Thứ Hai, 25/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 21/11/2011 21:23'(GMT+7)

Cần có chính sách phù hợp để trọng dụng nhân tài

(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Ngay từ Đại hội VI, Đảng ta đã quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng nhân tài. 

Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: "Thực hiện đồng bộ chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng nhân tài khoa học công nghệ… Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có chính sách đặc biệt đối với nhân tài của đất nước. Coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Gắn bó mật thiết giữa Đảng và Nhà nước với trí thức, giữa trí thức với Đảng và Nhà nước".

Đây là một “bước tiến dài” của Đảng cả về nhận thức cũng như chiến lược phát huy vai trò của trí thức, của nhân tài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất quán tư tưởng trọng dụng và đãi ngộ đối với nhân tài.

Tuy nhiên, để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống còn cần rất nhiều sự nỗ lực phấn đấu trong tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành.

Hiện tại thì chính sách, chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc cho nhân tài của đất nước chưa thật hấp dẫn, chưa quy tụ, khuyến khích được hết nhân tài, trí thức say mê lao động sáng tạo vì sự chấn hưng đất nước.

Chính vì thế mà mặc dù nhân tài không thiếu, trí thức đông đảo, nhưng cống hiến cho đất nước còn rời rạc, thiếu liên kết chặt chẽ theo một định hướng chung vì nước, vì dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Những hạn chế đó có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do chính sách trọng dụng nhân tài còn có những bất cập, đòi hỏi các cấp, các ngành phải sớm khắc phục.

Ví dụ như làm gì, làm như thế nào để trọng dụng nhân tài trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế? Vấn đề này được đặt ra từ hàng chục năm nay, nhưng vẫn chưa được giải đáp một cách thấu đáo.

Nói chưa có chính sách, chế độ đãi ngộ nhân tài thì không đúng. Thực tế đã có nhưng rất chắp vá, rời rạc và mang tính tình thế. Để có chính sách trọng dụng trí thức, đãi ngộ đặc biệt với nhân tài, như Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra, trước hết phải nhận thức đúng “nhân tài” và “trọng dụng nhân tài” - gọi tắt là “nhân tài và phát triển”.

Đây là một chủ đề lớn lôi cuốn sự quan tâm của hàng tỷ người trên hành tinh. Có hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn công trình nghiên cứu về vấn đề này đã công bố, trong đó nhiều công trình có giá trị lớn. Ở Việt Nam, “nhân tài và phát triển” cũng không phải là vấn đề mới. Rất nhiều người quan tâm tới vấn đề này và đã có khá nhiều công trình trực tiếp, gián tiếp tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau. Hội thảo khoa học "Vai trò của nhân tài đối với sự thịnh suy của đất nước: Kinh nghiệm lịch sử và các khuyến nghị đối với Việt Nam" (tháng 9-2011) do Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực - Nhân tài Việt Nam mới tổ chức gần đây cũng đã phần nào làm sáng tỏ một số vấn đề liên quan đến việc trọng dụng nhân tài để nhanh chóng chấn hưng đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Thế nào là nhân tài?

Nhân tài đồng nghĩa với hiền tài. Chữ "tài" trong "nhân tài" (hay "hiền tài") cần được hiểu theo nghĩa rộng. "Tài" không chỉ nói về năng lực trí tuệ vượt trội mà còn bao hàm cả phẩm chất trong sáng. Phẩm chất trong sáng không chỉ là "thương người như thể thương thân" và không làm hại ai, mà còn có dũng khí dám xả thân vì nghĩa lớn, vì ích nước lợi dân. Như vậy, "tài" bao gồm 3 yếu tố cơ bản: Trí, nhân, dũng. Nếu không có trí tuệ và tài năng vượt trội thì không thể là nhân tài. Nhưng nếu chỉ có tài năng vượt trội mà thiếu "nhân" và "dũng" cũng không được xem là nhân tài. So với người bình thường, nhân cách của nhân tài có một số đặc điểm nổi bật là họ có trí tuệ vượt trội, có tài năng đặc biệt về một hoặc nhiều lĩnh vực và lao động của họ là lao động sáng tạo.

Làm thế nào để trọng dụng được nhân tài?

Gần 600 năm trước Lê Lợi đã nói: "Đất nước thịnh vượng tất cả ở việc cử hiền. Người làm vua thiên hạ phải lo việc đó trước tiên".

Có thể nói, ý kiến của Lê Lợi đúng với mọi chế độ xã hội ở mọi thời đại và có giá trị như một luận điểm. Các học giả, chính khách trên thế giới, có lẽ, chưa biết nhiều về câu nói trên của Lê Lợi. Nhưng hàng nghìn công trình chuyên khảo có giá trị đã công bố trên thế giới từ trước tới nay, dưới góc độ này hay góc độ khác, đã luận chứng, làm sáng tỏ luận điểm trên của Lê Lợi trên bình diện lý luận ở dạng khái quát.

Còn Bác Hồ của chúng ta – Người được nhiều công trình nghiên cứu đánh giá là rất thành công và trở thành mẫu mực trong trọng dụng nhân tài. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Người đã chỉ rõ: "Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy".

Lời dạy của Người có giá trị như một phương châm chỉ đạo việc trọng dụng nhân tài của cách mạng nước ta, nhất là trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra.

Thiếu tướng PGS, TS LÊ VĂN CƯƠNG
Phó chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn Nhân lực-Nhân tài Việt Nam

(Nguồn: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất