Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 6/11/2008 19:30'(GMT+7)

Ba năm bình quân GDP tăng 7,8%

Đây là một trong những nội dung của dự thảo báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2006-2010 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương và nhà tài trợ quốc tế sáng nay 7-11 tại Hà Nội.

Nếu như năm 2006, tăng trưởng GDP của cả nước là 8,23%, năm 2007 là 8,48% thì năm 2008, dự kiến GDP chỉ tăng 6,7%. Như vậy bình quân GDP trong ba năm 2006-2008 là 7,8%, cao hơn mức 7,5% trong giai đoạn 2001-2005.

Đánh giá tổng quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội ba năm 2006-2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng nền kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá trong điều kiện giá cả tăng cao, quy mô tổng sản phẩm trong nước không ngừng tăng lên.

Tuy nhiên cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng chậm so với mục tiêu đề ra. Riêng năm 2008, dự kiến tỷ trọng nông lâm nghiệp và thuỷ sản trong GDP đạt 21,7%, trong khi mục tiêu đến năm 2010 chỉ đạt 15-16%. Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng là 40% (mục tiêu năm 2010 là 43-44%); Tỷ trọng dịch vụ chiếm 38,3% (mục tiêu năm 2010 là 40-41%).

Một kết quả khác mà nền kinh tế nước ta đạt được trong ba năm qua là huy động nhiều nguồn vốn phục vụ cho đầu tư phát triển, nhất là từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP đạt mức cao, vượt mục tiêu Đại hội X đề ra: bình quân ba năm đạt 42,3% (mục tiêu chỉ là 40%). Vốn khu vực ngoàiquốc doanh và tư nhân trong ba năm đầu tư khoảng 502 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất (chiếm 33,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội).

Mặc dù vậy, một trong những tồn tại yếu kém của nền kinh tế là việc huy động và sử dụng các nguồn lực, cả nội lực và ngoại lực để đầu tư phát triển nền kinh tế hiệu quả còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng, nhất là khu vực đầu tư nhà nước.

Đánh giá tình hình tiền tệ, giá cả và thị trường chứng khoán trong ba năm 2006-2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định nhiều hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Cụ thể tốc độ tăng lượng tiền mặt lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng tiếp tục tăng khá cao, năm 2008, dự kiến tăng khoảng 40% (năm 2006 chỉ tăng xấp xỉ 17%). Huy động vốn vào các ngân hàng năm 2008 có xu hướng giảm khá mạnh, ước chỉ tăng khoảng 13%, so với năm 2007 là 45,8%. Tỷ trọng tiền gửi có kỳ hạn trên một năm mới chiếm khoảng 30%, chủ yếu vẫn là các khoản tiền gửi ngắn hạn.

Trên 50% vốn nội tệ và ngoại tệ ngắn hạn dùng để cho vay trung dài hạn. Tỷ lệ này là rất cao, lâu dài có thể gây nguy cơ mất an toàn cho hệ thống ngân hàng. Hiệu quả sử dụng vốn huy động, nhất là nguồn vốn bằng ngoại tệ chưa cao. Bên cạnh đó, giá cả và lạm phát tăng cao, hoạt động của thị trường chứng khoán phát triển chưa ổn định, chứa đựng nhiều rủi ro và phát triển thiếu bền vững./.

(Nhân Dân điện tử)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất