Thứ Sáu, 22/11/2024
Đời sống
Thứ Hai, 15/2/2016 11:6'(GMT+7)

Áp lực vận tải hành khách dịp Tết giảm, an ninh - trật tự được bảo đảm

Lượng phương tiện giao thông đổ về Hà Nội quá lớn gây ùn tắc trên tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua địa phận huyện Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: NGỌC MAI

Lượng phương tiện giao thông đổ về Hà Nội quá lớn gây ùn tắc trên tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua địa phận huyện Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: NGỌC MAI

Lượng hành khách đi lại trong dịp Tết Bính Thân năm 2016 tại các bến xe tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Cần Thơ tăng cao so dịp Tết năm trước. Các bến xe ở TP Hồ Chí Minh lưu lượng hành khách tăng từ 4 đến 10% so năm 2015, các bến xe thuộc Công ty quản lý bến xe Hà Nội, số xe xuất bến tăng 2 đến 3%, các bến xe thuộc Hải Phòng, Đà Nẵng và một số địa phương khác lưu lượng hành khách tăng khoảng 3 đến 5%. Trong đợt nghỉ Tết, phần lớn các địa phương trên cả nước đều có phương án bố trí xe dự phòng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ được nâng cao, bảo đảm an toàn và giao thông thông suốt, ngay cả trong các ngày cao điểm phục vụ Tết. So với năm 2015, dịch vụ vận tải đường bộ cơ bản đã đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Việc các trường đại học và một số nhà máy, khu công nghiệp cho sinh viên và công nhân, người lao động về quê đón Tết sớm, cùng các chương trình hỗ trợ phương tiện đưa công nhân, sinh viên nghèo về quê đón Tết đã hỗ trợ được hàng nghìn vé xe cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, mặc dù lượng khách tại các bến xe có tăng so với Tết năm trước nhưng việc chủ động bố trí xe tăng cường và đổi mới, đa dạng nhiều hình thức bán vé đã giúp giảm áp lực vận tải hành khách; an ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không được duy trì thông suốt; không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng tự ý tăng giá vé xe ô-tô quá mức quy định còn diễn ra, nhiều tuyến tăng từ 100 đến 150% giá vé; tình trạng nhồi nhét khách, chở quá số người quy định còn tương đối phổ biến, một số tuyến quốc lộ còn xảy ra tình trạng ùn ứ kéo dài.

Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) dịp Tết giảm mạnh cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so cùng kỳ Tết Nguyên đán Ất Mùi. Tuy không có TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan xe kinh doanh vận tải khách nhưng vẫn xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan xe máy và ô-tô, có xu hướng diễn biến phức tạp ở các đoạn ngoài đô thị trên các quốc lộ, đường tỉnh và khu vực nông thôn. Nguyên nhân chính do người tham gia giao thông chủ quan, bất cẩn, vi phạm pháp luật trật tự ATGT và các nguyên tắc điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như phóng nhanh, vượt ẩu, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia; đi xe máy dàn hàng ngang lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm, chở ba, bốn người, không giảm tốc độ, không quan sát khi đi từ đường phụ ra đường chính,...

Sau kỳ nghỉ Tết kéo dài, ngày 14-2 (ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết), hàng chục nghìn người từ các tỉnh đổ về Thủ đô khiến nhiều tuyến phố bị ùn tắc ngay từ sáng sớm. Hàng nghìn phương tiện cá nhân cùng xe khách liên tỉnh đổ về các cửa ngõ TP Hà Nội ngày càng đông. Các trục đường Giải Phóng, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Xiển, Phạm Hùng; quốc lộ 5, Nguyễn Văn Cừ, cầu Vĩnh Tuy, Minh Khai; quốc lộ 2, Phạm Văn Đồng,… dòng phương tiện ken kín mặt đường, xe khách nối nhau ùn ùn đổ về các bến xe. Tuyến đường trên cao từ đầu đường cao tốc Pháp Vân đến đường Phạm Hùng xảy ra ùn tắc trong nhiều giờ mặc dù ngày 14-2, các đơn vị đã huy động toàn bộ lực lượng để kiểm soát trật tự, điều tiết giao thông, hướng dẫn hành khách, bảo đảm cho người dân tham gia giao thông an toàn.

Bên cạnh đó, nhiều người dân trở lại Hà Nội từ một vài ngày trước, nên trên các tuyến đường không bị ùn tắc nghiêm trọng, hành khách về bến xe cũng nhanh chóng được giải tỏa. Theo Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên đán, tại ba bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm, đơn vị đã sử dụng gần 31.200 lượt xe, chuyên chở gần 583 nghìn lượt khách; sau Tết, nâng lên 38.670 lượt xe, chở hơn 675 nghìn lượt khách và sử dụng hàng trăm lượt xe tăng cường. Tại TP Hồ Chí Minh, các tuyến đường từ Bình Thuận, Miền Tây lên thành phố như quốc lộ 1, các tuyến đường cửa ngõ vào thành phố có nhiều đoạn bị ùn ứ kéo dài.

Trong ngày 14-2, lượng người đến Bến xe Đà Nẵng mua vé vào các tỉnh phía nam tăng đột biến. Tuy nhiên, ngay từ sáng 14-2, các hãng vận tải lớn như Phương Trang, Phi Hiệp,... đều đã dán thông báo hết vé xe chặng đi TP Hồ Chí Minh đến ngày 19-2. Giá vé được niêm yết công khai với phụ thu tăng 60% trong các ngày từ 11 đến 23-2 (mồng 4 đến 16 tháng Giêng). Tại ga Đà Nẵng, hành khách muốn đi các tỉnh phía nam phải đợi đến ngày 20-2 trở đi mới có vé. Người lao động đi làm tại các tỉnh phía nam tỏ ra khá lo lắng khi tàu đi TP Hồ Chí Minh đã hết vé trong một tuần tới. Để phục vụ nhu cầu đi gấp của người dân, ga Đà Nẵng sẽ liên hệ trực tiếp với các trưởng tàu, bố trí thêm ghế ngồi phụ với giá bằng 80% giá vé tại toa, nhiều người chấp nhận phương án ngồi ghế phụ cho kịp công việc, tuy nhiên ngành đường sắt cũng chỉ bố trí được một phần. Tại gầm cầu vượt Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ), mặc dù vị trí này bị cấm dừng đỗ, đón trả khách, song trong buổi sáng 14-2, vẫn có rất nhiều người tụ tập chờ đón xe đi các tỉnh phía nam. Các xe dừng đón khách tại đây chủ yếu là loại xe từ 16 đến 24 chỗ, đi các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa với mức giá cao hơn ngày thường khoảng 50%. Dọc quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Quảng Nam, dưới nắng gắt, rất đông người dân với hành lý cồng kềnh đứng hai bên đường vẫy xe khách. Tại các tuyến giao với quốc lộ trong địa phận TP Tam Kỳ, xe cộ chật kín, nhiều người dân tràn ra giữa đường vẫy xe.

Tại ngã ba Dạ Lê trên đường tránh quốc lộ 1 qua TP Huế, mặc dù đây là điểm đón xe khách tự phát nhưng có rất đông người dân từ các nơi ra đứng đón xe tuyến bắc - nam. Một số xe đi TP Hồ Chí Minh “hét” giá 1,2 triệu đồng/vé nhưng cũng chỉ còn ghế phụ. Bến xe phía Nam TP Huế, giá vé sau Tết các hãng đăng ký với giá vé từ 600 đến 800 nghìn đồng/vé nhưng đã hết vé từ lâu, còn đón xe dọc đường bị các nhà xe “chặt chém” với giá rất cao.

Mặc dù đêm 14-2 (tức đêm mồng 7, rạng sáng mồng 8 Tết) mới là chính hội chợ Viềng (Nam Định), tuy nhiên, tranh thủ ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết, ngay từ sáng 14-2, dòng người đã nườm nượp đổ về chợ Viềng và khu di tích Phủ Giầy. Người dân đến đây vừa đi chơi, vãn cảnh chợ, mua bán những vật dụng may mắn, vừa đi lễ cầu an. Ngay từ sáng sớm, lực lượng công an tỉnh Nam Định đã có mặt tại các chốt nhận nhiệm vụ phân luồng, kịp thời xử lý, giải tỏa tình trạng ách tắc giao thông. Thượng tá Bùi Văn Bình, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động tỉnh Nam Định nhận định, năm nay thời tiết ấm áp, giao thông thuận tiện, lượng khách về du Xuân và tham gia lễ hội đông hơn mọi năm, cảnh sát cơ động đã huy động lực lượng triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho du khách.

Theo phương án bảo đảm trật tự ATGT lễ hội chợ Viềng, lực lượng công an chủ động phân luồng sớm cho các phương tiện xe tải, xe khách không vào lễ hội ngay từ ngã ba Lộc An và ngã tư quốc lộ 10 - quốc lộ 21 B (đối với các xe từ Nam Định đi Ninh Bình). Đồng thời, phối hợp Công an tỉnh Ninh Bình phân luồng phương tiện lưu thông theo chiều ngược lại ngay từ ngã tư cầu Vòm, cầu Non Nước hoặc nút giao đường cao tốc Cao Bồ, qua Phủ Lý (Hà Nam) về Nam Định. Bên cạnh 14 chốt thực hiện phân luồng, phân tuyến, Công an tỉnh Nam Định còn thành lập tám tổ tuần tra kiểm soát giao thông trên các tuyến, làm nhiệm vụ hướng dẫn phương tiện đi đúng phần đường, gửi xe đúng nơi quy định, phối hợp điều hòa giao thông, kịp thời giải quyết các tình huống, bảo đảm giao thông thông suốt cho người dân đi lễ hội thuận tiện, an toàn.

Trong dịp lễ hội Xuân, Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị các địa phương, bộ, ngành chức năng tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc bảo đảm trật tự ATGT. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là các lỗi có nguy cơ cao gây tai nạn như chạy quá tốc độ, chở quá số người, đi sai phần đường, làn đường, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia; dừng, đỗ đón, trả khách không đúng quy định; đi xe máy không đội mũ bảo hiểm,… Tập trung kiểm tra và xử phạt đối tượng lái xe khách, xe máy vi phạm tại các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ngoài đô thị và khu vực nông thôn; có phương án tăng cường lực lượng CSGT hỗ trợ trực tiếp tại địa bàn có lễ hội.

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các địa phương quản lý, siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô-tô, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người lái về các điều kiện an toàn trước khi xuất bến, phối hợp công an các địa phương xử lý kịp thời các thông tin phản ánh của người dân về tình hình trật tự ATGT và hoạt động vận tải khách qua số điện thoại đường dây nóng. Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra ATGT tại các nhà ga, bến xe, bến đò; kiên quyết đình chỉ phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, phương tiện chở quá số người quy định; tập trung kiểm soát hoạt động vận tải khách bằng ô-tô, nhất là chiều từ bắc vào nam và hoạt động vận tải phục vụ lễ hội, ngăn chặn tình trạng tăng giá vé, chở quá số người quy định. Chính quyền các địa phương cũng huy động các lực lượng ứng trực thường xuyên trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, nhất là các tuyến hướng về Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, các khu vực tổ chức lễ hội Xuân, có biện pháp điều tiết giao thông, giải tỏa kịp thời khi xảy ra ùn tắc, kiên quyết không để ùn tắc giao thông kéo dài. Ủy ban ATGT quốc gia sẽ tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương có số người chết do TNGT tăng cao và công tác bảo đảm trật tự ATGT mùa lễ hội.

Chín ngày Tết, 300 người chết vì tai nạn giao thông

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), trong chín ngày nghỉ Tết, cả nước xảy ra 408 vụ tai nạn giao thông, làm chết 300 người, bị thương 380 người. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 128 vụ (23,8%), giảm 17 người chết (5,4%) và giảm 129 người bị thương (25,3%). Trong đó, đường bộ xảy ra 403 vụ, làm chết 297 người, bị thương 376 người; đường sắt xảy ra năm vụ, làm chết ba người, bị thương bốn người.


Báo Nhân Dân
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất