Tại cả siêu thị và chợ truyền thống, lượng người mua hàng còn thấp do lượng thực phẩm dự trữ vẫn còn. Giá bán các mặt hàng trái cây và thịt gia súc, gia cầm cơ bản đã giảm về với giá trong ngày thường, giá một số loại rau củ tuy vẫn cao hơn so với ngày thường nhưng đã giảm so với thời điểm trước Tết do nguồn cung rau vẫn khá dồi dào, đáp ứng được nhu cầu. Giá một số dịch vụ như giữ xe, vé vào cổng đền chùa, khu vui chơi tăng nhẹ so với thời điểm trước Tết. Tại bến xe khách ở một số thành phố lớn, một số đầu tuyến cố định đã hoạt động trở lại bình thường, tuy nhiên lượng khách đi cũng thưa thớt, giá vé hai đầu tuyến đều ổn định so với các ngày trước Tết.
Đối với dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi, xe cho thuê… vẫn có nhu cầu cao do các ngày từ 1-5 tết người dân thường đi chúc Tết, đi lễ chùa, đi du lịch. Các hãng taxi hầu như đều chỉ nhận các chuyến đi với khoảng cách xa; loại hình xe cho thuê do nguồn cung không đủ nên giá loại hình xe cho thuê, xe tự lái đều tăng cao 20-40% và vẫn giữ ở mức giá từ ngày mùng 1 Tết đến nay.
Tại một số địa phương tiêu biểu, sự thể hiện trên càng rõ nét. Tại Đà Nẵng, giá cả thị trường tương đối ổn định so với mùng 4, riêng giá mặt hàng hoa và trái cây giảm do lượng mua mặt hàng này thời điểm sau Tết không nhiều. Các loại cá biển giảm nhẹ, cụ thể: cá thu nguyên con: 250.000 đồng/kg - 300.000 đồng/kg. Riêng giá cá lóc/quả đã giảm 10.000 đồng/kg so với hôm qua, giá ở mức 70.000 đồng/kg. Giá gà ta trước và sau Tết vẫn không tăng: gà mái sống, 160.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng/kg). Các mặt hàng rau xanh và rau củ quả không tăng; giá các mặt hàng công nghệ như đường, bột ngọt, dầu ăn và các mặt hàng đồ khô như tôm khô, mộc nhĩ, nấm hương do người dân chưa có nhu cầu mua sắm và người bán hầu hết chưa mở hàng. Mặt hàng hoa, trái cây tiếp tục giảm do nhu cầu mua mặt hàng này những ngày sau Tết không cao.
Tại Cần Thơ, giá thu mua lúa ổn định, giá bán heo hơi thương lái mua ổn định giá 41.000 đ/kg. Giá thực phẩm tươi sống tại các chợ tăng, giá bán lẻ tại các chợ ổn định. Tại Lào Cai, các chợ giá gạo vẫn ổn định so với với các ngày trước Tết do nhu cầu không tăng và nguồn cung dồi dào, riêng giá hàng thực phẩm tươi sống tăng cao so với các ngày trước Tết. Mặt hàng rau xanh tăng giá đột biến do ảnh hưởng của thời tiết trước Tết do đó lượng cung giảm. Do đầu năm nhu cầu đi lễ của người dân tăng cao nên các mặt hàng hoa quả cũng có xu hướng tăng. Tại Phú Thọ, các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng tạp hóa kinh doanh hàng hóa thiết yếu mở hàng từ ngày 4 tháng Giêng (11-2). Từ ngày 5 tháng Giêng (12-2) thị trường hàng hóa Phú Thọ hoạt động bình thường trở lại. Giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản vẫn giữ nguyên so với thời điểm trước Tết, tuy nhiên, vào các ngày mùng 2-3 Tết, các mặt hàng tươi sống như thịt bò, cá chép, cá quả lại tăng nhẹ.
Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đã mở cửa bán hàng, người dân bắt đầu đi mua trở lại. Giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP Vũng Tàu và Bà Rịa, các huyện ổn định, hợp lý, nguồn cung hàng hóa dồi dào, ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu người dân, chỉ có biến động về giá một số mặt hàng chủ yếu là thực phẩm tươi sống, rau củ. Giá cả các mặt hàng dịch vụ ăn uống và dịch vụ lưu trú khách sạn ở địa bàn TP Vũng Tàu đã tăng khoảng 10-15% từ ngày mùng 3 Tết do lượng khách du lịch đến TP Vũng Tàu tham quan ngày càng đông.
Tại Cà Mau, Cần Thơ, Tiền Giang, giá cả nhìn chung tương đối ổn định do lượng cung cấp hàng hóa dồi dào đủ đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết của nhân dân.
Về công tác kiểm tra kê khai giá cước vận tải, đến nay (12-2) tất cả 18 doanh nghiệp kinh doanh tuyến cố định kê khai giảm giá (đạt 100%) với tỷ lệ giảm phổ biến từ 5-6%. Trong đó có 3/4 doanh nghiệp kinh doanh xe buýt kê khai giảm 1.000 đồng/vé đối với toàn tuyến, các chặng giữ nguyên. Giá một số dịch vụ như: giữ xe, vé vào cổng khu vui chơi ổn định so với thời điểm trước.
Như vậy, có thể thấy, hàng hóa trong dịp Tết đã thực sự ổn định trên địa bàn cả nước do nguồn cung đảm bảo khi hầu hết các siêu thị, chợ đều đã mở cửa sớm, sức mua cải thiện; dần trở lại nhịp sống ngày thường, thời tiết các tỉnh miền Bắc đang ấm dần lên thuận lợi cho các hoạt động lễ hội, sản xuất nông nghiệp. Việc tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết và nguồn cung các loại hàng hóa trên thị trường; bảo đảm nguồn cung hàng hóa thuộc diện bình ổn giá tại các điểm bán hàng bình ổn giá và giám sát chặt chẽ việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là cần thiết, nhưng có thể thấy với sự ổn định suốt bảy ngày trước, trong và sau Tết nguyên đán, chúng tôi có thể khép lại loạt thông tin về thị trường Tết nguyên đán với một sự hy vọng vào tính ổn định của chính sách sẽ giúp người tiêu dùng có một thị trường hàng hóa phong phú, ổn định, đúng tính kinh tế thị trường.
Sông Trà/Báo Nhân Dân