Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 16/4/2009 10:12'(GMT+7)

Một số vấn đề cơ bản của nền kinh tế VN trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay

Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ chính trị, Bí Thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TW, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu tại Kỳ họp

Đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ chính trị, Bí Thư TW Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo TW, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương phát biểu tại Kỳ họp

>>>Khai mạc Kỳ họp thứ 8 Hội đồng Lý luận TW

>>>Bế mạc kỳ họp thứ 8 Hội đồng Lý luận Trung ương

Tại Kỳ họp này, chúng ta sẽ tập trung cho Hội thảo khoa học về chủ đề “Một số vấn đề cơ bản của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. Đây là một chủ đề mang tính thời sự nóng bỏng và có ý nghĩa rất thiết thực. Việc chúng ta lựa chọn chủ đề này thể hiện ý định và mong muốn của chúng ta gắn kết việc nghiên cứu lý luận với những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong đời sống đất nước.

Thay mặt Thường trực Hội đồng, tôi xin nêu lên một số vấn đề sau đây:

I. Khái quát về diễn biến, xu thế, tính chất và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng

1. Nếu nhìn một cách khái quát từ lịch sử các cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới, có thể nhận thấy rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay cũng khởi phát ở Mỹ, và cũng lại bắt đầu từ thị trường tài chính của nước này.

Vào mùa hè năm 2007, trên các thị trường tài chính Mỹ đã xuất hiện những chấn động lớn, bắt đầu từ sự kiện xin nộp đơn phá sản của tập đoàn cho vay thế chấp mua nhà lớn nhất nước Mỹ (American Home Mortgage). Sự kiện ấy đã gây ảnh hưởng dây chuyền với “tốc độ” chóng mặt, và chỉ sau đó mấy tháng trong nửa đầu năm 2008, một số ngân hàng và các tập đoàn đầu tư bất động sản lớn ở Mỹ đã lâm vào tình trạng suy sụp. Đến cuối tháng 9-2008, cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ thực sự bùng nổ, với việc tuyên bố phá sản của hàng loạt tập đoàn và các ngân hàng lớn.

Từ những tháng cuối năm 2008 đến nay, diễn biến xấu của kinh tế - xã hội Mỹ có xu hướng trở nên trầm trọng hơn, với những khoản nợ và tài sản xấu trong hệ thống ngân hàng gia tăng đột biến, đe doạ sự tồn tại của hàng trăm tổ chức tài chính ở những quy mô lớn nhỏ khác nhau. Hàng loạt doanh nghiệp, kể cả trong các tập đoàn lớn, buộc phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất, đóng cửa, thậm chí phá sản. Mặc dù chính phủ Mỹ đã áp dụng nhiều biện pháp mạnh, nhưng “cơn lốc” khủng hoảng tài chính vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp hơn và gây ra những tác hại sâu rộng hơn.

2. Trong bối cảnh thị trường toàn cầu hiện nay, cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, quốc gia được coi là “đầu tàu” của nền kinh tế thế giới(1), đã lan ra rất nhanh đến hầu khắp các châu lục và các nước, với những mức độ ảnh hưởng khác nhau.

Từ giữa năm 2008, hầu như không một nước nào trên thế giới có thể tránh được tác động của cuộc khủng hoảng đang ngày càng lan rộng. Hệ thống tài chính toàn cầu hiện thời đang trong cơn khủng hoảng rất trầm trọng, với những biểu hiện thực tế không thể phủ nhận: hầu hết các thị trường tín dụng đóng băng; hàng loạt thị trường chứng khoán đổ vỡ, kéo theo vô số các vụ vỡ nợ không còn khả năng thanh toán… Một loạt biện pháp ứng phó tạm thời của các chính phủ ở nhiều nước và những đợt bơm tiền mạnh của các ngân hàng trung ương vẫn tỏ ra không đủ sức để kiềm chế “cơn lốc” khủng hoảng.

