Thứ Ba, 24/9/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 6/11/2008 9:40'(GMT+7)

Miễn, giảm thuỷ lợi phí: San sẻ gánh nặng cùng nông dân

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã triển khai thực hiện nhiều chính sách khuyến khích người nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp bằng việc ban hành một số chính sách hỗ trợ, miễn giảm các khoản phí, lệ phí; trong đó, phải kể đến những chính sách về miễn giảm thuỷ lợi phí.

Với việc hỗ trợ người nông dân bằng biện pháp miễn giảm thuỷ lợi phí, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28-11-2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; đến năm 2007, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định 154/2007/NĐ-CP ngày 15-10-2007 sửa đổi, bổ sung Nghị định 143/NĐ-CP cho sát với tình hình thực tế. Song song với sự hoàn thiện về chính sách Nhà nước cũng đã có sự đầu tư lớn về vốn cho các công trình thuỷ lợi. Chỉ tính riêng trong vòng 3 năm gần đây vồn đầu tư của Nhà nước dành cho nông nghiệp tăng đáng kể, năm 2005 là 14.740 tỷ đồng, trong đó thuỷ lợi chiếm 9.497 tỷ đồng; năm 2006 là 35.581 tỷ đồng, trong đó thuỷ lợi chiếm 30.052 tỷ đồng; năm 2007 là 25.413 tỷ đồng, thuỷ lợi chiếm 18.143 tỷ đồng; năm 2008, Ngân sách Trung ương đã cân đối 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương cấp kinh phí cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi.

Để tiếp tục khuyến khích người nông dân phát triển sản xuất bằng việc miễn giảm thuỷ lợi phí, đồng thời hoàn thiện chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế, hiện Bộ Tài chính đang gấp rút hoàn thiện trình Chính phủ Dự thảo Nghị định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 143/2003/NĐ-CP ngày 28-11-2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi thay thế Nghị định số 154/2007/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15-10-2007.

Có thể nói, sự ra đời của Nghị định 143/2003/NĐ-CP tại thời điểm đó đã đánh dấu một sự đột phá mới trong lĩnh vực khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn bằng việc miễn giảm thuỷ lợi phí của Chính phủ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, Nghị định này cũng đã bộc lộ một số điều hạn chế, những quy định còn mang tính công thức không sát với tình hình thực tế. Cụ thể: Những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được miễn thủy lợi phí; địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì giảm từ 50% - 70% mức thủy lợi phí... Trong khi, đại bộ phận người nông dân còn gặp nhiều khó khăn, với thu nhập thấp hàng năm vẫn phải gánh một khoản lệ phí không nhỏ cho thủy lợi. Điều này dẫn đến sự không công bằng giữa các địa phương: địa phương quy định mức cao thì ngân sách địa phương phải chi ít và được ngân sách Trung ương hỗ trợ nhiều. Ngược lại, địa phương (thường là các tỉnh nghèo) quy định mức thu thấp được ngân sách Trung ương hỗ trợ ít, ngân sách địa phương phải chi nhiều. Việc tính toán mức hỗ trợ cũng phức tạp, mất thời gian. Mặt khác, không đảm bảo được mức chi cho các đơn vị thuỷ nông, nhất là chi cho việc duy tu, bảo dưỡng công trình nên nhiều công trình thuỷ lợi xuống cấp nghiêm trọng. Vì mức thu thuỷ lợi phí theo Nghị định này được xây dựng trên cơ sở tiền lương và giá cả năm 2001-2002... Nhằm khắc phục một số hạn chế tồn tại trong việc miễn giảm thuỷ lợi phí cho sát với tình hình thực tế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 154/2007/NĐ-CP về chính sách miễn thuỷ lợi phí cho nông dân.

Nghị định 154/2007/NĐ-CP được đánh giá là “khoan sức dân”, giảm bớt đi những gánh nặng trên vai người nông dân với những quy định: Miễn thủy lợi phí đối với hộ gia đình, cá nhân có đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và làm muối trong hạn mức giao đất nông nghiệp, bao gồm: đất do Nhà nước giao, được thừa kế, cho, tặng, nhận chuyển nhượng hợp pháp, kể cả phần diện tích đất 5% công ích do địa phương quản lý mà các hộ gia đình, cá nhân được giao hoặc đấu thầu chuyển quyền sử dụng. Chỉ không miễn thủy lợi phí đối với diện tích đất vượt hạn mức giao cho hộ gia đình, cá nhân. Riêng đối với địa bàn có điều kiện kinh tế -xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế -xã hội khó khăn (theo quy định của Luật Đầu tư), được miễn thủy lợi phí đối với toàn bộ diện tích đất, mặt nước dùng vào nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; không phân biệt trong hay ngoài hạn mức giao đất. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định: Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi sẽ được ngân sách Nhà nước cấp bù số tiền do miễn thu thủy lợi phí. Sự hỗ trợ này của Nhà nước giúp đảm bảo vận hành trơn tru hệ thống công trình thủy lợi trên cả nước khi không còn nguồn thu trực tiếp từ người nông dân như trước đây. Đặc biệt, là rà soát lại hệ thống thủy lợi, vì trên thực tế, có những công trình thủy lợi tốn bạc tỷ nhưng không sử dụng được. Tất cả những điều này nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của ngành thủy lợi khi nguồn thu đã bị giảm bớt.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị định 154/2007/NĐ-CP, năm 2008, Ngân sách Trung ương đã cân đối 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương cấp kinh phí cho các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi. Đến nay, Bộ Tài chính đã phân bổ kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các địa phương và đã cấp ứng 644 tỷ đồng bằng 70% thu thuỷ lợi phí của các địa phương trong năm 2007 và bằng 64,4% số kinh phí ngân sách Trung ương cân đối để hỗ trợ cho các địa phương trong năm 2008 (1.000 tỷ đồng). Để “gỡ khó” cho các địa phương, Bộ Tài chính cũng đã thực hiện ứng trước từ tháng 1-2008 đã tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai các kế hoạch sửa chữa, nạo vét kênh mương, phục vụ kịp thời cho sản xuất nông nghiệp trong khi việc thu thuỷ lợi phí của các địa phương các năm trước đây thường tiến hành vào cuối vụ thu hoạch (tháng 6-7 và tháng 11-12 hàng năm).

Mặc dù vậy, trong quá trình tiến hành triển khai thực hiện Nghị định 154/2007/NĐ-CP cũng đã bộc lộ một số tồn tại cần được khắc phục. Nghị định 154/2007/NĐ-CP mới chỉ đề cập đến diện tích tưới tiêu đối với các công trình thuỷ nông xây dựng bằng nguồn vốn NSNN. Đối với diện tích tưới tiêu các công trình thuỷ lợi xây dựng bằng vốn không phải của ngân sách và đang thu theo thoả thuận thì không được miễn. Bên cạnh đó, mức cấp bù thuỷ lợi phí cho các địa phương được căn cứ vào mức thu thuỷ lợi phí theo quy định của UBND các tỉnh, thành phố theo quy định tại Nghị định 143/2003/NĐ-CP; khi thực hiện Nghị định này các địa phương lại có quy định mức thu thuỷ lợi phí khác nhau.

Khắc phục những tồn tại từ Nghị định 143/2003/NĐ-CP và Nghị định 154/2007/NĐ-CP để đảm bảo sự công bằng, đúng đối tượng và sát với thực tiễn khi thực hiện chính sách của Chính phủ về thuỷ lợi phí. Dự thảo Nghị định lần này đã tập trung vào những nội dung còn tồn tại với những quy định: Về mức thu thuỷ lợi phí; Về miễn thuỷ lợi phí; Về chính sách đối với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi...

Theo đó, mức thu thuỷ lợi phí sẽ được quy định theo vùng miền với phương thức tưới tiêu (động lực, trọng lực, động lực kết hợp trọng lực). Mức thu thuỷ lợi phí phù hợp mặt bằng giá cả hiện hành để đảm bảo cho các đơn vị quản lý công trình thủ nông có đủ kinh phí hoạt động, thực hiện duy tu bảo dưỡng các công trình thuỷ lợi, để không bị xuống cấp và phát huy cao nhất công suất thiết kế, phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp. Cụ thể: Đối với diện tích thu thuỷ lợi phí theo Nghị định số 143/2003/QĐCP: xác định lại mức thu thuỷ lợi phí trên cơ sở mức thu thuỷ lợi phí tối đa đã được quy định tại Nghị định nghị định này và hệ số điều chỉnh dựa trên mức tăng tiền lương, tăng giá một số nguyên, nhiên, liệu chủ yếu (điện, xăng dầu....) là 2,31 lần để xác định lại mức thu thuỷ lợi phí mới; Đối với diện tích tưới tiêu bằng hệ thống công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách hoặc bằng nhiều nguồn vốn, thu thuỷ lợi phí theo thoả thuận: Mức thu được xác định thoả thuận giữa đơn vị quản lý vận hành công trình thuỷ lợi với hộ dùng nước và được Uỷ ban nhân dân tỉnh thông qua.

Về miễn thuỷ lợi phí: Giữ nguyên đối tượng và phạm vi miễn thuỷ lợi phí như Quy định tại Nghị định số 154/2007/NĐ-CP và mở rộng thêm phạm vi miễn là diện tích được tưới, tiêu nước từ các công trình thủy lợi xây dựng bằng nguồn vốn khác và thu thuỷ lợi phí theo thoả thuận, cụ thể là: Miễn thuỷ lợi phí diện tích trong hạn mức giao đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân dùng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối không phân biệt diện tích tưới, tiêu từ công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách hay nguồn vốn ngoài ngân sách; thu thuỷ lợi phí theo qui định của Nhà nước hay thoả thuận; Miễn thuỷ lợi phí toàn bộ diện tích không phân biệt trong hay ngoài hạn mức giao đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 22/2006/NĐ-CP ngày 22-9-2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư.

Về chính sách đối với các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi khi thực hiện chính sách: Cơ bản chính sách đối với các đơn vị quản lý khai thác công trình thuỷ lợi vẫn giữ như quy định tại Nghị định số 154/2007/NĐ-CP của Chính phủ. Riêng đối với các đơn vị thuỷ nông thu thuỷ lợi phí theo thoả thuận thì UBND cấp tỉnh quyết định mức cấp bù cho từng đơn vị phù hợp với mức thu thuỷ lợi phí của các đơn vị này, ngân sách Trung ương hỗ trợ ngân sách tỉnh theo một mức quy định thống nhất trong cả vùng, cụ thể là: Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi (công ty, HTX, tổ hợp tác....) được ngân sách nhà nước cấp bù số tiền do miễn thu thuỷ lợi phí quy định tại Nghị định này. Ngân sách Trung ương đảm bảo kinh phí để cấp cho các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi tương ứng với số thuỷ lợi phí được miễn. Riêng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có điều tiết nguồn thu về ngân sách Trung ương thì tự đảm bảo kinh phí để cấp bù cho cho các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi của địa phương tương ứng với số thuỷ lợi phí được miễn. Ngân sách địa phương đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng, duy tu, sữa chữa thường xuyên, sữa chữa lớn và các khoản hỗ trợ theo chế độ hiện hành đối với các công trình thuỷ lợi của các đơn vị quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi do địa phương quản lý; Công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi nhà nước thực hiện sắp xếp lại, thay đổi phương thức quản lý khi thực hiện chính sách miễn thuỷ lợi phí, nếu phát sinh lao động dôi dư thì người lao động dôi dư được hướng chính sách như quy định áp dụng đối với lao động dôi dư của các công ty nhà nước khi chuyển đổi sở hữu, giải thể, phá sản. Kinh phí để giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư được lấy từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; Công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi nhà nước được ngân sách hỗ trợ kinh phí để xử lý xoá nợ đọng thuỷ lợi phí và lỗ do nguyên nhân khách quan đến trước thời điểm thực hiện chính sách miễn thuỷ lợi phí. Ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi do Trung ương quản lý. Ngân sách địa phương hỗ trợ cho cho các công ty quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi do địa phương quản lý.

Quỳnh Chi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất