Thứ Bảy, 28/9/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Ba, 6/3/2012 21:40'(GMT+7)

Một số kinh nghiệm trong hoạt động tuyên giáo ở cơ sở huyện Đắk Đoa

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đăk Đoa là một huyện miền núi nằm ở phía Đông tỉnh Gia Lai cách trung tâm thành phố Pleiku 15 km với tổng diện tích tự nhiên là 98.041 ha. Đây là địa bàn quan trọng cả về quân sự, chính trị và kinh tế của tỉnh Gia Lai, có quốc lộ 19 nối thành phố Pleiku đến cảng Quy Nhơn và các tỉnh duyên hải miền trung, là vị trí tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi hàng hóa của nhân dân cũng như có vị trí quan trọng trong chiến lược quốc phòng - an ninh của tỉnh.  

Huyện có 16 xã, và 01 thị trấn trong đó có 5 xã đặc biệc khó khăn, có 156 thôn, làng và tổ dân phố, có 107 làng đồng bào dân tộc thiểu số, dân số gần 94.000 người trong đó dân tộc thiểu số chiếm 57,7% chủ yếu là dân tộc Barnah và Jarai, có trên 40% dân số theo các tôn giáo khác nhau chủ yếu là Tin lành, Thiên chúa giáo, Phật giáo.

Trong những năm qua, cùng với sự chuyển biến đi lên của thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đội ngũ cán bộ ở cơ sở nói chung và hoạt động của đội ngũ cán bộ tuyên giáo trên địa bàn huyện Đăk Đoa cũng có những chuyển biến tích cực trên lĩnh vực nhận thức và hành động, đi vào chiều sâu góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng củng cố hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

Tuy nhiên, hoạt động của đội ngũ cán bộ tuyên giáo cơ sở vẫn còn có một số hạn chế, cán bộ làm công tác tuyên giáo còn yếu, thiếu kỹ năng và phương pháp tuyên truyền miệng, chưa thật sự chủ động, năng động, linh hoạt. Công tác tuyên truyền đường lối, chính sách đến nhân dân chưa được quan tâm đúng mức, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, việc cụ thể hóa để đưa nhanh các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống còn chậm, thực hiện còn lúng túng. Việc đấu tranh với các luận điệu phản động, các tư tưởng, quan điểm sai trái, lệch lạc thiếu sắc bén và chưa kịp thời, thiếu kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực và các tệ nạn xã hội khác, chưa chủ động trong đấu tranh phòng, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, còn lúng túng trong việc đấu tranh xử lý một số vấn đề phức tạp về vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để nhân dân hiểu rõ những luận điệu sai trái của bọn phản động bên ngoài kích động gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tháng 4 năm 2004, một số xã GLar, ADơk, KDang của huyện bị bọn xấu bên ngoài lợi dụng, cấu kết với bọn phản động FULRO, đưa ra cái gọi là “Nhà nước Đề ga”, “Tin lành Đề ga” để kích động nhân dân đến trụ sở đòi chính quyền trả lại đất, nhà, đòi đuổi người Kinh về đồng bằng...gây rối trật tự công cộng. Song từ khi thành lập Ban Tuyên giáo cơ sở, bằng nhiều hình thức hoạt động, tuyên truyền để nhân dân hiểu đúng bản chất sự việc, từ đó đến nay nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Có thể nói, hoạt động của Ban Tuyên giáo ở cơ sở chính là yếu tố quan trọng để công tác tuyên giáo đạt kết quả cao, càng đi vào chiều sâu tác động tích cực vào tư tưởng, tâm trạng của nhân dân, góp phần vào đời sống ngày càng phát triển của nhân dân.

Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tham mưu giúp cấp ủy chính quyền xã, thị trấn về tư tưởng - văn hóa, tuyên truyền và khoa giáo ở cơ sở được tốt hơn và đáp ứng với yêu cầu đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của hệ thống chính trị ở cơ sở, cấp ủy Đảng xã, thị trấn có tờ trình xin thành lập Ban Tuyên giáo cơ sở. Trên cơ sở đó, Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập bộ máy Ban Tuyên giáo xã, thị trấn. Hiện nay 17 xã, thị trấn đã có Ban Tuyên giáo cơ sở với tổng cộng 92 người, trung bình Ban Tuyên giáo 1 xã, thị trấn có từ 5-6 thành viên, có Trưởng ban là đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp ủy, có 01 cán bộ chuyên trách. Về công tác tuyên giáo được hưởng phụ cấp theo Quyết định 48/2004 QĐUB, ngày 21 tháng 4 năm 2004 của UBND tỉnh Gia Lai về việc “Ban hành quy định cán bộ công chức cấp xã, thị trấn”. Đội ngũ cán bộ Ban Tuyên giáo xã, thị trấn được tổ chức trên cơ sở là cán bộ các ban ngành đoàn thể. Việc tổ chức tuyên truyền vận động quần chúng trong lực lượng này đã phát huy được khả năng tuyên truyền miệng, gần dân, sát với quần chúng nhân dân, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, từ đó tuyên truyền giải thích, vận động quần chúng thực hiện và hiểu rõ đưỡng lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, đội ngũ này đa số biết tiếng đồng bào dân tộc thiểu số vì vậy rất thuận lợi trong việc tuyên truyền vận động quần chúng.

Định kỳ hàng tháng, Ban Tuyên giáo Huyện ủy tổ chức giao ban cụm ở các xã, thị trấn; hàng quý tổ chức giao ban tại huyện cùng các ngành Tư tưởng - Văn hóa - Khoa giáo. Thông qua giao ban nắm bắt các hoạt động tuyên giáo ở cơ sở, trên cơ sở đó Ban Tuyên giáo ở cơ sở chủ động giúp cấp ủy cơ sở triển khai quán triệt Nghị quyết đại hội đảng các cấp, xây dựng chương trình kế hoạch và đưa nhanh Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng vào cuộc sống như tổ chức nghiên cứu, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X và các Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết XIV Đảng bộ huyện, Nghị quyết của Đảng bộ địa phương cơ sở và các Nghị quyết chuyên đề của huyện, tỉnh về Đẩy mạnh cuộc vận động xóa đói giảm nghèo, định canh định cư; công tác Khoa giáo nhằm nâng cao chất lượng Giáo dục - Đào tạo thực hiện phổ cập THCS. Đến nay toàn huyện có 17/16 xã đã công nhận hoàn thành phổ cập THCS. Năm 2009, huyện sẽ phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi; đẩy mạnh ứng dụng Khoa học kỹ thuật đưa các loại giống mới vào sản xuất, phát triển khoa học công nghệ; tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Ban Tuyên giáo sơ sở đã tích cực tham mưu cho Ban chỉ đạo cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của các xã, thị trấn; xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện và triển khai thực hiện các bước của cuộc vận động theo từng chủ đề từ năm 2007 - 2011. Trong 3 năm qua, Ban Tuyên giáo cơ sở đã tham mưu cho cấp ủy xây dựng kế hoạch, quy chế, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, các bước của cuộc vận động, tổ chức các hội thi kể chuyện về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác; điều tra xã hội học trong cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân gồm các nội dung: đánh giá nhận thức về học tập, quán triệt các chuyên đề tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh; đánh giá sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền quán triệt mục đích, nội dung, ý nghĩa cuộc vận động của cấp ủy cơ sở; đánh giá tác động đến nhận thức và hành động sau khi được học tập các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác. Hàng tháng trong các kỳ sinh hoạt chi bộ, cơ quan và họp thôn làng, tổ dân phố có đưa nội dung làm theo chuẩn mực, tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào nhiệm vụ thiết thực cụ thể của cơ quan, đơn vị; đánh giá những chuyển biến của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân sau khi được học tập quán triệt tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đánh giá việc tổ chức cho cán bộ, đảng viên viết thu hoạch tự liên hệ và đề ra hướng phấn đấu rèn luyện; đánh giá về cán bộ đảng viên gương mẫu làm theo, sự tác động của các cuộc thi tìm hiểu về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác đến tâm tư, tình cảm của cán bộ đảng viên và nhân dân. Qua điều tra có trên 70% ý kiến được hỏi là có tác dụng tích cực trong việc giáo dục đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên; góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên. Hiện nay nhiều mô hình ở cơ sở thực hiện tốt việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác như: Uỷ ban nhân dân các xã hàng tuần vào thứ 2 đầu tuần đều chào cờ buổi sáng, nhận xét, đánh giá những việc làm được và chưa làm được tuần qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ tuần đến, chỉ đạo các hoạt động ở cơ sở bằng các việc làm thiết thực như phân công cấp ủy, các ban ngành đoàn thể có kế hoạch giúp đỡ những hộ nghèo thoát nghèo. Tổ chức tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số như: nghi có ma lai, thuốc thư...

Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Ban tổ chức Trung tâm bồi dưỡng chính trị định kỳ hàng năm tổ chức từ 1 - 2 lớp bồi dưỡng công tác tuyên giáo cơ sở xã, thị trấn. Nội dung lớp học gồm: Công tác giáo dục lý luận chính trị và giáo dục truyền thống cách mạng ở cơ sở; công tác tuyên truyền cổ động ở cơ sở; công tác văn hóa cơ sở; nắm dư luận xã hội và xử lý tình huống, “điểm nóng” ở cở sở; công tác Khoa giáo ở cơ sở. Bên cạnh đó đội ngũ cán bộ tuyên giáo ở cơ sở còn được các cấp ủy cho tham dự các lớp bồi dưỡng để nâng cao trình độ văn hóa, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ như bồi dưỡng kiến thức Quốc phòng - an ninh, bồi dưỡng công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng; tập huấn công tác dân vận, công tác văn phòng cấp ủy. Cán bộ chuyên trách công tác tuyên giáo xã, thị trấn được tham dự các lớp cán bộ chủ chốt của huyện, học tập, nghiên cứu, quán triệt các Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước do Huyện ủy tổ chức.