Gần đây, đã có dự báo, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay có thể sẽ dẫn đến những vấn đề và hậu quả còn nghiêm trọng hơn so với cuộc đại suy thoái 1929-1933 và các cuộc khủng hoảng khác đã xảy ra.

Tính nghiêm trọng không chỉ ở chỗ số lượng các nước và các lĩnh vực kinh tế đang và sẽ chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tăng lên rất đáng kể, mà còn cả trên phương diện mức độ suy thoái trầm trọng của nền kinh tế toàn cầu cũng như những ảnh hưởng rất bất lợi và đau lòng liên quan đến cuộc sống của hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ người dân, nhất là đối với những tầng lớp dân cư vốn đã nghèo khổ tại các nước trên thế giới. Hơn nữa, nó còn có thể dẫn đến những xung đột, mâu thuẫn về lợi ích giữa các bộ phận, tầng lớp xã hội trong từng nước; giữa các khu vực, các nhóm nước; từ đó, có thể làm bùng phát các cuộc khủng hoảng xã hội và chính trị ở phạm vi và quy mô khác nhau…

3. Thực tế cho thấy, từ sau cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất đến nay, một số nước và thậm chí toàn bộ hệ thống tư bản chủ nghĩa thường bị đẩy vào các cuộc khủng hoảng kinh tế có tính chu kỳ(2). Phải chăng, tính chu kỳ rơi vào khủng hoảng là thuộc tính của sự phát triển nền kinh tế thị trường trong điều kiện nó bị khống chế, chi phối bởi những khuôn khổ còn chật hẹp và những mục đích thực dụng thiếu tính nhân văn của chủ nghĩa tư bản?

Về tính chất của cuộc khủng hoảng hiện nay, chúng tôi xin đưa ra một số nhận xét bước đầu sau đây:

Một là, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay xuất phát từ sự khủng hoảng, mất đòn bẩy trên thị trường tài chính của Mỹ, từ đó đã lan ra rất nhanh và dẫn đến sự rối loạn với những mức độ khác nhau trên thị trường tài chính của hầu hết các nước lớn và nhiều nước đang phát triển.

Hai là, trong điều kiện tình trạng tài chính đang có những biểu hiện còn tồi tệ hơn, hầu hết các nước đang chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này lại dùng những biện pháp đối phó, theo kiểu “co cụm”, thắt chặt hơn các điều kiện hoạt động tín dụng hoặc dâng cao hàng rào bảo hộ mậu dịch,… Hậu quả đã nhìn thấy là: các hoạt động thương mại, đầu tư bên trong từng nước và giữa các nước đều bị chững lại hoặc bị thu hẹp, tăng trưởng GDP của các nước và tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại hoặc suy giảm một cách đột ngột.

Ba là, sự rối loạn nghiêm trọng của các quan hệ tài chính thực ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Về thực chất, cuộc khủng hoảng này có căn nguyên từ những mặt bất ổn của thể chế sở hữu, thể chế tài chính, cấu trúc của các nền kinh tế; đồng thời được tích tụ từ những sai lầm của các chính phủ trong quá trình thiết kế và tổ chức thực hiện các chính sách liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, hoạt động của hệ thống ngân hàng…

4. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay bắt nguồn từ những nguyên nhân nào ?

Chúng tôi xin nêu một số nhận định để các đồng chí thảo luận :

Thứ nhất, do những sai lầm đã được tích đọng trong suốt 10 năm gần đây của các ngân hàng Mỹ, với kiểu cung ứng các khoản tiền cho vay quá dễ dãi và ồ ạt vào lĩnh vực bất động sản và vào một số lĩnh vực khác, vì những mục đích thực dụng ngắn hạn.

Thứ hai, bắt nguồn từ sự lệ thuộc quá lớn của các đồng tiền khác vào đồng đôla Mỹ; và từ những sai lầm, buông lỏng quản lý, điều hành của các định chế tài chính - tiền tệ quốc gia và quốc tế.

Thứ ba, xuất phát từ sự trượt dài theo những quan điểm phiến diện trong tổ chức các hoạt động kinh tế: “thị trường quyết định tất cả”, “chủ nghĩa tự do mới là thống soái”, “nhà nước không được can thiệp vào thị trường”, “nhà nước nhỏ, thị trường lớn”.

Thứ tư, nguyên nhân sâu xa nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay là do mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản mà C.Mác đã từng phát hiện - đó là “mâu thuẫn giữa quyền lực xã hội chung mà tư bản chuyển hoá thành, với quyền lực tư nhân của những nhà tư bản cá biệt đối với những điều kiện sản xuất xã hội ấy, ngày càng trở nên gay gắt…”(3)?

Chính vào lúc cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra hiện nay, một số nhà lý luận tư sản nổi tiếng thế giới cho rằng, những tư tưởng khoa học của C.Mác đang toả sáng với “cường độ” rất mạnh. Mới đây, giáo sư Josheph Stiglitz của Đại học Colombia (Mỹ) – người từng đoạt giải Nobel kinh tế 2001, cố vấn của cựu Tổng thống Bill Clintơn, nguyên Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, đã đưa ra nhận định: mô hình kinh tế hiện nay của Mỹ nói riêng và của các nước tư bản chủ nghĩa nói chung dẫn đến tình trạng bất công quá lớn, không thể bảo đảm cho phát triển bền vững lâu dài. Theo cách khái quát của ông, thì chính bất công xã hội là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

II. Tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đến nước ta

Từ cuối năm 2007 đến nay, chúng ta phải đối phó với lạm phát, suy giảm kinh tế và những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh ấy, những yếu kém vốn có của nền kinh tế nước ta đã bộc lộ rõ hơn.

Là một bộ phận của nền kinh tế thế giới, là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, nền kinh tế nước ta thực lực yếu hơn nhưng lại có “độ” mở lớn hơn, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lên tới khoảng trên 150% GDP (năm 2008), do đó không thể tránh khỏi những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra trong phạm vi toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng GDP suy giảm. Hoạt động xuất, nhập khẩu chịu tác động nặng nề. Nguồn vốn đầu tư quốc tế suy giảm, đầu tư nước ngoài vào nước ta cũng chịu ảnh hưởng bất lợi. Các lĩnh vực quan trọng khác cũng chịu những tác động bất lợi của khủng hoảng kinh tế toàn cầu như: sản xuất công nghiệp sụt giảm, thị trường chứng khoán có những biến động rất bất thường, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng bị “đóng băng”; nguồn thu ngoại tệ phi mậu dịch – du lịch, xuất khẩu lao động, kiều hối đều giảm. Hoạt động tín dụng có biểu hiện chững lại do xuất khẩu sụt giảm và sức mua trên thị trường nội địa chưa được cải thiện; các ngân hàng đang phải đối mặt với “bài toán” hóc búa về khả năng thanh toán…

Lĩnh vực xã hội đã có nhiều vấn đề bức xúc, trong năm 2008 và quý I-2009 lại có những dấu hiệu gay gắt hơn và tình hình này có thể còn diễn biến phức tạp.

III. Những vấn đề đang đặt ra cần chú trọng giải quyết để giảm thiểu những tác động bất lợi và những tình huống xấu hơn có thể xảy ra

Thứ nhất, liên quan đến thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Sau hơn 20 năm đổi mới, về cơ bản, nước ta đã chuyển đổi thành công từ thể chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tuy nhiên, cả về nhận thức và thực tiễn vẫn còn nhiều điều cần suy nghĩ:

Về nhận thức: Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về một khung lý luận vững chắc, về đặc trưng “định hướng xã hội chủ nghĩa” của nền kinh tế thị trường; về vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và doanh nghiệp, v.v…

Về thực tiễn: Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng của đất nước; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn kém; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hợp lý và hiện đại hoá còn chậm. Các cân đối vĩ mô trong nền kinh tế còn thiếu vững chắc, thực lực kinh tế của quốc gia còn yếu, dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động từ bên ngoài. Con đường và giải pháp tăng trưởng kinh tế những năm vừa qua, về cơ bản, vẫn dựa chủ yếu vào việc gia tăng quy mô các yếu tố đầu vào, vì thế tỷ lệ giá trị gia tăng trong hầu hết các sản phẩm còn rất thấp. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu được coi là chủ lực nhiều năm nay vẫn là nguyên liệu thô, hàng sơ chế, hàng gia công cho nước ngoài, kéo theo sự thua thiệt lớn trong quan hệ thương mại quốc tế.

Kinh tế nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò chủ đạo. Nhiều doanh nghiệp nhà nước hiệu quả hoạt động thấp; trình độ kỹ thuật, công nghệ và quản lý vẫn tụt hậu xa so với các nước tiên tiến; tính độc quyền còn cao. Kinh tế tập thể còn nhỏ bé, phát triển chậm, vai trò thực tế còn mờ nhạt. Kinh tế tư nhân chưa phát triển mạnh đúng với tiềm năng. Phần lớn các doanh nghiệp thuộc thành phần này có quy mô nhỏ; máy móc, thiết bị, công nghệ lạc hậu; trình độ quản lý yếu; hiệu quả hoạt động thấp; sức cạnh tranh yếu. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn về môi trường đầu tư, đặc biệt là do sự yếu kém của kết cấu hạ tầng, sự vướng mắc về cơ chế, chính sách, sự phiền nhiễu về thủ tục hành chính…

Hệ thống các loại thị trường cơ bản còn bất cập: Thị trường hàng hoá và dịch vụ trong nước về cơ bản vẫn còn manh mún, phân tán, nhỏ bé; trong khi sức ép cạnh tranh từ phía các tập đoàn bán lẻ nước ngoài tăng lên hàng ngày.

Thị trường sức lao động còn sơ khai: nguồn lao động tuy đông về số lượng, gia tăng với tốc độ nhanh, nhưng chất lượng còn rất thấp. Cơ cấu lao động còn nhiều mặt bất hợp lý, lạc hậu và chuyển dịch chậm. Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm còn nghiêm trọng.

Thị trường bất động sản mới bước đầu hình thành nhưng thường ở trong tình trạng không ổn định. Khuynh hướng tự phát và đầu cơ đã bộc lộ khá rõ trong điều kiện nước ta đang phải đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Thị trường tài chính, bao gồm thị trường vốn, thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán cũng còn nhiều bất cập: cơ cấu chưa đồng bộ, thiếu hoàn chỉnh. Chất lượng hoạt động còn thấp. Khả năng huy động các nguồn vốn trong xã hội cho đầu tư phát triển còn hạn chế.

Thị trường khoa học và công nghệ mới hình thành, còn sơ khai, thiếu nhiều điều kiện để phát triển.

Thứ hai, liên quan đến quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Trong những năm đổi mới vừa qua, quản lý nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta đã có những tiến bộ, thành tựu rõ rệt: đã xây dựng và đưa vào vận hành một hệ thống luật pháp đối với nền kinh tế - xã hội. Nhà nước đã tác động, điều chỉnh làm cho nền kinh tế có những chuyển biến về chất, tạo được nhiều nhân tố mới… Tuy nhiên, cũng còn nhiều mặt hạn chế, cần phải được khắc phục: Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa đầy đủ, đồng bộ và thống nhất. Việc xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai và nhiều loại tài nguyên quan trọng khác của đất nước còn nhiều vướng mắc. Vấn đề sở hữu, quản lý và phân phối trong các doanh nghiệp nhà nước chưa được giải quyết tốt, gây khó khăn cho sự phát triển và làm thất thoát tài sản nhà nước, nhất là khi tiến hành cổ phần hoá. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài khu vực nhà nước còn bị phân biệt đối xử. Nhà nước chưa có những cơ chế, chính sách đủ mạnh để thúc đẩy các yếu tố thị trường và các loại thị trường hình thành, phát triển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại, trốn, lậu thuế còn nhiều, chậm được khắc phục. Những hoạt động đầu cơ trong lĩnh vực kinh doanh chứng khoán và kinh doanh nhà đất diễn ra phổ biến, kéo dài, gây nhiều hậu quả xấu, nhưng cũng chậm được khắc phục. Phân bổ nguồn lực quốc gia chưa hợp lý. Hệ thống thuế chưa thực hiện tốt chức năng điều tiết và bảo đảm công bằng xã hội, thúc đẩy đầu tư, đổi mới công nghệ, nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu. Cơ cấu tổ chức, cơ cấu vận hành của bộ máy nhà nước còn nhiều bất cập, hiệu lực, hiệu quả quản lý còn thấp. Cải cách hành chính diễn ra chậm chạp, kết quả đạt được còn ít, không đáp ứng kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Công tác dự báo phát triển kinh tế - xã hội chưa được chú trọng đúng mức, chất lượng dự báo thấp, gây ra lúng túng, bị động trong việc xử lý các tình huống bất thường xảy ra trong nước và tác động từ bên ngoài vào nước ta. Hệ thống an sinh xã hội còn sơ khai, trong khi cơ chế, chính sách phát triển các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, y tế, giáo dục - đào tạo đổi mới chậm…

IV. Một số vấn đề cần tập trung thảo luận

Đề nghị các đồng chí và các vị đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề chủ yếu sau đây:

Một là, nhận định, đánh giá về diễn biến, xu thế, tính chất và nguyên nhân của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay; từ đó bước đầu có thể rút ra những bài học gì cho Việt Nam.

Hai là, tác động của cuộc khủng hoảng đến các nước, các khu vực trên thế giới; đối sách của các quốc gia và các tổ chức quốc tế; chúng ta có thể học hỏi, tham khảo những gì từ các đối sách đã được đưa ra và thực hiện.

Ba là, tác động đã và có thể còn xảy ra của cuộc khủng hoảng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; thách thức và cơ hội phát triển trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Bốn là, qua cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những quan điểm về phát triển kinh tế của Việt Nam cần được bổ sung, phát triển như thế nào ?

Năm là, những giải pháp cơ bản cần tập trung thực hiện để hạn chế đến mức thấp nhất những tác động bất lợi tiếp theo của cuộc khủng hoảng, ngăn chặn nguy cơ lây lan của nó, để giữ vững sự ổn định vĩ mô, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng hợp lý, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và tiếp tục đẩy mạnh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập kinh tế quốc tế.

Trên đây là một vài nét về những vấn đề thực tiễn và lý luận liên quan đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay và một số vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế - xã hội của nước ta mà chúng tôi xin nêu ra để cùng nhau trao đổi, thảo luận./.




(1) Tính đến cuối năm 2008, Mỹ chiếm khoảng 30% GDP, 23,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và giữ khoảng 60- 65% dự trữ ngoại tệ của thế giới.

(2) Các cuộc khủng hoảng sản xuất thừa đã xảy ra ở các nước tư bản chủ nghĩa vào các năm 1825, 1836, 1847, 1857, 1866, 1873, 1882, 1900… Sau chiến tranh thế giới thứ nhất lại xảy ra cuộc khủng hoảng 1920-1921, tiếp đó là cuộc khủng hoảng có tính chất huỷ hoại ở mức độ được coi là khủng khiếp vào các năm 1929-1933; về sau là các cuộc khủng hoảng 1937-1938, 1948-1949, 1953-1954, 1957-1958, 1960-1961, 1969-1971, 1974-1975, 1980-1982… Gần đây là cuộc khủng hoảng tài chính 1997-1998 ở các nước Đông Á; và hiện tại là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bắt đầu từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ, vào mùa hè 2007, như đã nhận diện ở phần đầu báo cáo này.

(3) C.Mác, Tư bản, tiếng Việt, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, T. III, Q.III, ph.1, tr.320.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất