Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 8/10/2008 6:53'(GMT+7)

Nhà văn Marc Levy: “Đến Việt Nam, tôi thấy giấc mơ của mình đã trở thành hiện thực”

* PV: Đã từng thành công với nhiều lĩnh vực khác nhau vì lý do gì ông lại bị cuốn hút vào nghiệp viết văn?

* Nhà văn MARC LEVY: Tôi bước vào sự nghiệp viết văn khá tình cờ, ban đầu tôi viết cho đứa con 5 tuổi của mình. Hàng tối, sau khi con tôi đã đi ngủ, tôi bắt tay vào viết câu chuyện mà tối mai tôi sẽ phải kể cho nó nghe, và cứ đều đặn như vậy cho đến năm con tôi 9 tuổi. Một tối, cháu bảo với tôi rằng truyền hình hay hơn chuyện bố viết và tôi hiểu ra rằng thời kỳ viết truyện cho trẻ con của tôi đã chấm dứt. Từ đó, tôi nảy sinh ý nghĩ có phần hơi “điên rồ” chút là mình phải viết truyện mà khi con tôi lớn nó sẽ phải đọc nó. Và cuốn sách “Nếu em không phải giấc mơ” đã ra đời như vậy.

* Ngay từ cuốn sách đầu tiên “Nếu em không phải là giấc mơ” - đã được dịch sang 41 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt và đây cũng là cuốn sách được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Vậy bí quyết khi viết của ông là cảm xúc, ý tưởng hay chủ đề?

* Chính ý tưởng và chủ đề dẫn đến cảm xúc để viết. Tuy nhiên, nếu được chọn 1 trong 3 tiêu chí đó thì tất nhiên không có gì hơn là cảm xúc. Trong âm nhạc, hội họa... cũng vậy, cảm xúc luôn là yếu tố tiên quyết. Cảm xúc thì tồn tại không cần có lý do, không cần phương tiện hỗ trợ.

* Đã bao giờ ông nghĩ tới các giải thưởng lớn như Concour hay Nobel?

* Viết là một lãnh địa rộng lớn, nhưng viết luôn đòi hỏi người cầm bút phải có sự khiêm tốn. Viết vì mục đích giải thưởng theo tôi đó là cách viết thiếu trung thực. Hơn nữa, sự tự cao tự đại, đóng khung mình với các giải thưởng chính là phản bội lại sự tự do của người cầm bút. Các bức tượng luôn đưa lại cho tôi nhiều sự ngờ vực!

* Các tác phẩm của ông đều có chủ đề tình yêu, giả sử đến lúc nào đó, độc giả không còn yêu thích đề tài này nữa. Khi chủ đề này nhàm chán ông sẽ viết gì?

* Tôi không sợ cái ngày ấy. Bởi lẽ tôi có nhiều việc phải lo lắng hơn những cuốn sách của mình; vấn đề sức khỏe của những người mình thân yêu chẳng hạn...

* Tại Pháp, nhiều nhà phê bình đã xếp các tác phẩm của ông vào dòng sách thị trường, mang nặng tính thương mại. Vì lý do gì ông vẫn tiếp tục trung thành với dòng văn học mang tính lãng mạn giả tưởng của mình?

* Các nhà văn thì viết, các nhà phê bình thì làm công việc của mình là phê bình. Điều có ý nghĩa với tôi là các tác phẩm của mình được nhiều người đọc. Chính vì thế, khi đến với Việt Nam, điều làm tôi cảm động nhất đó chính là được nhìn thấy các cuốn sách của mình được dịch ra ngôn ngữ khác, được bày trên các giá sách và được bạn đọc yêu thích. Tôi nghĩ rằng đây mới thực sự là một giấc mơ đã trở thành hiện thực.

* Hiện, 7/8 cuốn sách của ông đã được dịch ra tiếng Việt. Ông có cảm thấy hài lòng với cách trình bày và số tiền tác quyền thu được từ cuốn sách?

* Tôi nhận được nhiều thư điện tử của các bạn ở Việt Nam và tôi vô cùng cảm động vì không nghĩ rằng cái mình viết lại được dịch sang một ngôn ngữ khác và được nhiều độc giả đón đọc và yêu thích đến như vậy. Còn về tác quyền, tôi không quan tâm nhiều đến vấn đề tiền nong, điều tôi trân trọng hơn cả là các tác phẩm của mình đã được dịch và xuất bản tại đây. Tôi cảm ơn các độc giả Việt Nam đã độ lượng đọc các tác phẩm của tôi.

Tôi thường rất tránh các câu hỏi về đời tư, song lần này lại hoàn toàn khác. Tôi có thể vui mừng chia sẻ với các bạn một bí mật của tôi, chính Việt Nam là nơi tôi đã chọn cho tuần trăng mật của mình.

* Trong số 8 tác phẩm của ông, đâu là quyển ông tâm đắc nhất?

* Tác phẩm tâm đắc nhất là tác phẩm tôi chưa viết ra.

* Cảm ơn ông. 
Theo
SGGP

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất