Thứ Hai, 21/10/2024

Đổi mới tư duy và phương thức học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng


Theo đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương: Công tác học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng tuy đã có những bước đổi mới nhất định nhưng những đổi mới ấy chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu của tình hình. Việc nâng cao chất lượng công tác học tập, quán triệt tuy có một số tiến bộ nhưng cũng còn nhiều mặt hạn chế, cần được khắc phục. Theo ông, muốn đổi mới về phương thức, trước hết phải có đổi mới tư duy về công tác học tập, quán triệt nghị quyết. Phải kiên quyết khắc phục lối học tập có tính sách vở, học chay, dạy suông. Như Trung ương đã chỉ rõ, học tập, quán triệt nghị quyết phải gắn kết chặt chẽ với thực tiễn cuộc sống, đi liền với xây dựng chương trình hành động. Hội thảo, tọa đàm phải thật sự sôi động với những cuộc thảo luận, tranh luận và đề ra giải pháp khả thi. Đổi mới tư duy và phương thức công tác học tập, quán triệt nghị quyết là tiền đề và điều kiện để nâng cao chất lượng công tác này. Mở các lớp học tập nghị quyết phải theo phương châm: Trọng chất lượng hơn số lượng, trọng thực chất hơn hình thức.


Đồng chí Vũ Đức Nam, Trưởng ban Tuyên giáo, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho rằng: Việc tổ chức nghiên cứu, học tập nghị quyết cần được đổi mới theo hướng phân tầng nội dung, phân loại đối tượng phù hợp. Những cán bộ chủ chốt có trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo, quản lý những lĩnh vực mà nghị quyết đề cập cần nghiên cứu sâu, trao đổi kỹ để thấm nhuần đầy đủ, chuẩn xác những định hướng của Trung ương, xác định đúng và trúng những nội dung cốt lõi cần và có thể vận dụng sát hợp với điều kiện của địa phương, ngành, lĩnh vực của mình, định hướng cho việc xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện. Những cán bộ hoạt động ở các lĩnh vực khác cần nắm vững những quan điểm cơ bản; đảng viên chỉ cần hiểu những tinh thần cốt lõi của nghị quyết. Việc xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch hành động cần cụ thể, nêu rõ trọng tâm, trọng điểm, giải pháp đột phá, các điều kiện, cơ chế, chính sách, nguồn lực bảo đảm, lộ trình triển khai, phân công rõ tổ chức, cá nhân đảm nhiệm. Học tập nghị quyết phải dành thời gian thỏa đáng để thảo luận, giải đáp những vấn đề đặt ra, tạo sự đồng thuận, thể hiện quyết tâm chính trị cao.


Ý thức sâu sắc về yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng, các cấp ủy Đảng xác định học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng bộ, ngành, địa phương. Từ thực tiễn công tác, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phùng Minh Cường chia sẻ: Đảng ủy Bộ quan tâm lựa chọn nội dung học tập phù hợp: Đối với cán bộ chủ chốt, nội dung học tập thường đi sâu vào những nội dung cơ bản và mới, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của các quan điểm, định hướng, giải pháp thực hiện; từ đó liên hệ thực tiễn và vận dụng sáng tạo vào công tác; tham gia đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Đối với đảng viên ở cơ sở, nội dung học tập cụ thể, gắn với tình hình thực tiễn của từng lĩnh vực, từng ngành, giúp người học nắm vững các luận điểm cơ bản và vận dụng vào thực tế công tác. Để tiếp tục đổi mới công tác học tập quán triệt Nghị quyết, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng việc xây dựng chương trình, kế hoạch học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng theo chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương và Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, trong đó cần lưu ý đến đặc điểm của bộ, ngành, đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Đảng bộ chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức học tập nghị quyết phù hợp với điều kiện, đặc điểm của đối tượng tham dự, tránh làm lướt, làm chiếu lệ; tập trung vào những nội dung, vấn đề cụ thể thiết thực, coi trọng liên hệ việc triển khai nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Chiến, Văn phòng Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Việc học tập, quán triệt các nghị quyết của Đảng được xác định là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên trong hoạt động của Đảng bộ Bộ giúp cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập, quán triệt sâu sắc, nắm vững những nội dung cốt lõi, đường lối, quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong nghị quyết của Đảng để từ đó nâng cao nhận thức, thống nhất tư tưởng, thống nhất ý chí, chương trình và kế hoạch hành động của từng tổ chức, cá nhân đảng viên để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Bộ, nhanh chóng đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.


Về tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông (Hội đồng Lý luận Trung ương) đề nghị cần đổi mới mạnh mẽ cách làm theo hướng: Đảng làm trước; cấp trên làm trước; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả 6 nhiệm vụ trung tâm Đại hội đã nêu; làm kiên quyết, kiên trì, tránh đầu voi đuôi chuột; đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu; có cơ chế để các địa phương phát huy quyền chủ động, sáng tạo, gắn với đề cao trách nhiệm, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, quản lý thống nhất của Trung ương. Nếu cấp ủy nào cũng vào cuộc, làm sát sao, chắc chắn sẽ tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện, đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông nhấn mạnh.


Đổi mới, nâng cao chất lượng việc học tập các nghị quyết của Đảng sẽ mở đường cho việc thực hiện tốt nhất Nghị quyết của Đảng. Với ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt, việc học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của các cấp ủy Đảng, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng và sự đồng thuận cao trong nhân dân; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường và sức mạnh toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Điều quan trọng lúc này là đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, là tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả; làm sao để khắc phục được tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay nhưng chậm đi vào cuộc sống, thậm chí có trường hợp nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít"./.


Hương Thủy/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất