Ông Nguyễn Thành Lân, nông dân ở ấp Bình Hòa 1, xã Bình Hòa Phước, vui mừng trước những đổi thay của quê hương, tiêu biểu nhất là đường giao thông liên xã, liên ấp được bê tông hóa, chợ nông thôn được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân chuyên chở nông sản, giao lưu hàng hóa; mạng lưới trường cấp 1, cấp 2, trạm y tế được đầu tư, nâng cấp khang trang, giúp học sinh đi học thuận lợi và người dân được chăm sóc sức khỏe.
Là một xã cù lao của huyện Long Hồ, Bình Hòa Phước xác định đi lên bằng khai thác thế mạnh phát triển kinh tế vườn theo hướng chuyên canh. Với diện tích đất nông nghiệp 909 ha, xã phát triển diện tích vườn chuyên canh chôm chôm 621 ha, trong đó có 18 ha sản xuất theo Global GAP. Xã thành lập 1 hợp tác xã chôm chôm và 2 tổ hợp tác tiểu thủ công nghiệp khai thế lợi thế vị trí gần khu công nghiệp Hòa Phú để tổ chức gia công sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho các doanh nghiệp, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Nhờ vậy, Bình Hòa Phước đã nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 94,27%, thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2015 tăng 2,03% so với năm 2010 và góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 3,86%. Xác định xây dựng hạ tầng để tạo sức bật khai thác tiềm năng, thế mạnh và đổi mới bộ mặt nông thôn, kinh nghiệm của xã Bình Hòa Phước là khai thác, vận động các nguồn đầu tư ngoài nguồn vốn ngân sách như vốn doanh nghiệp, vốn từ tổ chức, cá nhân hỗ trợ kết hợp với huy động nội lực trong dân. Nhờ vậy, xã Bình Hòa Phước đã huy động trên 103 tỷ đồng đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trong đó nguồn vốn đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân chiếm 34%.
Từng là vùng căn cứ cách mạng của Tỉnh ủy Vĩnh Long, xã Ngãi Tứ (huyện Tam Bình) được chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển chậm, 80% hộ dân sản xuất thuần nông, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 11,4% dân số. Xã xác định tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là bước đột phá để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế - lao động trên địa bàn. Các mô hình: Cánh đồng mẫu lớn, đưa cây màu xuống ruộng, ươm cây giống, phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp... được xã triển khai đều khắp, gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức 36 tổ hợp tác sản xuất, 1 hợp tác xã và 3 làng nghề đan thảm lục bình, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Để huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn, xã dựa vào các đoàn thể, các cựu chiến binh, lão thành cách mạng có uy tín để vận động nhân dân đồng thuận trong quy hoạch phát triển chợ, đường giao thông nông thôn, thủy lợi. Nhờ vậy, mạng lưới hạ tầng của Ngãi Tứ được đầu tư hoàn chỉnh, hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn được xây dựng kiên cố, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, Ngãi Tứ đã nâng tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 92,67%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 29 triệu đồng/người/năm, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,18% và được công nhận là xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh Vĩnh Long hiện có 21 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Theo ông Võ Quyết Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ngãi Tứ (huyện Tam Bình), tiêu chí thu nhập là một trong những tiêu chí cần tập trung giữ vững sau khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Xã cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững. Các mô hình sản xuất nông nghiệp cần được liên kết gắn với doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định, mô hình tiểu thủ công nghiệp cần được tổ chức đa dạng, nhiều ngành nghề phù hợp với nhiều độ tuổi lao động để đảm bảo tạo việc làm thường xuyên cho lao động nông thôn. Theo bà Vương Thị Thu Hương, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Vĩnh Long, để hỗ trợ các xã giữ vững tiêu chí nông thôn mới, năm 2016, Ban Chỉ đạo tổ chức thường xuyên các đợt phúc tra trong đó tập trung các tiêu chí: Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn, chỉ đạo xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác và các hình thức liên kết hợp tác, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, nhằm đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả, góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới./.
Huỳnh Kim Phượng/TTXVN