Để Ban Tuyên giáo cơ sở hoạt động có chất lượng hiệu quả cao, cần phải có các giải pháp thiết thực như sau:

Một là, các cấp ủy đảng có sự chuyển biến về nhận thức đối với công tác tuyên giáo trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tao điều kiện cho các thành viên Ban Tuyên giáo hoạt động, song bên cạnh đó đội ngũ này phải tích cực, nhiệt tình, năng động nổ lực trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, chuyển tải đến cán bộ, Đảng viên, quần chúng nhân dân những chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đạt được những kết quả thiết thực đến đời sống nhân dân, đặc biệt là việc triển khai, quán triệt sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước; học tập, nghiên cứu vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, ổn định an ninh chính trị địa phương. Có tác dụng thúc đẩy nâng cao nhận thức về chính trị tư tưởng trong cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đồng thời tuyên truyền vạch rõ âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Tham gia phát động quần chúng góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, an ninh nông thôn trên địa bàn, ổn đinh tư tưởng trong nhân dân để yên tâm sản xuất và công tác

Hai là, chú trọng xây dựng củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Tuyên giáo cơ sở vững mạnh toàn diện, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo cơ sở, động viên, khen thưởng kịp thời những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên giáo và phong trào quần chúng. Nâng cao sức chiến đấu của hệ thống chính trị ở cơ sở, tích cực tuyên truyền đưa các nghị quyết của Đảng các cấp vào cuộc sống của nhân dân.

Ba là, định kỳ hàng tháng Ban Tuyên giáo Huyện ủy chủ trì giao ban cụm, Ban Tuyên giáo cơ sở các xã, thị trấn, hướng dẫn xây dựng kế hoạch định hướng hoạt động tuyên giáo ở cơ sở về phát triển kinh tế, tuyên truyền đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, lai tạo đàn bò, đàn heo và tăng nhanh đoàn gia súc gia cầm. Đưa các loại giống lúa mới, ngô lai, sắn vào sản xuất đại trà nhằm tăng năng suất và sản lượng lương thực đạt chỉ tiêu nghị quyết của huyện, đảng bộ đã đề ra; định hướng, quan tâm phát triển kinh tế các xã nghèo đặc biệt khó khăn; chú trọng đầu tư cho hộ thoát nghèo bền vững kết hợp với nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, tuyên truyền vận động nhân dân chủ động tự lực, tự cường vươn lên, loại bỏ tư tưởng dựa dẫm, trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Không ngừng nâng cao dân trí, tuyên truyền vận động nhân dân thấy được việc cho con em đến trường đi học là nghĩa vụ, trách nhiệm, là cách để thoát nghèo đói sau này. Đẩy lùi các bệnh xã hội, nâng cao sức khỏe cộng đồng, thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, củng cố hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sơ. Về văn hóa thông tin thể thao, phải hướng về cơ sở, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa văn nghệ quần chúng, thể dục - thể thao; bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Thực hiện nếp sống mới, văn minh; tiết kiệm trong việc cưới xin, tiệc tùng, ma chay; xóa bỏ các tập tục lạc hậu gây ảnh hưởng đến sản xuất đời sống của nhân dân Giải quyết tốt vấn đề dân tộc, tôn giáo, tạo sự đồng thuận ngày càng cao trong xã hội. Hướng dẫn và tuyên truyền nhân dân nâng cao cảnh giác cách mạng làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Ngăn chặn các hoạt động lợi dụng dân tộc, tôn giáo, đói nghèo để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hướng dẫn Ban Tuyên giáo cơ sở tham mưu cấp ủy xây dựng kế hoạch sơ kết, tổng kết thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa và khoa giáo.

Bốn là, tạo mọi điều kiện cho Ban Tuyên giáo cơ sở hoạt động, nâng cao chất lượng trong công tác tuyên truyền miệng, lấy đối tượng tuyên truyền đối tượng thông qua các kênh: loa, đài đặc biệt là truyền thanh không dây (sóng FM), Panô, áp phích với phương châm “mưa dầm thấm lâu” để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Ở trang thời sự địa phương, nêu điển hình những gương tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh giỏi, trong các hoạt động xã hội, đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tâm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay; thường xuyên điều tra, nắm bắt tác động tâm trạng , dư luận xã hội trong đời sống nhân dân để có biện pháp đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Năm là, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng tập huấn cán bộ tuyên giáo cơ sở bằng các hình thức thích hợp, sát cơ sở; các nội dung tập huấn ngắn gọn, trọng tâm, dễ hiểu, dễ nhớ để trang bị kiến thức cho đội ngũ này nắm bắt hiểu biết những vấn đề cơ bản về văn hóa - tư tưởng và công tác khoa giáo. Định kỳ hàng tuần cấp ủy cơ sở chỉ đạo chính quyền, các ban ngành, các đoàn thể của xã và các chức danh (thôn trưởng, công an viên, ban mặt trận thôn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ... các thôn, làng) trong đó có Ban Tuyên giáo, tổ chức giao ban để nắm bắt thông tin và cấp ủy chỉ đạo cho các hoạt động về phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quốc phòng an ninh, củng cố và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh trong đó công tác tuyên giáo ở cơ sở có vai trò hết sức quan trọng./.

Quang Cường
Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Đắk Đoa – Gia Lai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất