Thứ Sáu, 20/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Bảy, 12/12/2009 15:57'(GMT+7)

Bác Hồ phê phán bệnh quan liêu, cá nhân chủ nghĩa

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III, ngày 8-5-1982. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu Anh hùng, Chiến sĩ thi đua tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III, ngày 8-5-1982. Ảnh: Tư liệu

Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm "Ðường cách mệnh", Người đã dành ngay trang đầu tiên nói về tư cách người cách mệnh: "Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát... Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất" (1).

Trong những ngày kháng chiến vô cùng gian khó, khó khăn, "vận nước ngàn cân treo sợi tóc" phải vững tay chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh, Người bày tỏ: "Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo- là vì mục đích đó. Ðến lúc nhờ quốc dân đoàn kết, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh việc Chính phủ, tôi lo lắng đêm ngày, nhẫn nhục cố gắng, cũng vì mục đích đó. Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân"(2).

Và để nêu gương trước toàn Ðảng, toàn dân, Bác cũng nhịn ăn một bữa như mọi người để góp vào "Hũ gạo kháng chiến". Bữa cơm của vị Chủ tịch nước sau Cách mạng Tháng Tám vô cùng đạm bạc với rau, cà, cá khô. Người căn dặn đảng viên phải rèn luyện đức tính cần, kiệm, liêm, chính, coi đó là những điều không thể thiếu được của mỗi người, cũng như trời có bốn mùa, đất có bốn phương "thiếu một phương thì không thành đất; thiếu một đức thì không thành người". Ðó chính là nền tảng của đời sống mới ở một đất nước đã thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân. Ðặc biệt, trong bước khởi đầu xây dựng Nhà nước pháp quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng là "công bộc của dân". Ngay từ tháng 10-1945, Người gửi thư cho UBND các tỉnh Bắc Bộ, thẳng thắn và nghiêm khắc phê phán bệnh quan liêu của một số cán bộ: "trái phép, cậy thế, hủ hóa... Tư túng- Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này, chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài"(3), làm tổn hại đến uy tín của Chính phủ, mất lòng tin cậy của nhân dân. Từ đó, Người yêu cầu cán bộ phải kiên quyết tự sửa chữa khuyết điểm, sai lầm. "Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa nó đi"(4).

Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp gian khổ, từ căn cứ địa Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa cùng với Quân ủy Trung ương trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch tiến công lớn của bộ đội chủ lực, vừa chăm lo xây dựng Ðảng, chính quyền, các đoàn thể của Mặt trận Liên - Việt. Người không quên nhắc nhở cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành phải luôn luôn giữ vững đạo đức cách mạng, "trung với nước, hiếu với dân", chống bệnh tư lợi, "tẩy sạch bệnh quan liêu" bằng "thang thuốc": đặt lợi ích của dân lên trên hết, trước hết, phải thực hành phê bình và tự phê bình, gương mẫu cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Chính Người đã ký quyết định xét xử cán bộ tham ô để lấy đó làm gương, răn dạy đảng viên không được quan liêu, tham nhũng. Người thẳng thắn phê bình bệnh "cấp bậc" trong cán bộ; vì căn bệnh này mà cán bộ không đoàn kết, công việc không trôi chảy. Ðồng thời Người nêu cán bộ phải thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu. Người coi bệnh quan liêu, tham ô là tội ác, phải tẩy sạch nó đi để thực hiện cần kiệm liêm chính.

Những căn bệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp chứng tỏ rằng bệnh  quan liêu, tham nhũng là căn bệnh gắn liền với việc công quyền bị "biến công vi tư". Khi đất nước đã hòa bình thì căn bệnh này sẽ có điều kiện phát triển; tệ "biến công vi tư" nặng hơn, biến tướng dưới mọi hình thức; chính vì thế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết và nói phê phán chủ nghĩa cá nhân, đề cao đạo đức của cán bộ, đảng viên trong thời kỳ cách mạng mới. Khi Ðảng và Chính phủ về Thủ đô Hà Nội, tháng 3-1955, Người đã viết bài về Người cán bộ cách mạng, bút danh C.B, trong đó, Người nêu vai trò hết sức quan trọng của đạo đức cách mạng, liên quan đến thành bại của cách mạng và nội dung của đạo đức cách mạng là giữ vững lập trường, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Những năm sau đó, Người viết một loạt bài về đạo đức cách mạng như: "Ðạo đức cách mạng" với bút danh Trần Lực đăng trên Tạp chí Học tập, tháng 12-1958; bài nói chuyện tại Hội nghị chỉnh huấn của T.Ư tháng 1-1965; Ðặc biệt, trong bài "Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân" với bút danh T.L nhân kỷ niệm lần thứ 39 Ngày thành lập Ðảng 3-2-1969, Người đã phân tích một cách lô- gíc, khoa học nguồn gốc của chủ nghĩa cá nhân. Khi tiến lên chủ nghĩa xã hội, cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới, chủ nghĩa cá nhân vẫn tồn tại. Người coi "chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc"(5). Người chỉ rõ tác hại của nó: "chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí... Nó trói buộc, nó bịt mắt những nạn nhân của nó"(6). Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng hết lòng, hết sức phục vụ giai cấp công nhân và nông dân lao động. Ðể có được đạo đức cao đẹp đó, đảng viên phải thường xuyên học tập và rèn luyện hằng ngày, kiên quyết tự đấu tranh chống tư lợi, quan liêu, để "ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong". Ðược như thế, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ giữ vững được phẩm chất, khí tiết của người cộng sản, không bị cám dỗ vào vòng tham quan, ô lại "coi Ðảng như một cái cầu thang để thăng quan phát tài... tự cho mình có quyền sống xa hoa hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi"(7).

Bao năm tháng trôi qua, nhưng những lời dạy của Bác Hồ vẫn giữ nguyên giá trị, soi sáng cho mỗi cán bộ, đảng viên và toàn dân ta trong cuộc đấu tranh chống quan liêu, chống chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, lãng phí.

__________

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, T2, tr 260.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, T4, tr 240.

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, T4, tr 57.

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, T4, tr 166.

(5) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, T9, tr 284.

(6) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, T9, tr 292.

(7)  Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, T11, tr 374.

TH (Theo PHẠM KIM THANH- ND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất