Chủ Nhật, 24/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 7/5/2009 14:32'(GMT+7)

Bác Hồ và Đảng ta chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ đi tới toàn thắng

Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ ở mặt trận Đông Khê (Ảnh tư liệu)

Cuối tháng 9-1953, tại bản Tỉn Keo, thôn Lục Giã (nay là xã Phú Đình) huyện Định Hoá-Thái Nguyên, thuộc ATK Việt Bắc, Bác Hồ và Bộ Chính trị họp bàn kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, đập tan kế hoạch quân sự của Na-Va, đẩy bộ máy cai trị, chính quyền, quân đội thực dân Pháp và tay sai rơi xuống vực thẳm. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình địch, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Địch tập trung quân sự đông để tạo nên sức mạnh. Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn… Phương hướng chiến lược không thay đổi. Về hướng hoạt động lấy Tây Bắc làm hướng chính. Các hướng khác là hướng phối hợp. Nhưng trong hành động có thể thay đổi. Phép dùng binh là thiên biến vạn hoá”. Bộ Chính trị quyết định kế hoạch tác chiến chiến lược ở các mặt trận Lai Châu (tháng 12-1953) ở Trung lào (tháng 12-1953) ở Hạ lào, Đông Campuchia (tháng 1,2,3,4-1954) ở Thượng Lào (tháng 1,2-1954).

Bị động về chiến lược, Na-Va, Đại tướng 4 sao, Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp (từ 8-5-1953) ở Đông Dương, phải điều động quân chủ lực đến các chiến trường do ta chủ động đánh địch, kìm chân địch. Na-Va đầu tư cho Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh...

Ngày 6-12-1953, tại Tỉn Keo, Bác Hồ và Bộ Chính trị họp, thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng tư lệnh, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng, không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với cả quốc tế… Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

Ngày 1-1-1954, tại Tỉn Keo, Bác Hồ và Bộ Chính trị họp, quyết định bộ máy chỉ huy chiến dịch, kế hoạch điều động quân chủ lực lên Tây Bắc và các lực lượng quân-dân-chính Đảng phối hợp, hỗ trợ cho chiến dịch.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam được cử làm Bí thư Đảng uỷ kiêm Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến dịch. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Phó Tổng Tham mưu trưởng là Tham mưu trưởng chiến dịch. Đồng chí Lê Liêm làm chủ nhiệm chính trị. Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh phụ trách công tác hậu cần, đường xá, tiếp tế chiến dịch. Đồng chí Đặng Kim Giang làm chủ nhiệm cung cấp tại mặt trận.

Các đại đoàn chủ lực tham gia trực tiếp chiến dịch là Đại đoàn 308, đồng chí Lê Quang Đạo được điều động làm Chính uỷ (thay cho đồng chí Song Hào-Chính uỷ Đại đoàn 308 bị bệnh), Đại đoàn trưởng là đồng chí Vương Thừa Vũ; Đại đoàn 312: Chính uỷ Trần Độ, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, Đại đoàn phó Đàm Quang Trung; Đại đoàn 316: Chính uỷ Chu Huy Mân, Đại đoàn trưởng Lê Quảng Ba; Đại đoàn 304: Chính uỷ Lê Chưởng, Đại đoàn trưởng Nam Long; Đại đoàn Công-Pháo 351 (Công binh, Pháo binh): Chính uỷ Phạm Ngọc Mậu, Tư lệnh Đào Văn Trường.

Hai đại đoàn chủ lực: Đại đoàn 320 đánh địch ở đồng bằn Liên khu Ba, kìm chân địch, không cho địch hỗ trợ cho Điện Biên Phủ. Đại đoàn 325 đánh địch trên chiến trường miền Trung, Tây Nguyên, Trung lào, Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia.

Lực lượng quân sự ở các liên khu gồm có bộ đội địa phương, dân quân, du kích chủ động đánh địch, giải phóng các vùng bị địch tạm chiếm, kìm chân địch ở mọi vùng miền. Một phần quân chủ lực bộ đội địa phương, dân quân, du kích bảo vệ Liên khu Việt Bắc, “đóng vai” các đại đoàn chủ lực 308, 312, 316, hành quân liên tục để đánh lừa địch, giữ bí mật cho các đại đoàn chủ lực trên tiến đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Quyết tâm bảo đảm cho chiến dịch Điện Biên Phủ giành toàn thắng, tiếp đó, Bác Hồ và Bộ Chính trị, Chính phủ đã ra Chỉ thị toàn Đảng, toàn dân, các liên khu-chủ yếu là Liên khu Việt Bắc, khu Tây Bắc, Liên khu III, Liên khu IV chi viện cho tiền tuyến. Hội đồng Cung cấp mặt trận Điện Biên Phủ do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Đồng chí Nguyễn Văn Trân là Phó Chủ tịch kiêm Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính phục vụ chiến dịch. Bộ trưởng Bộ Thương binh-Cựu binh là cụ Vũ Đình Tụng. Bác sĩ Tôn Thất Tùng-Thứ trưởng Bộ Y tế và các vị đại sứ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đặc biệt ở Trung Quốc, Liên Xô… lo công tác cung cấp cho mặt trận Điện Biên Phủ và tuyên truyền…

Đồng chí Đào Trọng Kim-Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính, đồng chí Lê Dung-Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính phối hợp với các đồng chí Nguyễn Văn Trân, trước phụ trách Thanh tra Chính phủ được cử sang làm Phó Chủ tịch Hội đồng Cung cấp mặt trận kiêm Thứ trưởng Bộ Giao thông công chính, nghiên cứu, vạch kế hoạch chỉ đạo việc huy động nhân lực, vật lực bảo đảm giao thông vận tải, phục vụ tiền tuyến, đặc biệt mở tuyến đường bộ từ Khánh Khê (Lạng Sơn) sang Thái Nguyên-Tuyên Quang (Bến Bình Ca)-Yên Bái (Bến Âu Lâu) - qua Đèo Lũng Lô - đến Bến Tạ Khoa - ra Cò Nòi nhập với đường 6 lên Sơn La-Tuần Giáo-Điện Biên. Đường vận chuyển từ hậu phương ra hoả tuyến được chia thành 3 tuyến: Tiền tuyến: do Tổng cục Cung cấp phụ trách. Trung tuyến: do Hội đồng Cung cấp mặt trận phụ trách. Hậu tuyến: do các khu, liên khu III, IV, Tây Bắc phụ trách. Tính chung trong cả chiến dịch, trên tuyến đường do Hội đồng Cung cấp mặt trận phụ trách đã vận tải được 1.542.734 tấn/km với các phương tiện vận tải thô sơ là chính (xe ngựa, xe trâu bò, ngựa thồ, thuyền, xe đạp), xe ô-tô chỉ có hơn 100 xe (kể cả 41 xe quân sự)-một con số rất khiêm tốn so với 29.991 xe đạp thồ.

Về tuyến Liên khu III và IV, đồng chí Nguyễn Chí Thanh-Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị vào Thanh Hoá chỉ đạo Uỷ ban Kháng chiến hành chính huy động nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ và chỉ đạo đánh địch, kìm chân địch. Đồng chí Văn Tiến Dũng-Tổng Tham mưu trưởng về Liên khu III, chiến trường quen thuộc, chỉ đạo Uỷ ban Kháng chiến Hành chính huy động nhân lực, vật lực phục vụ cho chiến dịch và Đại đoàn 320, đánh địch ở đồng bằng.

Với khu Tây Bắc là địa bàn trực tiếp phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 205/SL chỉ định thành viên Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Khu Tây Bắc (Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu) gồm Chủ tịch: Bùi Quang Tạo, các Uỷ viên: Nguyễn Bằng Giang, Lê Trung Đình, Cầm Liên, Trần Quyết lo cho chiến dịch về tất cả các mặt.

Các ban của Đảng, các đoàn thể, các bộ của Chính phủ, các cục-tổng cục của Bộ Quốc phòng, theo chức năng, nhiệm vụ của mình phục vụ cho chiến dịch, điều động một số bộ phận, cán bộ lên Tây Bắc. Trong đó có Báo Nhân Dân, Báo Cứu Quốc, Báo Quân đội Nhân dân…

*

Tổng phản công về chính trị gắn liền với tổng phẩn công về quân sự và ngoại giao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng thông qua những bài viết Thường thức Chính trị, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa yêu nước, chủ trương đường lối kháng chiến, kiến quốc của Đảng ta, Chính phủ ta.

Người đã viết nhiều lời kêu gọi, thư, thơ, bài nói chuyện, điện gửi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong cả nước, cán bộ, chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ, cán bộ cung cấp và đồng bào dân công phục vụ chiến dịch, đồng bào và cán bộ tỉnh Lai Châu, quân và dân Tây Bắc… động viên kịp thời và chỉ ra những nhiệm vụ phải hoàn thành cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Trước giờ nổ súng “khai hoả” chiến dịch, Người đã viết thư gửi cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ (đầu tháng 3-1954).

Ngày 15-3-1954, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Điện tới cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Trong đó có đoạn: “Bác và Trung ương Đảng được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Bác và Trung ương Đảng có lời khen các đồng chí. Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này”.

*

Đầu tháng 1-1954, cuối Đông, giá lạnh, hoa mơ, hoa mận nở trắng trong các bản làng An toàn khu Định Hoá (Thái Nguyên). Trước khi lên đường ra mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Uỷ viên Bộ Chính trị, Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam, Bí thư Đảng uỷ kiêm Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đến Khuôn Tát (xã Phú Đình)-nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nà Mòn, nơi ở và làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh, để chào Bác, chào đồng chí Tổng Bí thư.

Cây đa trên đồi Nà Đình-Khuôn Tác trổ búp đón mùa xuân Đại thắng. Bác hỏi: “Chú ra mặt trận lần này có khó khăn gì không?”, đồng chí Võ Nguyên Giáp trả lời: “Chỉ có khó khăn là xa hậu phương nên khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết thì khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”. Bác nói: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền, vấn đề gì khó khăn bàn thống nhất trong Đảng uỷ, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Bác nhắc: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Bác đã truyền cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết tâm cao nhất, đánh thắng giặc ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, phương châm đánh chắc tiến chắc, quy chế làm việc của Bí thư Đảng uỷ, Tư lệnh mặt trận với Đảng uỷ và cố vấn.

Ngày 5-1-1954, Bộ Tổng tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị dự bị, tổng cục và cục lên Tây Bắc. Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận. Ngày 7-5-1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Bản án chế độ thực dân Pháp xâm lược Việt Nam từ 1858 đến 1954, đã được đọc những dòng cuối tại đây, bằng tiếng sấm Điện Biên Phủ, chấn động địa cầu, trong thế kỷ XX./.

Trần Quang Vinh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất