Thứ Bảy, 28/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Ba, 13/3/2012 10:3'(GMT+7)

Ba khâu đột phá ở Long Mỹ

Xây dựng đường giao thông nông thôn ở Long Mỹ.   ( Ảnh: (C) by Caplio 300G User )

Xây dựng đường giao thông nông thôn ở Long Mỹ. ( Ảnh: (C) by Caplio 300G User )

Long Mỹ là huyện được tỉnh Hậu Giang chọn làm điểm chỉ đạo trong triển khai thực hiện nghị quyết của Ðảng bộ. Vì thế, ngay từ đầu, huyện đã chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai, nhằm chuyển tải nghị quyết đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân một cách nhanh chóng, hiệu quả. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Long Mỹ Lê Hữu Phước cho biết: Ðưa nghị quyết của Ðảng bộ vào thực tiễn cuộc sống là chuyện không dễ dàng. Cái khó nhất là làm sao chuyển tải nghị quyết đến quần chúng nhân dân, nhằm phát huy được sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Vì thế, trước hết, huyện chủ động tổ chức quán triệt trong hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các hội đoàn thể, xem đây là "kênh" chuyển  tải nghị quyết đến dân. Trên tinh thần đó, các cấp ủy Ðảng cụ thể hóa nội dung nghị quyết thành chương trình, kế hoạch cụ thể, thông qua các phong trào thiết thực phù hợp yêu cầu thực tế của từng địa phương, nhằm phát huy được sức dân tham gia đóng góp trên mọi lĩnh vực.

Long Trị A là một trong 15 xã, thị trấn của huyện có cách chuyển tải nội dung nghị quyết của Ðảng bộ huyện đến dân hiệu quả, được người dân đồng tình hưởng ứng. Là xã vùng sâu, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, điều kiện còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn hạn chế, nhưng xã đã chủ động lồng ghép, tăng cường công tác vận động quần chúng tham gia thực hiện các phong trào gắn liền nhu cầu thực tế ở địa phương. Trong phát triển kinh tế, xã bắt đầu tổ chức lại khâu sản xuất. Qua vận động, khuyến khích phát triển kinh tế hộ, mở trang trại, xuất hiện nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả cao như mô hình vườn cây ăn trái kết hợp với lúa của ông Lân Văn Út ở ấp 7 cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm. Hay như hộ ông Nguyễn Văn Hương ở ấp 6 mở trang trại với diện tích hơn ba ha để nuôi bò kết hợp với sản xuất chăn nuôi lúa - cá cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm... Ngoài ra, xã còn vận  động người dân xây dựng mô hình làm ăn tập thể thông qua việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng nhiều cánh đồng mẫu sản xuất lúa - cá, lúa - màu... Mỗi cánh đồng mẫu có diện tích từ 30 ha đến 35 ha, với khoảng từ 25 đến 35 hộ tham gia, bước đầu mang lại hiệu quả, làm tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích.

Ðể phục vụ tốt cho việc sản xuất, xã cùng nhân dân thực hiện tốt công tác thủy lợi nội đồng, bảo đảm nguồn nưóc phục vụ tưới tiêu, nhất là phong trào làm đường giao thông (theo tiêu chí nông thôn mới) gắn với đê bao, đã khép kín hơn 90% diện tích  đất sản xuất của xã. Hôm gặp chúng tôi, anh Hồ Ngọc Bình ở ấp 7, xã Long Trị nói rằng: "Bây giờ làm gì cán bộ xã cũng đến họp bàn với dân, rồi giao dân bám sát kiểm tra, vì thế bà con ai cũng thống nhất thực hiện". Ðiển hình như tuyến giao thông kênh Thầy Năm dài hơn bốn km được xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới vừa khánh thành đưa vào sử dụng dịp 30-4-2011. Công trình này do "Nhà nước và nhân dân cùng làm"; khi triển khai, xã thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", nên không những được dân đồng thuận mà chất lượng công trình cũng được bảo đảm.

Lĩnh vực văn hóa xã hội cũng được xã thực hiện bằng kế hoạch, phong trào cụ thể gắn liền với đời sống người dân. Ðiển hình như phong trào xây dựng xã văn hóa, hiện xã đã  đạt hơn 90% số tiêu chí và dự kiến sẽ được công nhận vào cuối tháng 11 năm nay. Ông Phan Văn Chịa ở ấp 7, xã Long Trị, bộc bạch: "Nói thiệt với chú hồi trước tôi đâu có rành ba cái thiết chế văn hóa gì đó, nhưng qua những lần họp dân, thậm chí đến từng hộ dân, cán bộ xã nêu rõ mục đích, ý nghĩa của từng tiêu chí, bà con thấy có lợi, nên làm theo". Nhờ vậy, bà con ai cũng ý thức chăm lo vệ sinh chung quanh nhà, trồng hoa kiểng, làm hàng rào, cột cờ... tạo được cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Nhà nhà thực hiện nếp sống văn hóa mới, xây dựng gia đình hạnh phúc, ông bà cha mẹ mẫu mực, nuôi dạy con cháu hiếu thảo... Từ đó, các tệ nạn đánh lộn, trộm cắp gần như không còn.

Cũng với cách làm này, tùy vào điều kiện thực tế, các cấp ủy Ðảng trong huyện cũng đã vận dụng trên cơ sở bám sát ba khâu đột phá trong Nghị quyết của Ðảng bộ huyện đề ra. Ðó là: Phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Long Mỹ Lê Hữu Phước, để làm được điều này, trước hết phải phát huy vai trò của từng đảng viên, đồng thời phải huy động được sức dân cùng tham gia thực hiện nghị quyết đề ra, thông qua phát động các phong trào, chương trình, đề án được cụ thể hóa thành chỉ tiêu kế hoạch từng năm. Những địa phương có điều kiện như ở thị trấn Long Mỹ là trung tâm của huyện thì đẩy mạnh phát triển thương mại dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến hàng nông sản, đồng thời tập trung phát triển đô thị. Phấn đấu đến năm 2015 đạt tiêu chí thị xã và đến năm 2020 đạt tiêu chí đô thị loại III với đặc thù đô thị sinh thái miền sông nước...

Kết quả thực hiện chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2011 của huyện đến nay cho thấy đều đạt yêu cầu đặt ra. Tuy là kết quả bước đầu, nhưng với cách làm, sự đồng thuận của Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân, tin rằng Long Mỹ sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Ðảng bộ huyện lần thứ 10, nhiệm kỳ 2010-2015.

Phùng Dũng/ Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất