Thứ Hai, 21/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Năm, 4/8/2016 11:12'(GMT+7)

Bắc Giang: 10 năm thực hiện Quy định về đảng viên làm kinh tế tư nhân

Đồng chí Nguyễn Đức Minh, bí thư chi bộ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ngôi Sao Bắc Giang (thứ ba từ phải sang) giới thiệu sản phẩm gạch cotto.

Đồng chí Nguyễn Đức Minh, bí thư chi bộ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ngôi Sao Bắc Giang (thứ ba từ phải sang) giới thiệu sản phẩm gạch cotto.

Có thể nói, việc cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân là một chủ trương lớn trong quá trình đổi mới tư duy của Đảng ta, vì vậy, từ khi có Quy định số 15-QĐ/TW ngày 28/8/2006 (Quy định 15) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đảng viên làm kinh tế tư nhân, nhận thức của các cấp ủy và đảng viên trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong những năm qua đã có chuyển biến tích cực; tạo thêm niềm tin tưởng, là cơ sở để nhiều đảng viên có điều kiện và khả năng mạnh dạn đầu tư, sản xuất, kinh doanh, phát huy được vai trò của đảng viên làm kinh tế tư nhân, góp phần cùng các cấp ủy, tổ chức đảng đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên, thành lập tổ chức đảng, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp tư nhân.

Là tỉnh miền núi, Bắc Giang có diện tích tự nhiên 3.849 km2; có 9 huyện và 1 thành phố; trong đó có 6 huyện miền núi và 1 huyện vùng cao (Sơn Động); 230 xã, phường, thị trấn (177 xã miền núi) với dân số trên 1,6 triệu người. Tính đến 30/6/2016, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang có 15 đảng bộ trực thuộc (10 đảng bộ huyện, thành phố; 05 đảng bộ trực thuộc), 759 tổ chức cơ sở đảng (trong đó có 402 chi bộ cơ sở, 357 đảng bộ cơ sở), 4.536 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với 78.281 đảng viên. Trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh có 107 tổ chức cơ sở đảng (19 đảng bộ cơ sở, 88 chi bộ cơ sở); 115 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, với 2.770 đảng viên. Hiện toàn tỉnh hiện có 5.275 doanh nghiệp (2.237 công ty TNHH 01 thành viên, 1.579 công ty TNHH 02 thành viên trở lên, 1.040 công ty cổ phần, 419 doanh nghiệp tư nhân).

Trong những năm qua, các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về loại hình, quy mô hoạt động; đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách của tỉnh, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; cơ bản các doanh nghiệp thực hiện tốt các chế độ đối với người lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện,…


Kịp thời chỉ đạo, triển khai thực hiện


Thực hiện Quy định số 15, Công văn số 685-CV/BTCTW ngày 20/9/2006 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng về việc tổ chức nghiên cứu, triển khai Quy định số 15, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt Quy định 15 cùng với việc nghiên cứu, quán triệt Quy định số 23-QĐ/TW ngày 31/10/2006 của Bộ Chính trị về thi hành Điều lệ Đảng và Hướng dẫn số 03-HD/BTCTW ngày 29/12/2006 của Ban Tổ chức Trung ương Đảng hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng (khóa X). Các đồng chí Tỉnh ủy viên, thường trực HĐND, UBND tỉnh; Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; bí thư ban cán sự đảng, đảng đoàn; Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; lãnh đạo các cơ quan, sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh; bí thư, phó bí thư thường trực các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã tham dự hội nghị. Sau hội nghị của tỉnh, các cấp ủy đã nghiêm túc xây dựng kế hoạch thực hiện và mở hội nghị nghiên cứu, quán triệt triển khai đến các cấp ủy, tổ chức đảng trong đảng bộ bảo đảm đúng tiến độ, thời gian quy định. 

Việc tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Quy định 15 trong Đảng bộ tỉnh đã được thực hiện đúng kế hoạch và đạt yêu cầu đề ra. Các cấp ủy đảng đã làm tốt công tác tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Quy định 15; quan tâm hướng dẫn, giúp đỡ đảng viên làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên; thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, chỉ đạo xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên tham gia làm kinh tế tư nhân theo quy định. Việc thực hiện Quy định 15 đã thúc đẩy và phát huy được năng lực, trí tuệ, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên trong phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, giúp cho các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và cán bộ, đảng viên nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn chủ trương của Đảng về việc đảng viên làm kinh tế tư nhân; đồng thời, xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ, biện pháp và trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, nhất là trách nhiệm của đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực tế, đa số đảng viên làm kinh tế tư nhân đã chấp hành tốt quy định pháp luật, sản xuất kinh doanh đúng ngành nghề đã đăng ký; góp phần đưa khu vực kinh tế tư nhân phát triển, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất, tăng nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động. 

Kết quả khả quan

Trong những năm qua, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, các cấp ủy trong Đảng bộ tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo phát triển kinh tế, khuyến khích nhân dân đầu tư phát triển kinh tế, trong đó đã quan tâm, tạo điều kiện và khuyến khích đảng viên làm giàu chính đáng thông qua phát triển kinh tế tư nhân. 

Tính đến ngày 30/6/2016, tỉnh Bắc Giang có 3.626 đảng viên làm kinh tế tư nhân (tăng 3.069 đảng viên so với trước khi có Quy định số 15), bằng 4,5% tổng số đảng viên trong Đảng bộ tỉnh. Về ngành nghề kinh doanh: Có 1.001 đảng viên kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; 389 đảng viên kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp; 310 đảng viên kinh doanh trong lĩnh vực ngư nghiệp; 63 đảng viên kinh doanh trong lĩnh vực thủy lợi; 1.863 đảng viên kinh doanh trong các lĩnh vực khác. Về thành phần kinh tế: Có 2.361 đảng viên làm kinh tế cá thể, 682 đảng viên làm kinh tế tiểu chủ, 583 đảng viên làm kinh tế trong các doanh nghiệp tư nhân. Một số huyện có nhiều đảng viên làm kinh tế tư nhân như: Lục Nam 1.903 đảng viên, Tân Yên 588 đảng viên, thành phố Bắc Giang 339 đảng viên...
 
Sau 10 năm thực hiện Quy định 15, nhìn chung các đảng viên làm kinh tế tư nhân trong Đảng bộ tỉnh đã quán triệt và trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, không ngừng phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; luôn nhạy bén, năng động, thể hiện tính tiên phong trong thực hiện chủ trương phát triển kinh tế của Đảng trong tình hình mới. Các doanh nghiệp do đảng viên làm chủ hoạt động khá hiệu quả và tuân thủ đúng các quy định hiện hành của Nhà nước trong việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động, bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động.

Nhiều doanh nghiệp đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường với doanh thu hàng năm luôn tăng, thực hiện tốt nghĩa vụ thuế với Nhà nước, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tích cực tham gia hoạt động từ thiện, nhân đạo và thực hiện các chế độ, chính sách khác cho người lao động đúng quy định. Đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tiểu chủ cơ bản chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ công dân và nghĩa vụ của người lao động trong doanh nghiệp.

Các tổ chức đảng có đảng viên làm kinh tế tư nhân đã chú trọng kiểm tra, giám sát đảng viên trong việc chấp hành đường lối, quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; hằng năm hướng dẫn đảng viên kê khai tài sản theo đúng quy định. Trong 10 năm qua, không phát hiện trường hợp đảng viên là cán bộ, công chức nhà nước, trong lực lượng vũ trang và cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước vi phạm những điều không được làm theo Điều 3, Quy định 15.

Tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện Quy định 15, tỷ lệ đảng viên tham gia làm kinh tế tư nhân trên địa bàn còn ít so với số lượng doanh nghiệp tư nhân và số đảng viên hiện có của tỉnh. Một số chủ doanh nghiệp tư nhân chưa nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc thành lập tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong doanh nghiệp; bản thân không muốn đứng trong hàng ngũ của Đảng. Một số cấp ủy và tổ chức chính trị - xã hội chưa thực sự quan tâm thúc đẩy xây dựng, củng cố tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân, nên tỷ lệ tổ chức đảng và các đoàn thể trong doanh nghiệp chưa tương xứng với số lượng và sự phát triển của doanh nghiệp hiện nay.

Các cấp ủy đảng chưa thực sự quan tâm, có cơ chế khuyến khích, tạo điều kiện cho đảng viên làm kinh tế tư nhân. Một bộ phận đảng viên chưa thực sự mạnh dạn phát huy năng lực, trí tuệ, chưa đi sâu tìm tòi, nghiên cứu tìm ra các mô hình, cách làm kinh tế hiệu qủa để làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội. Nhất là, một số tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp tư nhân chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị. Việc theo dõi, kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng đảng viên làm kinh tế tư nhân trong doanh nghiệp chưa có tổ chức đảng gặp khó khăn, do đảng viên tham gia sản xuất kinh doanh ở một nơi, nhưng sinh hoạt đảng lại ở nơi khác, chủ yếu là sinh hoạt ở chi bộ nông thôn, do đó việc đánh giá chất lượng đảng viên chưa sát thực chất. 

Một số kinh nghiệm

Sau 10 năm thực hiện Quy định 15, nhiều đảng viên trên địa bàn tỉnh đã khẳng định được bản lĩnh trong quản lý, sản xuất kinh doanh, góp phần tạo ra của cải vật chất cho xã hội cũng như tạo công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà tỷ lệ đảng viên làm kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá khiêm tốn. Quá trình triển khai thực hiện Quy định 15 của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã để lại một số kinh nghiệm bước đầu.

Một là, các cấp ủy Đảng phải làm tốt công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, định hướng phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước; về quy định đảng viên làm kinh tế tư nhân nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và sự đồng thuận của xã hội đối với đường lối, chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Đảng, mà trong đó, đảng viên vừa là chủ thể lãnh đạo, vừa là chủ thể thực hiện.

Hai là, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định các chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển. Thực hiện bình đẳng thực chất giữa các loại hình doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi để các doanh nghiệp tăng trưởng bền vững.
 
Ba là, quan tâm củng cố, xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn, tạo điều kiện để đảng viên thực hiện nhiệm vụ của người đảng viên.

Bốn là, các cấp ủy Đảng cần nắm vững chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của tổ chức cơ sở đảng nơi có đảng viên làm kinh tế tư nhân, trên cơ sở đó chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng quy chế hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp, phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp kịp thời giải quyết, tháo gõ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tạo sự đồng thuận, thống nhất trong chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ, giữ gìn khối đoàn kết, thống nhất trong tập thể cấp ủy và trong doanh nghiệp.

Năm là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với đảng viên làm kinh tế tư nhân để đảng viên thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trước những khó khăn và thách thức của các doanh nghiệp hiện nay, để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của các doanh nghiệp, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành chức năng, công đoàn, Đoàn Thanh niên cần phải nắm vững và vận dụng tốt chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động của tổ chức cơ sở đảng có đảng viên làm kinh tế tư nhân. Từ đó, xây dựng quy chế hoạt động và dựa vào các tổ chức này để phát triển sản xuất, kinh doanh; xử lý tốt mối quan hệ lợi ích kinh tế, chính trị giữa chủ doanh nghiệp tư nhân là đảng viên và những người lao động trong doanh nghiệp mình./.

Ths. Thạch Văn Chung
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Giang



 

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất