Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 4/11/2008 17:24'(GMT+7)

Cần thêm những “cú hích” cho khu vực kinh tế tư nhân

Tại sao là khu vực tư nhân?

Cùng với các khu vực kinh tế trọng yếu khác, sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân (gồm các doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể) đã được các nhà nghiên cứu kinh tế coi là một trong những trụ cột chính đưa tốc độ tăng trưởng công nghiệp cả nước đạt bình quân 15%/năm và giúp nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng GDP bình quân từ 7,5%/năm trong hàng thập kỷ qua.

Chỉ tính từ năm 2000-2006, cả nước đã có 207.034 doanh nghiệp tư nhân thành lập mới, tăng gấp 4,9 lần tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập trong 10 năm từ 1991-1999, với số vốn đăng ký đạt hơn 466.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 30 tỷ USD, cao hơn cả vốn FDI huy động được trong cùng thời kỳ. Từ năm 2007 đến nay đã có thêm khoảng 100.000 doanh nghiệp tư nhân thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp cả nước đang hoạt động lên khoảng 300.000. Khu vực doanh nghiệp tư nhân (hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa) đã đóng góp hơn 40% GDP và khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp 17,4% tổng thu ngân sách Nhà nước và luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng phát triển trên 18%/năm. Các doanh nghiệp tư nhân đã có xu hướng tích cực hội nhập, thậm chí đã hình thành lên những tập đoàn kinh tế, công ty hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, qui mô lớn, phạm vi hoạt động ra bên ngoài quốc gia.

Với kết quả như vậy, về cơ bản, khu vực doanh nghiệp tư nhân được đánh giá có sự phát triển năng động, hiệu quả hơn cả doanh nghiệp Nhà nước, giải quyết khối lượng việc làm cho xã hội lớn nhất so với các khu vực kinh tế khác... (khoảng hơn 50% lao động trong tất cả doanh nghiệp) Điều này lý giải cho nhận định nêu trên là rất thuyết phục, muốn đạt được mục tiêu 500.000 doanh nghiệp vào năm 2010 cần phải tăng cường mạnh mẽ các chính sách, giải pháp thiết thực cả ở tầm vĩ mô và vi mô thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp tư nhân thành lập mới và phát triển.

Cần thêm những “cú hích”

Phát triển doanh nghiệp đến nay không phải là một vấn đề mới. Trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế, Đảng và Nhà nước đã làm được rất nhiều việc cho doanh nghiệp tư nhân thành lập và phát triển như xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý; cải thiện môi trường kinh doanh mà điểm nhấn quan trọng là việc ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thống nhất; cải cách thủ tục hành chính; cải cách doanh nghiệp nhà nước; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển các lĩnh vực kinh tế trọng điểm; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng văn hóa kinh doanh… Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cho rằng, những vấn đề trên chưa gắn kết trong một chiến lược chung với tầm nhìn dài hạn, có lộ trình, có mối quan hệ và thứ tự ưu tiên. Do vậy, cần phải có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của nhiều cơ quan, bộ, ngành, nhiều cấp trong chiến lược tổng thể quốc gia về phát triển doanh nghiệp.

Các chuyên gia thuộc Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển nhằm đạt mục tiêu vào năm 2010 cả nước có 500.000 doanh nghiệp hoạt động cần phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập và rút lui khỏi thị trường; phải đẩy mạnh cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động cho khu vực này; cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chọn lọc trong quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công nghiệp phụ trợ; tăng cường hơn các hoạt động dịch vụ hỗ trợ phát triển kinh doanh; xây dựng một đội ngũ doanh nhân năng động và có văn hóa kinh doanh cao; tạo dựng các nhịp cầu liên kết - hội nhập - cùng phát triển giữa các doanh nghiệp với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để hai bên hiểu rõ nhu cầu, khả năng và tăng cường hợp tác đầu tư có hiệu quả.

Trong sự nỗ lực cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp, Chính phủ đã chỉ thị cho các bộ, ngành liên quan ban hành thông tư hướng dẫn cơ chế phối hợp thực hiện việc cấp giấy phép kinh doanh, đăng ký mã số thuế và khắc dấu “một cửa”, rút ngắn đáng kể thời gian, chi phí cho doanh nghiệp gia nhập thị trường. Tuy nhiên, từ góc độ thực tiễn, ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội Công thương Hà Nội cho rằng, cần phải tiến tới “mã hóa” mỗi doanh nghiệp một mã số duy nhất. Đi đôi với cải tiến này, Chính phủ phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn việc ban hành “giấy phép con” do các bộ, ngành, địa phương ban hành.

Đại diện nhiều doanh nghiệp tư nhân cho rằng, ngoài việc hỗ trợ phát triển về số lượng, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng, phát triển mạnh về chất lượng. Bên cạnh những giải pháp tổng thể, cần phải tiếp tục cải cách hệ thống tính và thu thuế thuận lợi hơn; tạo cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh bình đẳng thực sự trong các lĩnh vực kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện các thủ tục giải thể, phá sản… để họ rút lui khỏi các lĩnh vực kinh doanh không hiệu quả.

Ông Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đó là “vốn, công nghệ, nguồn nhân lực và thông tin”. Theo ông Kiêm, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ, phổ biến thông tin cho các doanh nghiệp tư nhân hiểu rõ những cam kết, lộ trình thực hiện và chương trình hành động của Chính phủ về hội nhập và hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường. Mặt khác, hỗ trợ các hiệp hội doanh nghiệp làm công tác bảo vệ ngành hàng và tư vấn cho các doanh nghiệp thành viên những việc nên làm, nên tránh, các diễn biến của thị trường liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính phủ cần linh hoạt xác định rõ cái gì nên quản và quản tới đâu, còn lại trao cho thị trường để giúp cho doanh nghiệp tư nhân nâng cao tính tự chủ, cạnh tranh bình đẳng trong nước cũng như trong môi trường WTO.

Trên thực tế, đã có khá nhiều giải pháp và chính sách thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển. Tuy nhiên, nhiều chính sách, qui định khi đưa vào thực tiễn chưa được thực thi đầy đủ, thậm chí còn gây khó khăn thêm cho các doanh nghiệp. Điển hình nhất là những qui định về qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng và nhận quyền sử dụng đất; các thủ tục và điều kiện vay vốn ngân hàng. Ngay cả những văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001) ban hành trước đây được coi đã tạo ra khung pháp lý cho việc trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, khẳng định hơn tính nhất quán phát triển nền kinh tế nhiều thành phần của Đảng, Nhà nước, tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư và các nhà tài trợ ODA vào chính sách đổi mới của Việt Nam... thì kinh nghiệm đã cho thấy, qua một khoảng thời gian nhất định nhiều qui định đã không phù hợp và bộc lộ hạn chế cần phải bổ sung, sửa đổi cho phù hợp trước yêu cầu phát triển doanh nghiệp tư nhân trong giai đoạn mới./.

Lan Ngọc - Bộ Công thương

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất