, tổ chức hội nghị, hội thảo việc cưới, việc tang nhằm khảo sát đánh giá tình hình và đưa ra các giải pháp chỉ đạo có hiệu quả ở địa phương. Đến nay, 100% các chi đảng bộ, các cơ quan, đơn vị đã tổ chức quán triệt tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong huyện. Phòng VHTT-TT đã chủ động xây dựng chương trình, nội dung, thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, hệ thống cổ động trực quan, tổ chức xây dựng các tiết mục VHVN biểu diễn trong các chương trình hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng tạo điều kiện cho nhân dân tiếp cận, hiểu sâu sắc hơn việc tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội một cách lành mạnh, tiến bộ phù hợp với các quy định của Đảng và Nhà nước.

Từ nhận thức đúng đắn của các cấp uỷ đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện, sau 10 năm tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, hình thức tổ chức việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện Lạc Thuỷ đã phát huy các yếu tố tích cực mang đậm bản sắc văn hoá của từng dân tộc và phù hợp với nếp sống văn minh, lành mạnh, tiến bộ. Trong việc cưới, hơn 95% các thôn, bản, khu dân cư, các cơ quan, đơn vị dã xây dựng chương tình kế hoạch cụ thể để thực hiện như: các cơ quan, đơn vị, các ngành đã xây dựng quy chế phối hợp; các thôn, bản, khu dân cư có quy ước, hương ước, nhất là có sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền nên các tệ nạn ép hôn “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, tảo hôn, thách cưới đã giảm, nhiều nơi được loại bỏ hoàn toàn một số hủ tục lạc hậu; nhiều phung tục tập quán rườm rà trong việc cưới được xoá bỏ đã rút ngắn thời gian từ 1 đến 2 ngày nay chỉ còn 1/2 đến 1 ngày. Nhiều xã, thị trấn làm tốt việc trao giấy chứng nhận kết hôn cho đôi năm nữ trân trọng, lịch sự và tiết kiện. Nghi thức cưới theo phong tục cổ truyền chỉ còn rút lại từ 2 đến 3 bước là dạm ngõ, ăn hỏi và cưới. Đặc biệt, về độ tuổi kết hôn đều thực hiện nghiêm chỉnh luật hôn nhân: năm từ 20 tuổi trở lên và nữ từ 18 tuổi trở lên, đã tạo điều kiện cho lớp thanh niên có thời gian học tập nghiên cứu và trưởng thành khi làm bố, làm mẹ. Nhiều địa phương các đoàn thể đã phát huy vai trò của mình trong việc thực hiện nếp sống văn minh như không có thuốc lá trong đám cưới đã giúp cho nhiều gia đình tiết kiệm được những khoản chi phí không cần thiết, điển hình các xã Yên Bồng, An Bình, Lạc Long, Phú Lão…

Về việc tang, kết quả lớn nhất trong việc thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ chính trị trong những năm qua là 100% các xã, thị trấn có những quy định cụ thể chi tiết trong việc tang. Nhân dân trong huyện đã có ý thức chấp hành các quy ước của thôn xóm và quy định của Pháp luật về báo tử, đồng thời tang lễ vẫn được tổ chức trang nghiêm chu đáo, thể hiện tình cảm thương tiếc của những người đang sống đối với người đã khuất. Hầu hết các đám tang đều thực hiện đúng những quy định về giữ gìn vệ sinh trong việc quàn thi hài theo Thông tư số 29-BYT/TT của Bộ y tế quy định không có đám tang nào để thi hài quá 30 giờ trong nhà. Đặc biệt, lễ cúng 3 ngày, 49 và 100 ngày được làm gọn nhẹ, không có tình trạng ăn uống linh đình trong đám tang, lễ viếng và các tập tục của địa phương đều có sự quản lý điều hành của ban lễ tang địa phương, không còn tình trạng khóc mướn, gọi hồn, đốt vàng mã, yểm bùa và các nghi lễ rườm rà khác. Các xã, thị trấn đếu có quy định cụ thể về thời gian tổ chức tang lễ, thời gian kèn trống và nhạc hiếu tránh gây ồn ào ảnh hưởng tới sinh hoạt ở nơi xung quanh. Đồng thời, có quy định khi địa phương và cơ sở có việc hiếu mọi gia đình ở đó sẽ đóng góp tiền hoặc gạo để hỗ trợ gia đình hiếu chủ trong lúc tang gia bối rối, việc làm này đã tạo điều kiện giúp đỡ cho gia đình hiếu chủ bớt khó khăn, đau buồn, cảm nhận được tình cảm đầm ấm, đoàn kết của cộng đồng. Hiện nay, 80% các thôn, bản khu dân cư đã mua sắm được các phương tiện cờ, trống, nhà quan, xe đưa tang giúp gia đình có người chết tổ chức tang lễ đúng quy định, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương. Trong tang lễ đều có đại diện đảng uỷ, chính quyền và các đoàn thể của địa phương tới thăm viếng và đưa tang đã biểu hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “nghĩa tử là nghĩa tận” và trở thành tiêu thức trong phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hoá trong toàn huyện.

Theo đánh giá của tỉnh Hoà Bình thì huyện Lạc Thuỷ là địa phương có nhiều khu di tích, đình, đền chùa và các hoạt động lễ hội diễn ra trong năm, đặc biệt là lễ hội chùa Tiên của xã Phú Lão là địa chỉ quen biết với du khách thập phương. Với vị thế đó, huyện Lạc Thuỷ đã xác định đây là một yếu tố quan trọng để phát triển du lịch, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong những năm qua, việc quán triệt và tổ chức các hoạt động của lễ hội đã đi vào nề nếp. Từ khi có Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị và thực hiện Nghị quyết 03/NQ-HU của Huyện uỷ về phát triển du lịch, UBND huyện đã có đề án phát triển du lịch huyện đến năm 2010 và định hướng đến năm 2015, đưa vào khai thác khu du lịch xã Phú Lão; thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch huyện, đầu tư cải tạo các hạng mục di tích và kết cấu hạ tầng; tăng cường quảng bá, chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ, kinh doanh buôn bán. UBND huyện và các ngành chức năng đã chỉ đạo đảng uỷ, chính quyền xã Phú Lão tổ chức ngày khai hội, rước bằng công nhận khu di tích vào ngày 4 tết âm lịch hàng năm. Việc tổ chức lễ hội diễn ra hàng năm đều thực hiện tốt các quy định theo quy chế lễ hội do Bộ văn hoá, thể thao – du lịch ban hành, đã góp phần đảm bảo vui tươi lành mạnh, tiết kiệm, đoàn kết trong cộng đồng, không có tình trạng lợi dụng tự do tín ngường để thực hiện mê tín dị đoan, tệ nạn cờ bạc trong lễ hội.

Tuy nhiên, trong những năm qua mặc dù đã đạt được kết quả đáng khích lệ, song việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyên Lạc Thuỷ vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục: Đối với việc cưới, một vài năm trở lại đây ở một số cơ sở, cơ quan, đơn vị đang có những biểu hiện không lành mạnh, việc thách cưới đều được quy ra tiền, tình trạng tổ chức đám cưới sang trọng, ăn uống linh đình, phô trương, lãng phí có chiều hướng gia tăng. Cách tổ chức đám cưới không được đổi mới, chủ yếu là ăn uống trả nợ miệng đang trở thành vấn đề tâm lý của mỗi gia đình, đám cưới ở nông thôn đã xuất hiện tình trạng thanh niên say rượu quậy phá. Về việc tang, đang có xu hướng phục hồi một số tập quán không lành mạnh, tình trạng phúng viếng bằng câu đối, bức trướng, vòng hoa quá nhiều gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, việc xây dựng lăng mộ nhiều nơi chưa có quy hoạch rõ ràng gây lãng phí về đất đai. Về lễ hội, công tác bảo vệ, vệ sinh môi trường ở lễ hội chưa được đảm bảo, việc lưu hành văn hoá phẩm có nội dung mê tín dị đoan, vàng mã trái phép chưa được ngăn chặn kịp thời. Một số nghi thức kỷ niệm những ngày lễ lớn, đón nhận dânh hiệu…tổ chức quá lớn gây tốn kém cho công quỹ và ngân sách nhà nước.

Để việc cưới, việc tang và lễ hội ở huyện Lạc Thuỷ được tiếp tục phát huy được hiệu quả hơn và kế thừa các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc. Trước hết phải phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của một số cấp uỷ, chính quyền và đoàn thể chính trị; sự phối kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá với cấp chính quyền và các đoàn thể ở địa phương trong tổ chức thực hiện các quy định về việc cưới, việc tang và lễ hội; cần nêu gương những điển hình tiên tiến trong việc thực hiện tốt các quy định của nhà nước, các quy ước, hương ước của địa phương, cơ quan, đơn vị về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, thiết thực hơn ngay cả việc tân gia, giỗ chạp, lễ tết… coi đây là một chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước và rất cần thiết phải được triển khai nhanh và mạnh hơn, từ Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị phải được cụ thể hoá bằng các quy định, quy ước, hương ước tại cộng đồng dân cư, đẩy lùi các hủ tục, các phong tục tập quán lạc hậu. Nhất là phải gắn các tiêu chí này vào việc thực hiện bước 2 cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và việc tổ chức học tập trong toàn Đảng và hệ thống chính trị 2 chuyên đề “Tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” và tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Có thực hiện được các vấn đề trên thị Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị mới tiếp tục đi vào cuộc sống của nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hoá lành mạnh trong cộng đồng dân cư, tiết kiệm được tiền của, thời gian công sức cho nhân dân và xây dựng nông thôn mới ở huyện miền núi Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình./.

 Nguyễn Quang Hưng
 Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoà Bình

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất